Kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động hội nhập giúp đất nước phát triển bền vững và bao trùm hơn

TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính- tiền tệ Quốc gia đã nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ về tinh thần xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ gắn với chủ động hội nhập quốc tế mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh nhiều lần thông điệp này trong các diễn đàn trong nước và quốc tế…

Đột phá trong tư duy chiến lược phát triển quốc gia

Trong các phát biểu của mình tại nhiều diễn đàn lớn, Thủ tướng Chính phủ đều nhấn mạnh đến tinh thần xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ gắn với chủ động hội nhập quốc tế. Theo ông, tại sao câu chuyện này được đặt ra trong thời điểm hiện nay và điều này có ý nghĩa như thế nào?

TS. Cấn Văn Lực: Trước hết cần khẳng định định hướng phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước ta là chủ trương đúng đắn, xuyên suốt, nhất quán từ Đại hội Đảng IX (2001) và tiếp tục được nhấn mạnh, vận dụng sáng tạo, nâng tầm phù hợp với bối cảnh phát triển mới của hội nhập và toàn cầu hóa; nhất là trong thời điểm thế giới đang có những biến động phức tạp, khó lường hơn, đem đến cho nền kinh tế Việt Nam nhiều thời cơ và thách thức đan xen. Tinh thần này đã thể hiện sự đột phá trong tư duy chiến lược phát triển quốc gia.

Theo tôi, sự phù hợp và ý nghĩa của chủ đề “xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ gắn với chủ động hội nhập quốc tế” trong thời điểm hiện nay mà Thủ tướng nhấn mạnh tại các hội nghị và diễn đàn gần đây được thể hiện trên 3 khía cạnh chính.

Một là, độc lập, tự chủ không tách rời xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng và Cách mạng công nghiệp(CMCN) lần thứ 4. Ở đây, chủ trương gắn kết giữa độc lập, tự chủ và chủ động hội nhập quốc tế được nhấn mạnh và hiện thực hóa khá rõ nét trong từng bước phát triển của kinh tế Việt Nam. Nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự cường với năng lực nội tại sẽ ngày càng vững chắc khi dựa trên khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Những yếu tố này giúp Việt Nam hội nhập thành công, từng bước giảm lệ thuộc vào một số đối tác, thị trường. Đồng thời chúng ta cần nhất quán và tiếp tục chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa đối tác, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế với nhiều hình thức, lộ trình linh hoạt, phù hợp với điều kiện, mục tiêu của đất nước trong từng giai đoạn. Trong mối liên hệ tất yếu này, thời gian qua, nhờ những bước tiến mạnh mẽ của mở cửa hội nhập, sự kết hợp hiệu quả giữa nội lực với ngoại lực, tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu, kết hợp với thu hút đầu tư khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đã cho thấy vị thế, uy tín kinh tế – chính trị của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng nâng cao. Theo tôi, quan trọng hơn, độc lập, tự chủ về kinh tế luôn có sự gắn kết, đồng hành của bản sắc văn hóa truyền thống, giá trị riêng có của Việt Nam để “hội nhập” mà không “hòa tan”.

Thứ hai, tinh thần này đã thể hiện sự hòa hợp của “ý Đảng, lòng dân” hướng tới phồn vinh, thịnh vượng. Chúng ta đã thấy Việt Nam hiện nay đang ở trong giai đoạn phát triển mới với hai ngã rẽ quan trọng, một là trở thành nước thu nhập cao, bắt kịp các nước phát triển khu vực và thế giới; ngã kia là tụt hậu kinh tế, thu nhập ở mức trung bình. Sự lan tỏa tinh thần “độc lập, tự chủ gắn với chủ động hội nhập quốc tế” trong thời điểm hiện nay mang ý nghĩa vô cùng to lớn, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng của toàn thể hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức và nhân dân. Tùy theo trình độ, lĩnh vực, mức độ nhận thức và năng lực hiện có cũng như tiềm năng, chủ trương này sẽ được vận dụng sáng tạo, thông qua những hành động thiết thực, khả thi, phấn đấu vươn lên để đưa Việt Nam sớm trở thành nước thu nhập trung bình, rồi thu nhập cao, phát triển bền vững, bao trùm, đồng thời hiện thực hóa khát vọng phát triển phồn vinh, thịnh vượng, “sánh vai cường quốc năm châu” như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thứ ba, độc lập, tự chủ chính là yếu tố quan trọng hàng đầu, bảo đảm sự ổn định, bền vững của nền kinh tế Việt Nam trong thế giới nhiều biến động. Chúng ta có thể thấy, bối cảnh thế giới hiện nay và sắp tới dự đoán sẽ còn nhiều phức tạp, bất định và rủi ro (như thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, xung đột chính trị, cạnh tranh chiến lược; rủi ro lạm phát, tài chính – tiền tệ; an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh chuỗi cung ứng …) đã và đang đặt ra bài toán cho nền kinh tế Việt Nam. Vì thế, việc tăng tính độc lập, tự chủ, tự cường gắn với chủ động hội nhập quốc tế, nâng cao năng lực chống chịu của nền kinh tế là yêu cầu khách quan, tất yếu và cấp thiết nhằm bảo đảm tính liên tục, ổn định, chắc chắn, không bị gián đoạn các hoạt động kinh tế – xã hội; giúp đất nước tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, tránh được các cú sốc, khủng hoảng từ thế giới bên ngoài, đồng thời giúp nền kinh tế phát triển bền vững, bao trùm hơn.

Tăng “nội lực”, khai thác hiệu quả “ngoại lực”

Kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động hội nhập giúp đất nước phát triển bền vững và bao trùm hơn - Ảnh 1.

Theo chuyên gia Cấn Văn Lực, Việt Nam có triển vọng, lợi thế để tăng tính độc lập, tự chủ, khả năng chống chịu để có thể giảm thiểu rủi ro, tận dụng thời cơ và vượt qua các thách thức

Với góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, nội hàm của tinh thần này là gì, thưa ông?

TS. Cấn Văn Lực: Chúng ta đã nhìn thấy “những cơn gió nghịch” toàn cầu như dịch COVID-19, xung đột Nga – Ukraine, rồi đến cạnh tranh chiến lược, xu hướng toàn cầu hóa thay đổi, rủi ro tài chính – tiền tệ, bộ 3 an ninh (lương thực, năng lượng, chuỗi cung ứng), suy thoái kinh tế đang hiện hữu… đã và đang đặt ra thay đổi về nhận thức, tư duy, góc nhìn và hành động về “độc lập, tự chủ, tự cường và an ninh kinh tế” của một quốc gia.

Trong bối cảnh đó, tinh thần “xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động hội nhập quốc tế” của Việt Nam, theo tôi có hàm ý đa chiều, sâu sắc và bao trùm, phù hợp với bối cảnh mới.

Thứ nhất, độc lập, tự chủ, tự cường của một nền kinh tế hiện nay không có nghĩa là khép kín, “đứng một mình một chợ”, mà là chủ động trong “cuộc chơi”, tăng sức đề kháng – chống chịu của nền kinh tế khi có cú sốc xảy ra. Muốn vậy, chúng ta vừa phải tăng “nội lực”, vừa phải tận dụng, khai thác hiệu quả “ngoại lực”. Đây chính là chủ động hội nhập quốc tế…

Thứ hai, an ninh kinh tế không chỉ giới hạn ở bộ 3 “an ninh” nêu trên, mà bao hàm cả an ninh thương mại, an ninh tài chính – tiền tệ, an ninh mạng, an ninh y tế (nhất là sau dịch bệnh vừa qua)… Vì thế, chúng ta cần phải có những giải pháp linh hoạt để giải quyết vấn đề này.

Thứ ba, độc lập, tự chủ về kinh tế không thể tách rời với các trụ cột “chính trị – xã hội – môi trường – an ninh quốc phòng”. Khi xử lý hài hòa mối quan hệ các trụ cột này sẽ giúp Việt Nam ứng phó linh hoạt, phù hợp, giảm thiểu rủi ro khi gặp những khó khăn của thế giới tác động vào.

Thứ tư, độc lập, tự chủ không chỉ giảm phụ thuộc vào bên ngoài, giảm tính dễ tổn thương trước các cú sốc, tăng cường sức mạnh kinh tế, tài chính nội tại mà còn đồng nghĩa với việc đưa Việt Nam trở thành “mắt xích” quan trọng và đáng tin cậy trong các chuỗi sản xuất, cung ứng và tiêu dùng toàn cầu.

Bên cạnh triển vọng cần mạnh mẽ vượt qua các thách thức

Ông đánh giá khái quát như thế nào về thực trạng và sức chịu đựng của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh thế giới có nhiều biến đổi nhanh và khó lường hiện nay?

TS. Cấn Văn Lực: Kết quả đánh giá ban đầu về tính độc lập, tự chủ và năng lực chống chịu của nền kinh tế Việt Nam theo khung phân tích của chúng tôi (dựa trên sự kết hợp của cả bốn trụ cột về kinh tế, chính trị, xã hội và môi trường) cho thấy tính độc lập, tự chủ và năng lực chống chịu của nền kinh tế Việt Nam ở mức TRUNG BÌNH-KHÁ. Trong đó, các chỉ tiêu về thể chế và quản trị vĩ mô; chỉ tiêu về kinh tế – tài chính đạt điểm số ở mức khá và khá cao, song các chỉ tiêu về môi trường – xã hội hầu hết đang ở mức thấp và trung bình thấp.

Trong đó, mức độ ảnh hưởng của các cú sốc bên ngoài đến nền kinh tế Việt Nam không quá lớn cho thấy Việt Nam có triển vọng, lợi thế để tăng tính độc lập, tự chủ, khả năng chống chịu để có thể giảm thiểu rủi ro, tận dụng thời cơ và vượt qua các thách thức vừa kể trên. Tuy nhiên, khả năng chuyển xuống mức xấu hơn có thể xảy ra nếu không quản lý tốt.

Một số rủi ro, thách thức chính mà Việt Nam cần lưu tâm trong năm 2023 và cả giai đoạn 2023-2025 cũng như sau đó là độ mở thương mại lớn, tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào hoạt động xuất khẩu (kim ngạch xuất nhập khẩu/GDP đạt 186% năm 2022, thuộc nhóm rất cao trên thế giới); mức độ phụ thuộc vào khu vực đầu tư nước ngoài (FDI) và nguồn lực bên ngoài khá lớn (xuất khẩu của khối FDI chiếm 72% tổng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu của khối FDI chiếm 65% tổng kim ngạch nhập khẩu; hơn 90% khối lượng hàng hóa xuất – nhập khẩu do các công ty hàng hải nước ngoài vận chuyển)…

Việt Nam cần tập trung giải quyết những thách thức bên trong cả trước mắt, lẫn trung hạn.

Thúc đẩy văn hóa tự chủ, tự cường gắn với hội nhập quốc tế

Trước những thách thức như vừa phân tích, ông có đề xuất, giải pháp trọng tâm gì để góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động hội nhập quốc tế, nhất là trong năm 2023 này và những năm sau đó?

TS. Cấn Văn Lực: Với những diễn biến nhanh và khó lường của kinh tế toàn cầu, và cả với rủi ro và thách thức dự báo đan xen trong năm 2023, tôi cho rằng việc nhận thức tầm quan trọng, tính cấp thiết của việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động hội nhập quốc tế cần được đặt lên hàng đầu. Chúng ta cần phải gắn tinh thần này với việc định hình lại tầm nhìn, chiến lược phát triển của Việt Nam từ nay đến 2030, tầm nhìn 2045.

Theo tôi, trước hết Việt Nam cần sớm xây dựng và vận hành hệ thống chỉ tiêu đánh giá, đo lường năng lực độc lập, tự chủ, tự cường và sức chống chịu của nền kinh tế theo chuẩn quốc tế trên cơ sở tăng cường phối hợp với các tổ chức quốc tế, các quốc gia trong khu vực.

Thứ hai là cần nâng cao hơn nữa hiệu quả điều hành và phối hợp chính sách kinh tế nhằm ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trường và phát triển bền vững. Theo đó, Chính phủ, các bộ, ngành và các đơn vị chuyên môn cần chủ động phân tích, dự báo diễn biến kinh tế, thị trường tài chính – tiền tệ quốc tế để có kịch bản chủ động ứng phó phù hợp; tập trung đẩy nhanh triển khai Chương trình phục hồi, các chương trình mục tiêu quốc gia và đầu tư công. Hoạt động này vừa là khơi thông nguồn lực, vừa là thúc đẩy tăng trường và tạo lập nền tảng phát triển nền kinh tế lâu dài; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế để huy động và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn; chú trọng bộ 3 “an ninh” như đã nêu trên… Đồng thời, Chính phủ cũng cần quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh, giảm thiểu thủ tục hành chính, tận dụng cơ hội dịch chuyển chuỗi cung ứng, nâng cao hiệu quả hội nhập, kiến tạo thúc đẩy đầu tư trong và ngoài nước, tăng năng suất và giảm chi phí sản xuất, kinh doanh.

Thứ ba là đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, bao gồm cả cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc cho những vấn đề hiện tại để phát triển kinh tế số, mô hình kinh doanh mới, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Hiện nay, quá trình này còn chậm so với kỳ vọng, làm giảm đáng kể năng lực cạnh tranh (trong đó có năng suất lao động) và sức chống chịu của quốc gia. Vì thế, chúng ta cần chú trọng nâng cao chất lượng thể chế, hiệu quả khâu thực thi và phối hợp chính sách. Bên cạnh đó cũng phải nhất quán thực thi 3 đột phá chiến lược mà Nghị quyết Đại hội Đảng đã đề ra, đó là hoàn thiện thể chế, phát triển kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực; trong đó, cần thúc đẩy phát triển bài bản KH&CN, đổi mới sáng tạo và văn hóa con người Việt Nam.

Thứ tư là tiếp tục xây dựng chiến lược, giải pháp tổng thể nâng cao năng lực độc lập, tự chủ, và khả năng chống chịu của nền kinh tế, của các ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp Việt Nam, trong đó chú trọng tăng cường hợp tác, kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, tăng tỷ lệ nội địa hóa, tham gia sâu hơn trong các chuỗi giá trị toàn cầu, đa dạng hóa thị trường, đối tác thương mại, đầu tư, du lịch, xây dựng mô hình quản lý – giám sát rủi ro liên thông hệ thống tài chính – bất động sản, tăng tính minh bạch, tính thị trường và chuyên nghiệp của thị trường tài chính, bất động sản, kết hợp giải pháp kinh tế với các giải pháp về giảm tác động của biến đổi khí hậu, môi trường, phát triển con người, xã hội văn minh, hiện đại.

Đặc biệt, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phải nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, truyền thông về “kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, tự chủ, tự cường gắn với hội nhập quốc tế” trong tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, doanh nghiệp. Trong đó, chú trọng 3 điều kiện không thể thiếu để tăng hiệu quả thực thi, đó là kiến tạo môi trường, khuyến khích, thúc đẩy văn hóa tự chủ, tự cường; cơ chế, chính sách, quy trình minh bạch và chế tài nghiêm minh…

Trân trọng cảm ơn ông.


Các Sàn forex Uy Tín:

Icmarkets

Exness

IQOption

Deriv

Source link

Comments are closed.