Trợ lực cho doanh nghiệp nhỏ
Kết quả khảo sát mới đây của Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) TP HCM (HUBA) về tình hình hoạt động trong quý I/2023 cho thấy có 41,2% số lượng DN được hỏi đã trả lời đang gặp khó khăn do thị trường bị thu hẹp; 17,6% bị ảnh hưởng do giá nguyên liệu đầu vào tăng; 11,2% thiếu nguồn nhân lực phù hợp; 17,6% thiếu vốn kinh doanh; 5,9% thiếu mặt bằng sản xuất – kinh doanh. Có đến 41,2% DN cho biết đang bị giảm sút; 17,65% DN có xu hướng cắt giảm lao động.
Khó khăn chồng chất
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM, phản ánh nhiều DN nhỏ và siêu nhỏ ngành dệt may đang duy trì hoạt động 2-3 ngày/tuần để giữ lao động. Một số DN buộc phải đóng cửa vì không có đơn hàng.
“Trong lúc DN đang tồn kho nguyên phụ liệu, lại thêm hàng sản xuất ra tồn kho tại nhà máy, hàng đã xuất khẩu nhưng tồn kho ở thị trường tiêu thụ nên đối tác chậm thanh toán…, nhiều DN bị hụt dòng tiền, không tiếp cận được vốn vay. Nhiều DN không được giải ngân và bị chuyển nợ xấu” – ông Hồng cho hay.
Phần lớn doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tại TP HCM đang gặp nhiều khó khăn
Với ngành cơ khí – điện, đơn hàng trong quý I giảm đến 50%. Các DN quy mô nhỏ và vừa đang phải cạnh tranh khốc liệt với các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và kéo dài sự tồn tại bằng cách tiết giảm chi phí sản xuất, giảm giờ làm, cắt giảm lao động.
Bên cạnh sự sụt giảm của các ngành sản xuất chủ lực, khó khăn của nền kinh tế còn thể hiện rõ qua sự ảm đạm của sức mua thị trường, nhiều trung tâm thương mại vắng khách, nhiều mặt bằng vị trí trung tâm TP HCM bỏ trống, nhiều bảng quảng cáo ngoài trời bỏ trống vì không có người thuê. Nhiều tiểu thương chợ truyền thống vẫn đóng cửa sạp hoặc bỏ chợ hoặc chuyển ra chợ tự phát bán buôn nhằm tiết kiệm tiền thuế, phí, bán hàng giá rẻ hơn để bán được nhiều hơn.
Chị Đặng Ngọc Trân – tiểu thương ngành hàng hóa mỹ phẩm, đồ lót ở chợ Phú Lâm (quận 6) – cho biết tình trạng ngồi chợ cả ngày nhưng không bán được món hàng nào đã trở nên thường xuyên. “Chợ vắng khách, sạp bỏ không thì uổng, muốn sang nhượng hoặc cho thuê cũng không ai mua/thuê nên tôi ráng cầm cự” – chị Trân rầu rĩ. Tương tự, chị Nguyễn Thị Thu Nguyệt, chủ sạp trái cây Cẩm Tú ở chợ Bến Thành (quận 1), cho hay khách đi chợ mua thực phẩm tươi sống phục vụ bữa ăn hằng ngày càng lúc càng giảm trong khi thuế, phí… vẫn không giảm.
Cần hành động ngay
Để giúp DN duy trì hoạt động và vượt khó, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HUBA, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có giải pháp giãn nợ, cơ cấu nợ nhằm trợ lực cho DN vượt qua khó khăn. Ngân hàng Chính sách xã hội cần hỗ trợ cho DN vay lãi suất thấp để trả lương cho người lao động, kích thích sức mua, kích thích thị trường. “DN nhỏ và vừa luôn thiếu vốn kinh doanh. Thực tế hiện nay, các ngân hàng siết chặt điều kiện cho vay và lãi suất tiền vay hầu hết trên 10%/năm sẽ là khó khăn cho DN sử dụng đòn bẩy nợ vay” – ông Hòa nêu.
Đại diện HUBA nói thêm, tỉ lệ thụ hưởng các gói hỗ trợ về vốn của nhà nước tại TP HCM chỉ đạt dưới 10%. Vì vậy, kiến nghị TP thúc đẩy các chương trình hỗ trợ lãi suất 2%. Liên quan đến việc Ngân hàng Nhà nước công bố giảm lãi suất điều hành 0,3%-0,5%/năm áp dụng từ ngày 3-4, ông Hòa cho rằng các tổ chức tín dụng cần cụ thể hóa bằng khoản vay, điều kiện cho vay… để DN vừa và nhỏ có thể tiếp cận được. “Lãi suất giảm thì DN mừng nhưng ngân hàng phải nêu rõ điều kiện để được hưởng giảm lãi suất đó. Quan trọng hơn, các ngân hàng cần chính sách và giải pháp nới lỏng điều kiện để hỗ trợ đưa vốn vào sản xuất, kinh doanh” – ông Hòa đặt vấn đề.
TS Huỳnh Thanh Điền, giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP HCM, chỉ ra rằng để vực dậy kinh tế TP trong giai đoạn xuất khẩu sụt giảm, TP phải tập trung kích cầu nội địa. “Phải dùng đầu tư công để kích thích đầu tư tư nhân, từ đó tiêu dùng mới tăng và giải quyết được bài toán tăng trưởng doanh thu hàng hóa, dịch vụ” – TS Điền nhấn mạnh.
Theo TS Điền, khi đã giải quyết được vấn đề “lõi” của nền kinh tế sẽ tác động tích cực, kéo các hoạt động phi chính thức, các cơ sở kinh doanh, DN nhỏ và siêu nhỏ tăng theo nguyên tắc “nước lên, thuyền lên”. “Những người buôn bán lẻ, người lao động thời vụ, tiểu thương, cơ sở sản xuất… vốn nhạy cảm với những thay đổi của nền kinh tế và dễ tổn thương nhất. Vì vậy, cần quan tâm, vực dậy kinh tế cho họ. Cũng cần lưu ý vận động, hỗ trợ các đối tượng lao động phi chính thức sang chính thức để được hưởng quyền lợi chính đáng” – TS Điền bày tỏ.
(Còn tiếp)
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 3-4
Cải cách hành chính chưa hiệu quả rõ rệt
Trả lời khảo sát của HUBA, các DN tại TP HCM cho rằng những năm gần đây các sở, ngành, chính quyền đã có nhiều quan tâm đến công tác cải cách hành chính. Dù vậy, cải cách hành chính nhìn chung chưa thấy hiệu quả rõ rệt và tạo thuận lợi cho DN. Mọi khó khăn trở ngại trong thủ tục hành chính đều xảy ra ở giai đoạn trước khi cầm được tờ giấy biên nhận hồ sơ và sau khi đã có kết quả trả hồ sơ cũng vẫn gặp khó.
Một số thủ tục và lĩnh vực còn nhiều ách tắc cần tiếp tục cải cách là: thủ tục dự án đầu tư, cấp chủ quyền nhà – đất, giấy phép xây dựng, kiểm tra chuyên ngành xuất nhập khẩu… “Các cơ quan cần thận trọng trong việc sử dụng số liệu về tỉ lệ đúng hạn, tỉ lệ hài lòng để tránh tâm lý thỏa mãn. Dưới góc nhìn từ DN thì tỉ lệ này không phản ánh đúng thực tế” – HUBA nêu.
Các Sàn forex Uy Tín:
Icmarkets
Exness
IQOption
Deriv
Source link
Comments are closed.