Đừng ‘bắt tay’ gây mất lòng tin
Việc ngân hàng “bắt tay” bảo hiểm, qua hình thức kinh doanh “bancassurance” (thuật ngữ ghép “bank” và “insurance”) đã tồn tại hơn chục năm nay, nhưng vấn để mới “nóng” lên sau khi một số khách hàng của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) gửi đơn tố cáo lên cơ quan chức năng, phản ánh khi họ gửi tiết kiệm thì bị tư vấn viên chuyển sang mua gói bảo hiểm “Tâm an đầu tư” của Công ty bảo hiểm nhân thọ Manulife Việt Nam.
Về mặt nguyên tắc, các ngân hàng phải minh bạch các loại sản phẩm của mình cho khách hàng. Tuy nhiên, nhân viên tư vấn đã không làm như vậy mà cố tình mập mờ để tìm cách bán bảo hiểm cho khách. Theo phản ánh của bên tố cáo, trong quá trình tư vấn, nhân viên đã lập lờ, không nói rõ đó là hợp đồng bảo hiểm mà nói là sản phẩm đầu tư do ngân hàng kết hợp với Manulife, lãi suất cao, kèm quà tặng. Một số khách hàng cho biết các đại lý có hành vi lừa đảo, giả mạo chữ ký để ký các hợp đồng bảo hiểm. Có trường hợp một nữ khách hàng đã nghỉ hưu đi gửi tiết kiệm, được nhân viên ngân hàng thuyết phục gửi tiết kiệm với lãi suất cao theo chương trình “Tâm an đầu tư”, nhưng không hề nói rõ đây là hợp đồng bảo hiểm. Sau đó, khách hàng này tá hỏa khi nhận được thông báo của Manulife về số tiền phí đóng hằng năm tới trên 83 triệu đồng. Theo vị khách hàng, nhân viên tư vấn đã giả mạo chữ ký trên hợp đồng, ghi sai thông tin khách hàng như ghi thu nhập của bà là 80 triệu đồng/tháng trong khi bà chỉ nhận lương hưu 5,5 triệu đồng/tháng!
Không chỉ mập mờ “lái” người gửi tiền tiết kiệm sang hợp đồng bảo hiểm, “liên minh” ngân hàng – bảo hiểm còn bị tố “ép” khách vay tiền ngân hàng phải mua kèm bảo hiểm. Thậm chí, khách đi đáo hạn tiền vay cũng bị “bắt” mua bảo hiểm. Chuyện này nếu được xác minh là có thật thì quả là trớ trêu khi người dân đã gặp khó khăn tài chính mới đến gõ cửa vay ngân hàng, vậy mà họ lại bất đắc dĩ phải “cõng” thêm khoản phí đóng bảo hiểm hàng tháng hoặc hàng năm dù không hề mong muốn.
Việc ngân hàng tung nhiều “chiêu” để hút khách hàng qua bảo hiểm là dễ hiểu, khi biết rằng hình thức kinh doanh bancassurance đang là “con gà đẻ trứng vàng” cho họ. Năm 2022, hàng loạt ngân hàng báo lãi cao và trong đó một phần lớn đến từ dịch vụ bảo hiểm. Hình thức liên kết này giúp các công ty bảo hiểm khai thác lượng khách hàng lớn từ các ngân hàng mà không mất chi phí tiếp thị; còn các ngân hàng gia tăng mạnh mẽ nguồn thu. Ban đầu, các ngân hàng chỉ làm nhiệm vụ giới thiệu khách hàng cho bên bảo hiểm, không làm trực tiếp nhưng đến nay nhiều ngân hàng đang thực hiện toàn bộ các hoạt động kinh doanh bảo hiểm, kể cả bán và tư vấn. Không ít ngân hàng đã thiết kế các chương trình theo hướng “cài cắm” bảo hiểm vào dịch vụ của mình hoặc ép nhân viên phải tìm mọi cách để “đường nào cũng dẫn khách hàng đến bảo hiểm”, dẫn đến việc tư vấn không đầy đủ, “chọn lọc” những thông tin có lợi khiến khách hàng “chốt” hợp đồng chóng vánh.
Trên thị trường bảo hiểm khổng lồ, với tổng doanh thu phí trong năm 2022 lên tới trên 251.000 tỉ đồng, thì riêng hoạt động bancassurance chiếm khoảng 20% tổng doanh thu phí của bảo hiểm nhân thọ và khoảng 14% tổng doanh thu phí của bảo hiểm phi nhân thọ. Ngoài ra theo thống kê, hiện có hơn 40% số lượng hợp đồng bảo hiểm khai thác mới đến từ kênh bancassurance. Có thể thấy, hình thức kinh doanh liên kết này đang phát triển nóng, lợi nhuận khủng, trong khi các định chế có tính pháp lý để quản lý chậm cập nhật, đã dẫn đến những biến tướng, mà cuối cùng khách hàng là người chịu thiệt thòi nhất.
Kinh doanh bảo hiểm khi thì mập mờ, khi thì lợi dụng để gây sức ép với khách hàng làm cho thị trường bảo hiểm đứng trước nguy cơ thiếu an toàn, thiếu bền vững, và làm mất đi tính nhân đạo, tự nguyện của hoạt động này. Những sản phẩm bảo hiểm với mục đích tốt đẹp như “Tâm an đầu tư”, khi thông qua vai trò tư vấn, phân phối bảo hiểm mắc lỗi, lại trở thành “gánh nặng” gây bất an, bức xúc cho khách hàng, và đặc biệt là từ những trường hợp nhỏ lẻ có thể gây mất lòng tin nói chung nơi người dân.
Trước những bất cập trong hoạt động bancassurance, trong năm 2022, Bộ Tài chính đã thực hiện thanh tra chuyên đề về phân phối bảo hiểm qua ngân hàng đối với 4 doanh nghiệp bảo hiểm và đang trong quá trình hoàn thiện kết luận. Năm 2023, Bộ sẽ tiếp tục thanh kiểm tra tại cả doanh nghiệp bảo hiểm, ngân hàng và cam kết xử lý nghiêm nếu có vi phạm. Bộ Tài chính cũng đang hoàn thành dự thảo thông tư hướng dẫn một số điều và biện pháp thi hành Luật kinh doanh bảo hiểm, tăng cường công tác quản lý, giám sát và thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp bảo hiểm, môi giới bảo hiểm. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có công văn chấn chỉnh các hoạt động cung ứng dịch vụ liên quan đến bảo hiểm, trong đó tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải nghiêm túc chấp hành các quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh, đại lý bảo hiểm. Các đường dây nóng của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đã được thiết lập, để người dân có thể kịp thời tố giác hoạt động “ép” mua bảo hiểm.
Việc hoàn thiện cơ chế chính sách về kinh doanh bảo hiểm và xử lý quyết liệu sai phạm nếu có trong hoạt động liên kết ngân hàng – bảo hiểm sẽ giúp chấn chỉnh hoạt động này, bảo vệ quyền lợi của người dân. Tuy nhiên, trên hết mỗi khách hàng cũng phải là những người biết tự bảo vệ mình, đặc biệt thận trọng với thông tin được cung cấp, với những văn bản, hợp đồng ký kết để nắm rõ trách nhiệm và quyền lợi, tránh trường hợp trở thành người mua bảo hiểm bất đắc dĩ. Một khi xảy ra những tranh chấp, khiếu nại thì về lý khách hàng rất dễ chịu thiệt.
Với người dân, tự trang bị cho mình những kiến thức về tài chính nói chung, về bảo hiểm nói riêng là một kỹ năng cần thiết để đưa ra những quyết định đúng đắn, phù hợp. Còn với các doanh nghiệp ngân hàng và bảo hiểm, hai chữ “minh bạch”, “tin cậy” phải được đặt lên hàng đầu, có như vậy mới có thể khai thác bền vững được lợi thế “vàng” từ những cái “bắt tay” tích cực, lợi ích cho cả khách hàng và doanh nghiệp.
Các Sàn forex Uy Tín:
Icmarkets
Exness
IQOption
Deriv
Source link
Comments are closed.