VN-Index sắp bước vào “Megatrend”

VN-Index sắp bước vào “Megatrend”

Tại hội thảo với chủ đề “Triển vọng thị trường chứng khoán 2025 – định hình chu kỳ tăng giá mới từ nội lực kinh tế” diễn ra sáng ngày 17/07, các chuyên gia đã thảo luận về triển vọng kinh tế vĩ mô và cơ hội của thị trường chứng khoán Việt Nam trong nửa cuối năm 2025. Đặc biệt, VN-Index được chuyên gia dự báo bước vào một “Megatrend”.

Thúc đẩy nội lực trước các bất ổn của thế giới

Tại buổi hội thảo, Tiến sĩ Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ đánh giá tăng trưởng kinh tế Việt Nam 7.52% trong nửa đầu năm 2025 là tích cực với nhiều điểm sáng, như các động lực kinh tế tăng trưởng, hồi phục đồng đều, đột phá về thể chế, cách mạng tinh gọn bộ máy…. Dựa trên nền tảng này, kỳ vọng tăng trưởng GDP đạt 7.5-7.7% cả năm 2025 và 9-10% trong năm 2026.

Về vấn đề lạm phát và tỷ giá, Tiến sĩ cho rằng tính chung cả năm sẽ nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ. Mặc dù vậy, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với các rủi ro như xung đột địa chính trị, đầu tư tư nhân và tiêu dùng còn thấp, đầu tư công giải ngân chưa đồng đều, rủi ro thị trường trái phiếu, chiến tranh thương mại và đặc biệt là vấn đề thuế đối ứng từ Mỹ.

Tiến sĩ cho rằng xuất khẩu có thể giảm và thu hút FDI có thể chịu ảnh hưởng, xuất hiện cạnh tranh hàng hóa từ các nước khác xuất khẩu sang Việt Nam… Do đó, Tiến sĩ đề xuất nhiều giải pháp để giảm thiểu tác động của chính sách thuế đối ứng từ Mỹ lên Việt Nam, bao gồm tăng cường đối thoại, đàm phán, thúc đẩy quan hệ hợp tác cùng có lợi, giải quyết các vướng mắc mà Mỹ quan tâm, sớm triển khai các giải pháp cụ thể nhằm cân bằng thương mại, đồng thời tạo ra các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, ngành hàng chịu tác động.

Tiến sĩ nhấn mạnh việc Mỹ chia các mặt hàng thành 4 nhóm lĩnh vực chiến lược, chắc chắn sẽ bị áp thuế rất cao, gồm thực phẩm; ô tô; kim loại cơ bản như sắt, thép, nhôm, đồng và các loại khoáng sản chiến lược; công nghệ cao và bán dẫn. Với các lĩnh vực này, Việt Nam không có thế mạnh và xuất khẩu rất ít, nên tác động không lớn. Tuy nhiên, chúng ta đang bị áp thuế thép và nhôm ở mức rất cao 50%, mức chung của thế giới.

Đối với các doanh nghiệp trong ngành thép, nhôm, có hai điểm cần lưu ý. Thứ nhất, so với các đối thủ cạnh tranh khác, chi phí của Việt Nam vẫn thấp hơn nên có thể chịu đựng được. Thứ hai, xuất khẩu thép khoảng gần 1 tỷ USD, nhôm khoảng 500 triệu USD là không đáng kể.

Tuy nhiên, với các lĩnh vực còn lại, ví dụ như gỗ, điện tử, dệt may, da giày thì mức thuế hiện nay Mỹ đang áp là khoảng 18%, có thể bị nâng lên 20%. Ví dụ, ngành gỗ đang bị áp thuế 15%, nếu tăng lên 20% thì sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Việc có thể đàm phán hạ xuống hay không còn tùy thuộc từng ngành hàng, nhưng rằng khả năng đàm phán thành công không cao.




Tiến sĩ Cấn Văn Lực chia sẻ tại hội thảo – Ảnh: Huy Khải

Cũng theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Việt Nam cũng cần cơ cấu lại nền kinh tế, tăng nội lực, tập trung vào các động lực tăng trưởng khác như đầu tư, tiêu dùng và tìm ra các động lực tăng trưởng mới như xuất khẩu dịch vụ.

Tiến sĩ cũng đưa ra nhiều giải pháp đối với doanh nghiệp như chuyển đổi xanh và số hóa, đa dạng hóa thị trường, đối tác, nâng cao năng lực cạnh tranh và nội lực để có thể tận dụng tốt cơ hội trong thách thức.

Đối với Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Tiến sĩ đề xuất đẩy nhanh hoàn thiện thể chế, pháp lý, thực hiện các giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán, nâng cao năng lực quản lý…

Trước câu hỏi của nhà đầu tư về việc liệu Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có trì hoãn việc hạ lãi suất trong thời gian tới, Tiến sĩ Cấn Văn Lực chia sẻ rằng, số liệu gần đây cho thấy kinh tế Mỹ đang tạo điều kiện cho việc giảm lãi suất, nhưng còn chờ thêm các dữ liệu về lạm phát. Cụ thể, chỉ số PCE sẽ được công bố vào khoảng ngày 26-27 hàng tháng.

Thứ hai là việc làm – chỉ số mà gần đây cũng bắt đầu xấu đi, nhất là trong bối cảnh tiêu dùng tại Mỹ suy yếu. Trong tháng 6 vừa qua, tiêu dùng của Mỹ đã giảm 3.3% so với tháng trước – đây là mức giảm rất mạnh trong khi tiêu dùng đóng góp tới 70% GDP Mỹ.

Lý do thứ ba là áp lực chính trị. Gần đây ông Trump liên tục yêu cầu Chủ tịch Fed cắt giảm lãi suất, thậm chí còn tuyên bố có thể cách chức. Dù Fed là cơ quan độc lập, nhưng rõ ràng họ vẫn phải quan sát rất kỹ các yếu tố này.

Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV dự báo tác động từ chính sách thuế quan sẽ rõ ràng hơn trong tháng 8.

Cuối cùng, cần lưu ý rằng lãi suất hiện tại của Mỹ ở mức 4.25-4.5%, tương đối cao so với mục tiêu thông thường. Mỹ từ trước đến nay thường duy trì mục tiêu lạm phát khoảng 2%. Có thể thấy, Mỹ vẫn còn dư địa.

Do đó, Tiến sĩ dự báo Fed nhiều khả năng sẽ chưa cắt giảm lãi suất ngay tháng 7, mà điểm rơi đầu tiên sẽ vào tháng 9 và lần thứ hai vào tháng 12 năm nay.




Các diễn giả trả lời nhiều câu hỏi của nhà đầu tư tại buổi hội thảo – Ảnh: Huy Khải

VN-Index đang bước vào “Megatrend”

Trong bối cảnh “tiền rẻ” được duy trì với nhiều cải cách mạnh mẽ mới về chính sách để hỗ trợ nền kinh tế, ông Nguyễn Minh Hoàng – Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Nhất Việt (VFS) cho rằng thị trường chứng khoán đang bước vào một “Megatrend” trong nửa cuối năm 2025. Trong nửa đầu năm, VN-Index đã hồi phục và tăng điểm tích cực sau sự kiện thuế quan với dòng tiền nhập cuộc mạnh mẽ tương đương với pha tăng 2021 – 2022, tạo ra quán tính mạnh mẽ cho pha tăng mới.

Với kỳ vọng nền kinh tế duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ với những cơ hội mới, dòng tiền tiếp tục nhập cuộc mạnh mẽ, ông Nguyễn Minh Hoàng cho rằng VN-Index sẽ hướng đến vùng 1,600 điểm, tương ứng với mức P/E kỳ vọng từ 13 lên 15 lần.

Với những xu hướng kinh tế lớn, nhiều nhóm ngành trên thị trường đang được hỗ trợ. Trong đó, nhóm cổ phiếu ngành Bất động sản đang thu hút dòng tiền, vẫn có mức định giá hấp dẫn và nhận được sự hỗ trợ mạnh của các chính sách mới được đánh giá là còn nhiều dư địa tăng giá.




Ông Nguyễn Hoàng Minh chia sẻ tại hội thảo – Ảnh: Huy Khải

Trước câu hỏi về thời điểm cụ thể thị trường sẽ chạm ngưỡng 1,600 điểm, ông Hoàng cho rằng sẽ rất khó dự báo nếu thị trường đã bước vào xu hướng tăng, thay vào đó diễn biến tiếp theo sẽ phụ thuộc chủ yếu vào dòng tiền – một yếu tố cũng rất khó đoán định.

Về mặt định giá, nếu thị trường tăng tiếp thì cũng chỉ đưa mức P/E của VN-Index lên khoảng 15 lần, tức là quay về mức bình quân, không còn rẻ nhưng cũng chưa phải quá đắt. Nếu lợi nhuận năm sau, đặc biệt từ các nhóm ngành chính như ngân hàng, tiếp tục duy trì tăng trưởng thì định giá thị trường sẽ được kéo xuống và hỗ trợ cho xu hướng đi lên. Tuy nhiên, thị trường rất khó để tăng liên tục, khi tiếp cận những vùng kháng cự lớn như 1,500 điểm hay cao hơn thì xác suất điều chỉnh là có.

Giám đốc Phân tích VFS nhấn mạnh hai yếu tố, đầu tiên khi nhìn vào chu kỳ tăng dài hơn, thì hiện tại mới là giai đoạn đầu. Nếu xảy ra điều chỉnh thì cũng sẽ diễn ra nhanh và không sâu, bởi dòng tiền bên ngoài còn rất lớn và đang chờ cơ hội giải ngân. Nhiều nhà đầu tư hiện đang cầm tiền bên ngoài thị trường chắc chắn cảm thấy sốt ruột và vì vậy nếu có điều chỉnh thì đó lại là cơ hội hơn là rủi ro.

Thứ hai, VN-Index đã có nhịp tích lũy rất mạnh trong năm 2024 và một nhịp rũ bỏ đáng kể vào tháng 4 vừa qua. Thường sau những nhịp như vậy, thị trường đi lên sẽ tương đối ổn định.

Huy Khải

FILI

– 17:15 17/07/2025


Các Sàn forex Uy Tín:

Icmarkets

Exness

Source link

Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.