Sống sót từ nghề vá tiền cũ để giao dịch tại chợ đen ở Zimbabwe
Cuthbert Gudza giơ tờ 2 USD lên để đánh giá vết rách trên tờ tiền rồi nhẹ nhàng bôi keo lên đó, anh dán hai mảnh của tờ tiền đô la lại với nhau, xong xuôi đặt dưới nắng cho khô. Thành quả cuối cùng được anh tuyên bố là “chất lượng tốt như tiền mới”.
Tờ đô la Mỹ sờn rách và cũ nát đã được “tái sinh” ngay trên đường phố thủ đô Harare của Zimbabwe. Những người thợ không chuyên như Cuthbert đang vá tiền một cách thủ công và bán lại để kiếm lời. Khủng hoảng tài chính vẫn đang diễn ra trầm trọng tại Zimbabwe, buộc người dân phải tìm mọi cách để mưu sinh.
Con đường “tái sinh” của tiền đô
Đồng đô la Zimbabwe hoàn toàn mất giá vào năm 2009 trong bối cảnh lạm phát kỷ lục. Sau sự sụp đổ đó, người dân đành dựa vào đồng USD cho các giao dịch hằng ngày. Trớ trêu là nguồn cung tiền USD cũng khá hạn chế, nên người dân phải tận dụng đến cả tiền rách.
Cuthbert Gudza hiện 33 tuổi và có 3 đứa con nhỏ. Anh là một người bán khoai tây, nhưng nhìn thấy cơ hội kinh doanh tiềm năng ở những tờ đô Mỹ nên kiêm thêm nghề tay trái là vá tiền.
“Chúng tôi trả 600 đô Zimbabwe cho mỗi một USD. Sau đó, tôi bán lại và nhận được 800 đô Zimbabwe. Tôi lời được ít nhất 0,2 hoặc 0,3 đô cho trên mỗi tờ USD. Ai không muốn cầm tiền mặt thì chúng tôi trả bằng sản phẩm mình có, như chuối, khoai tây, cam hoặc táo. Nếu không thể vá nổi thì chúng tôi mới mang đến ngân hàng”, Cuthbert cho biết.
Thông thường, siêu thị và những nơi kinh doanh tiền chính thức từ chối dùng tiền rách. Chúng được gom lại thành thùng để đưa tới những người như Cuthbert. Anh là một thợ buôn tiền chuyên nghiệp tại chợ đen và hoạt động chính tại một trung tâm mua sắm nhộn nhịp ở thị trấn Kuwadzana, cách trung tâm thủ đô Harare khoảng 15 km về phía tây. Ngoài ra, người hành nghề như Cuthbert cũng gom tiền từ các nguồn khác như chủ cửa hàng bán lẻ, công nhân và cả những người bán hàng rong.
Tiền cũ đang được phơi nắng
Điều kiện cần của mỗi tờ tiền rách là ít nhất số sê-ri ở cả hai mặt phải nhìn rõ. Khi đó mới có thể vá lại và bán được. Albert Marombe, một người hành nghề vá tiền khác chia sẻ: “Tôi không cần biết nó rách thế nào, chỉ cần tôi nhìn được số sê-ri ở cả hai mặt, thì dù cho có bị chuột cắn nát, tôi vẫn có cách sửa lại”.
Như Cuthbert, Albert chỉ chọn nghề sửa lại tiền là nghề tay trái, ông đang làm nghề bán quần áo cũ, và đang cần kiếm thêm tiền để nuôi vợ con. Mọi người thường gọi anh bằng biệt danh “người làm sạch tiền”.
Các ngân hàng Zimbabwe chấp nhận đổi tiền cũ rách nên người dân có thể mang tiền đến đây, nhưng người dân đã quá mất niềm tin vào hệ thống tài chính nước nhà sau khi họ mất sạch các khoản tiết kiệm do siêu lạm phát. Vì vậy họ cảm thấy giao dịch với người buôn tiền ở chợ đen còn đáng tin hơn ngân hàng.
Tình trạng thiếu tiền đô và người dân thiếu niềm tin vào ngân hàng đồng nghĩa với việc nhiều người cất tiền mặt ở nhà. Đây là lợi thế lớn cho các nhà giao dịch tiền tệ như Marombe. “Một khách hàng từng mang đến cho tôi 10 tờ đô trị giá 100 đô, tổng cộng là 1000 đô. Anh ấy đang tiết kiệm tiền để mua ô tô nhưng không may lũ chuột cắn hỏng hết. Hôm đó tôi đã trả một khoản tiền rất hậu hĩnh”, Marombe vừa cười khúc khích vừa kể lại.
Nỗ lực hồi phục nền kinh tế của chính phủ
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, nền kinh tế phi chính thức rất phổ biến tại Zimbabwe. Những đồng đô la cũ nát và bẩn vì vậy mà được lưu hành khắp nơi. Đồng đô la Mỹ đã thống trị các giao dịch ở Zimbabwe kể từ khi siêu lạm phát của nước này tăng vọt lên hơn 5 tỷ phần trăm và buộc chính phủ phải từ bỏ đồng nội tệ vào năm 2009.
Zimbabwe thường xuyên lọt top đất nước có đồng tiền mất giá nhất thế giới. Đồng tiền đô Zimbabwe đã mất giá gần 80% kể từ tháng 1/2023. Dữ liệu từ cơ quan thống kê Zimbabwe ZimStat cho thấy lạm phát của nước này là hơn 250%. Tuy nhiên, theo giáo sư Hanke, mức lạm phát thực tế có thể lên tới gần 420%.
Năm 2019, chính phủ giới thiệu một loại tiền tệ mới của Zimbabwe và cấm ngoại tệ đối với các giao dịch địa phương. Mặc dù vậy, thị trường chợ đen phát triển mạnh, trong khi đồng tiền của chính phủ nhanh chóng mất giá. Vào tháng 3/2020, chính phủ buộc phải nhượng bộ và bỏ lệnh cấm đối với đồng đô la.
Nhà kinh tế John Robertson nhận định, nền kinh tế của quốc gia Nam Phi thịnh vượng một thời này hiện rất yếu do phi công nghiệp hóa, đầu tư thấp, xuất khẩu thấp và nợ cao đến mức không tạo ra đủ dòng tiền cần thiết cho nền kinh tế địa phương.
Về hiện tượng vá tiền vốn đã thịnh hành nhiều năm nay, chính phủ không hề thích chuyện giao dịch phi chính thức và không thông qua các ngân hàng trung ương nên kết tội hành vi này là bất hợp pháp. Thỉnh thoảng cảnh sát sẽ đột kích những người buôn tiền số lượng lớn, tịch thu tài sản và bắt phạt tiền. Để giảm thiểu hiện tượng này, các ngân hàng trung ương bắt đầu yêu cầu người dân tận dụng các kênh chính thức để đổi tiền cũ.
“Ngân hàng Dự trữ có chính sách rõ ràng về những tờ tiền cũ, bẩn. Nếu bạn gặp vấn đề, ngân hàng trung ương sẵn sàng đổi sang những tờ tiền tốt hơn”, thành viên Ủy ban Chính sách Tiền tệ của Ngân hàng Dự trữ Zimbabwe, Persistence Gwanyanya, cho biết.
Đối với các ngân hàng, quá trình xuất khẩu những tờ tiền bẩn và nhập khẩu những tờ tiền mới là một quá trình lâu dài và tốn kém, nhưng họ buộc phải đẩy nhanh tiến độ để lấy lại niềm tin của người dân cũng như hồi phục nền kinh tế đất nước.
Các Sàn forex Uy Tín:
Icmarkets
Exness
IQOption
Deriv
Source link
Comments are closed.