Vì sao nhiều quốc gia chưa mặn mà với nhập khẩu điện?

Vì sao nhiều quốc gia chưa mặn mà với nhập khẩu điện?

Vùng biển ngoài khơi Singapore tấp nập tàu chở dầu, tàu container, tàu chở hàng và thuyền đánh cá, nhập khẩu đủ thứ từ dầu mỏ đến thiết bị điện tử. Tuy nhiên, có một loại hàng hóa mà không con tàu nào chở được, và cũng là thứ mà đảo quốc sư tử đang rất cần: Điện năng.

Hòn đảo nhỏ giàu có này chủ yếu sản xuất điện bằng cách đốt khí đốt tự nhiên nhập khẩu, mặc dù đã cam kết giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Singapore có rất ít không gian để xây dựng các trang trại điện gió hoặc điện mặt trời. Vì vậy, Singapore lên kế hoạch tiếp cận nguồn điện sạch theo cách khác: Thông qua các đường cáp khoảng cách xa từ các nước láng giềng.

Chính phủ nước này đã chấp thuận sơ bộ cho các dự án cáp ngầm từ Campuchia, Indonesia, Việt Nam và thậm chí từ Australia, cách xa tới 4,300 km. Trong vòng 10 năm tới, Singapore muốn nhập khẩu 1/3 lượng điện tiêu thụ theo cách này.

Trong bối cảnh địa chính trị và thương mại đang ngày càng căng thẳng, việc chấp nhận phụ thuộc vào các quốc gia khác để có được điện – yếu tố đầu vào then chốt của mọi nền kinh tế hiện đại – nghe có vẻ thiếu khôn ngoan. Tuy nhiên, không ít quốc gia đang thực sự đi theo hướng này.

Liên minh châu Âu (EU) đang đặt mục tiêu đến năm 2030, tất cả thành viên phải có khả năng nhập hoặc xuất khẩu điện tương đương ít nhất 15% sản lượng điện nội địa. Anh Quốc hiện đã có đường cáp ngầm kết nối với 6 quốc gia và vẫn đang tiếp tục mở rộng. Tại châu Phi, các đường dây mới nối Kenya, Tanzania và Ethiopia đang mở ra cơ hội chia sẻ điện năng lớn hơn. Bangladesh đã bắt đầu mua điện từ Nepal thông qua lưới điện của Ấn Độ từ tháng 11. Malaysia, Lào, Singapore và Thái Lan cũng đã khởi động giao dịch đa phương. Gần đây, Bolivia, Colombia, Ecuador và Peru cũng đồng thuận tăng cường kết nối lưới điện, với cùng một mục đích.

Lý do cho những dự án này khá đơn giản. Khi các quốc gia có thể tiếp cận nguồn điện nhập khẩu vào giờ cao điểm hoặc khi sản xuất trong nước sụt giảm, họ sẽ tránh được việc xây dựng các nhà máy dự phòng tốn kém mà phần lớn thời gian không cần dùng đến. Ví dụ như các đường cáp dưới eo biển Manche thường truyền điện từ Anh sang Pháp vào buổi sáng, do người Pháp có thói quen ăn sáng lâu hơn người Anh, nhưng lại chuyển chiều ngược lại vào buổi chiều khi người Anh bật ấm đun nước pha trà. Chênh lệch múi giờ một tiếng giữa hai nước cũng giúp phân tán các thời điểm nhu cầu cao điểm.

Việc trao đổi điện năng còn góp phần giúp các quốc gia giảm phát thải carbon. Do gió và nắng không phải lúc nào cũng có, các lưới điện phụ thuộc nhiều vào năng lượng mặt trời hoặc gió thường thiếu điện vào những ngày mây mù, không gió và dư thừa khi trời nắng gắt hoặc gió mạnh. Các đường cáp kết nối giữa các quốc gia giúp cân bằng cả hai tình huống thừa và thiếu này. Các nước xuất khẩu có thể bán điện thay vì để lãng phí, trong khi các nước nhập khẩu được tiếp cận nguồn điện sạch với giá hợp lý. Theo ước tính của các cơ quan quản lý EU vào năm 2021, tổng lợi ích từ việc kết nối lưới điện có thể đạt 34 tỷ Euro (35.5 tỷ USD) mỗi năm.

Tuy nhiên đến năm 2023, chỉ có 2.8% lượng điện toàn cầu được giao dịch quốc tế. Ngoài châu Âu, hoạt động trao đổi điện năng vẫn còn khá khiêm tốn – chủ yếu chỉ gói gọn trong một số dự án thủy điện lớn cung cấp điện qua biên giới gần kề, như từ Paraguay sang Brazil, hoặc từ Lào sang Thái Lan. Trước đây, rào cản chính là kỹ thuật: Tổn thất điện năng trong quá trình truyền tải lớn khiến việc xuất khẩu điện đường dài không khả thi về mặt kinh tế. Tuy nhiên ngày nay, các đường cáp điện một chiều cao áp đã đạt hiệu suất rất cao. Các dự án ở Brazil và Trung Quốc đã chứng minh được tính khả thi của công nghệ này trên khoảng cách hàng ngàn kilomet.

Thực tế, vấn đề hiện nay nằm ở khía cạnh địa chính trị. Các chính phủ lo ngại về khả năng bị các nước láng giềng cắt nguồn cung cấp điện. Việc thống nhất và thực thi các quy tắc quản lý thương mại điện năng đòi hỏi đội ngũ quản lý có chuyên môn cao. Người dân cũng có những băn khoăn riêng: Lo tài nguyên quốc gia quý giá sẽ bị nước ngoài khai thác cạn kiệt, hoặc sợ các công ty nước ngoài tham lam sẽ lợi dụng để bóc lột người tiêu dùng trong nước.

Dòng điện hiện tại

Những lo ngại này không phải không có cơ sở. Châu Âu đã phải trả giá đắt sau cuộc chiến ở Ukraine vì sự phụ thuộc vào khí đốt Nga. Người dân Na Uy bức xúc khi giá điện trong nước tăng vọt do tình trạng thiếu điện ở bên kia eo biển Skagerrak. Còn người Iceland thì đặt câu hỏi liệu có đáng để từ bỏ các thung lũng nguyên sơ cho các dự án thủy điện hay không.

Các đường dây kết nối giữa Ấn Độ – Pakistan hay Nhật Bản – Hàn Quốc có thể mang lại lợi ích to lớn cho tất cả các bên, nhưng do thiếu sự tin tưởng lẫn nhau nên khó có thể thành hiện thực trong tương lai gần. Tương tự, lưới điện của Mỹ và Mexico sẽ được hưởng lợi từ việc kết nối chặt chẽ hơn, nhưng như ông Ismael Arciniegas Rueda từ viện nghiên cứu RAND nhận định, “bất đồng về luật chơi” đã cản trở điều này.

Nỗi lo các nước khác có thể đang chiếm đoạt tài nguyên quý giá dường như đã góp phần khiến Malaysia ban hành lệnh cấm xuất khẩu điện tái tạo vào năm 2021 (nước này đã dỡ bỏ lệnh cấm vào năm 2023).

“Mỗi quốc gia đều có quyền lợi riêng cần bảo vệ, điều này cũng dễ hiểu”, ông Eugene Toh từ Cơ quan Thị trường Năng lượng Singapore nói.

Mạng lưới dây cáp kết nối giữa các quốc gia

Dù những trở ngại có vẻ đáng nản lòng, nhưng thực tế cho thấy thương mại điện năng thường mang lại thành công lớn. Hãy nhìn vào đường kết nối lâu đời nhất của nước Anh, hay còn gọi là “interconnector” – tên gọi chỉ các đường dây hai chiều nối với các nước châu Âu khác: Đường dây này đã truyền tải điện qua lại với Pháp trong gần 40 năm, chỉ có một vài gián đoạn kỹ thuật ngắn. Việc giao dịch điện vẫn diễn ra suôn sẻ ngay cả trong giai đoạn Brexit.

Anh đã bổ sung thêm 8 đường kết nối, nâng tổng công suất lên gần 10GW, tương đương khoảng 1/5 mức tiêu thụ điện cao điểm. Các cơ quan quản lý còn muốn tăng gần gấp đôi con số này, lên 18GW vào năm 2032. Năm 2021, National Grid – công ty sở hữu phần lớn các đường kết nối của Anh cùng với các đối tác từ các nước liên quan – ước tính các đường dây hiện có và đã lên kế hoạch sẽ giúp người tiêu dùng Anh tiết kiệm 20 tỷ Bảng (24.5 tỷ USD) đến năm 2045.

Các nhà đầu tư cũng rất hào hứng. Đường kết nối đầu tiên giữa Anh với Bỉ được xây dựng vào năm 2019 đã sinh lời mạnh đến mức trong 5 năm đầu đã chạm ngưỡng trần lợi nhuận theo quy định và buộc phải hoàn trả 185 triệu bảng cho người tiêu dùng. 

Điều này đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư khác. Meridiam, một công ty quản lý tài sản, đang tài trợ cho một đường cáp mới nối Anh với Đức. Đường hầm dưới eo biển Manche giờ đã có thêm cáp điện bên cạnh đường ray tàu. National Grid, với đường kết nối dài nhất thế giới 765 km nối với Đan Mạch, thậm chí đã nghiên cứu khả năng kết nối Anh với Mỹ. Theo bà Rebecca Sedler của National Grid, khoảng cách xa hơn đồng nghĩa với chi phí ban đầu cao hơn, nhưng các lưới điện ở hai đầu ít có khả năng chịu ảnh hưởng cùng điều kiện thời tiết hoặc mô hình nhu cầu, tạo ra nhiều cơ hội chênh lệch giá hơn.

Một ưu điểm của các đường kết nối của Anh là tính linh hoạt trong thế giới nhiều bất định. Các lưới điện mà Anh kết nối có cơ cấu năng lượng đa dạng: Pháp chủ yếu dùng điện hạt nhân, trong khi Na Uy lại thiên về thủy điện. Điều này giúp Anh có nguồn cung điện đa dạng và đáng tin cậy hơn.

Thông thường, Anh nhập khẩu nhiều điện hơn xuất khẩu. Nhưng khi châu Âu bắt đầu cắt giảm khí đốt Nga và một số nhà máy điện hạt nhân của Pháp tạm ngừng hoạt động vào năm 2022, xu hướng này đã đảo ngược, khiến Anh tạm thời trở thành nước xuất khẩu ròng. Với việc ngày càng nhiều trang trại điện gió được xây dựng ở Biển Bắc, các cơ quan quản lý Anh kỳ vọng nước này sẽ xuất khẩu nhiều điện hơn, tạo nên sự đảo chiều lâu dài trong dòng chảy điện năng.

Kể từ khi châu Âu chứng minh được tiềm năng của các kết nối đường dài, nhiều dự án tham vọng hơn đã bắt đầu được triển khai. Một đường cáp đang được lắp đặt từ Hy Lạp đến Cyprus – một thách thức kỹ thuật không nhỏ với khoảng cách 900 km và độ sâu đáng kể của Địa Trung Hải. Các mô hình khác đề xuất phương án truyền tải một chiều, điển hình như dự án cáp từ Morocco đến Anh.

XLinks, công ty đứng sau dự án này, cho rằng với sự kết hợp giữa điện gió vào ban đêm, điện mặt trời ban ngày và hệ thống pin dự trữ khi cần, họ có thể đảm bảo cung cấp ổn định cả điện nền lẫn điện vào giờ cao điểm. Sun Cable, doanh nghiệp đang ấp ủ kế hoạch kết nối Australia với Singapore, cũng đề xuất một giải pháp tương tự nhưng trên khoảng cách còn xa hơn nữa.

Một phương án sáng tạo khác là xây dựng nhiều đường kết nối từ một trang trại điện gió ngoài khơi đến nhiều quốc gia khác nhau. Cách làm này cho phép điện được sản xuất có thể được chuyển đến thị trường có giá tốt nhất tại từng thời điểm, đồng thời các đường cáp có thể được tận dụng làm đường kết nối khi thời tiết lặng gió. Dự án tiên phong theo mô hình này đã đi vào hoạt động ở biển Baltic, kết nối Đan Mạch và Đức. Nhiều dự án tương tự cũng đang được hoạch định ở khu vực Biển Bắc.

Dĩ nhiên, châu Âu có lợi thế là một khu vực vừa giàu có vừa có mức độ hội nhập kinh tế đặc biệt sâu rộng. Họ có các cơ quan quản lý khu vực đủ năng lực để xây dựng và thực thi những quy định cần thiết trong việc kết nối các lưới điện quốc gia – vốn thường vận hành ở các tần số, điện áp và cơ chế giá cả khác nhau. Chi phí cho các đường cáp cao áp cũng đã tăng cao do nhiều dự án đang cạnh tranh nguồn cung khan hiếm.

Tuy nhiên, về nguyên tắc không có lý do gì các khu vực khác trên thế giới lại không thể hưởng lợi tương tự. Chẳng hạn, theo ước tính của TransitionZero – một công ty nghiên cứu khí hậu, các quốc gia Đông Nam Á có thể tiết kiệm tới 100 tỷ USD vào năm 2040 nếu bổ sung 230GW đường truyền tải và kết nối mới.

Tây Âu cũng có được sự ổn định về mặt địa chính trị, và điều này không phải ngẫu nhiên. Các nền kinh tế châu Âu đã chủ động gắn kết với nhau trong nỗ lực xóa bỏ xung đột. Tương tự, sự phụ thuộc lẫn nhau trong giao dịch điện ở các khu vực khác cũng có thể giúp xoa dịu những lo ngại về quan hệ láng giềng. Nếu không, giải pháp cho nỗi lo về việc phụ thuộc vào một đường cáp nhập khẩu duy nhất chính là phát triển nhiều đường cáp, như cách mà Anh đã và đang làm, và Singapore đang hoạch định.

Cũng như mọi hoạt động thương mại khác, việc mua bán điện xuyên biên giới đều mang lại lợi ích cho tất cả các bên. Tờ Economist nhận định thật đáng tiếc khi quá nhiều quốc gia vẫn đang bỏ qua tiềm năng to lớn này.

Vũ Hạo (Theo Economist)

FILI

– 20:00 26/01/2025


Các Sàn forex Uy Tín:

Icmarkets

Exness

Source link

Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.