Trò chơi tiền tệ, khi vàng và Bitcoin trở thành biện pháp “tự vệ chính đáng”
Trò chơi tiền tệ, khi vàng và Bitcoin trở thành biện pháp “tự vệ chính đáng”
Trên toàn cầu, ngày càng nhiều người dân, từ cá nhân cho tới các định chế tài chính, đều tỏ ra mệt mỏi với những “trò chơi tiền tệ” của các ngân hàng trung ương. Biểu hiện rõ nét là làn sóng dịch chuyển tài sản sang các kênh phi tập trung như vàng và Bitcoin ngày càng mạnh mẽ. Đây không chỉ là câu chuyện lợi nhuận. Đó là một hành vi “tự vệ chính đáng” trong bối cảnh đồng tiền truyền thống biến động khó lường, lạm phát bào mòn giá trị, còn chính sách tiền tệ dường như bị chính trị hóa. Sự chuyển dịch này ngầm gửi đi một thông điệp: Người dân không còn muốn chơi theo luật tiền tệ do ngân hàng trung ương đạo diễn.
Lạm phát: Hiện tượng tiền tệ do chính các ngân hàng trung ương tạo ra
Milton Friedman, nhà kinh tế học, cha đẻ của trường phái trọng tiền, từng tuyên bố: “Lạm phát ở đâu và khi nào cũng là một hiện tượng tiền tệ.” Trong dài hạn, không có lạm phát bền vững nào xảy ra nếu không có sự gia tăng quá mức cung tiền. Chính sách tiền tệ nới lỏng, dù mang danh nghĩa kích thích kinh tế hay giải cứu thị trường, thường là nguyên nhân gốc rễ châm ngòi cho lạm phát, như bài học “đại lạm phát” tại Mỹ thập niên 1970 cho thấy.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) buộc phải nâng lãi suất lên tới 20% dưới thời Chủ tịch Paul Volcker mới có thể kiềm chế cơn bão giá cả này. Thực tế hiện nay đang lặp lại những vòng xoáy tương tự. Sau đại dịch COVID-19, các ngân hàng trung ương đã bơm hàng ngàn tỷ USD vào hệ thống tài chính. Kết quả, từ Mỹ, châu Âu đến nhiều nền kinh tế mới nổi, lạm phát bùng nổ, buộc các nhà điều hành phải đảo ngược chính sách một cách đột ngột. Trong mắt người dân, “con ngáo ộp” mà ngân hàng trung ương chống lại, lại chính là thứ mà họ đã tạo ra.
Chức năng nguyên thủy và tối thượng của ngân hàng trung ương là bảo vệ giá trị đồng tiền. Những nỗ lực dùng chính sách tiền tệ để đạt các mục tiêu khác như thúc đẩy tăng trưởng hay tạo việc làm đều đã được lịch sử chứng minh là sai lầm. Edmund Phelps và Milton Friedman, hai nhà kinh tế đoạt Nobel đều cảnh báo rằng việc in tiền để đẩy tăng trưởng vượt tiềm năng chỉ dẫn đến lạm phát cao hơn mà không có lợi ích thực sự bền vững.
Hệ quả là nhiều ngân hàng trung ương hiện đại như ECB đã khẳng định rõ, mục tiêu hàng đầu là kiểm soát lạm phát, thường ở mức 2%. Ở Mỹ, dù Fed có “nhiệm vụ kép”, thì việc duy trì ổn định giá cả vẫn là điều kiện tiên quyết để đạt được các mục tiêu còn lại. Nếu phải chọn một lý do duy nhất biện minh cho sự tồn tại của ngân hàng trung ương, thì đó chính là duy trì sức mua của đồng tiền. Khi chức năng này bị lãng quên, mọi thành tựu khác cũng trở nên thiếu chắc chắn.
Nhiều thập kỷ qua, chính sách tiền tệ đã trượt xa khỏi sứ mệnh ban đầu. Không chỉ kiểm soát lạm phát, ngân hàng trung ương can thiệp ngày càng sâu vào thị trường tài chính, trở thành “người điều phối” của nền kinh tế. Sau khủng hoảng 2008, Fed, ECB và BOJ đã mở rộng bảng cân đối chưa từng có, mua vào hàng nghìn tỷ USD tài sản, làm méo mó tín hiệu thị trường và tạo ra những doanh nghiệp “zombie” tồn tại nhờ vốn rẻ.
Ở Nhật Bản, BOJ hiện nắm giữ gần 7% vốn hóa thị trường chứng khoán thông qua các ETF. Ở châu Âu, chính sách tiền tệ siêu lỏng đã kích thích bong bóng tài sản, đặc biệt là bất động sản. Tại Mỹ, những cú “giật cục” khi Fed chuyển từ nới lỏng sang thắt chặt cho thấy chính sách tiền tệ ngày càng khó tách khỏi áp lực chính trị – đặc biệt trong chu kỳ bầu cử.
Paul Winfree – cựu Giám đốc Hội đồng chính sách nội địa Nhà Trắng đã từng đề xuất loại bỏ lao động khỏi sứ mệnh của Fed, chỉ giữ lại kiểm soát lạm phát. Ông cảnh báo, việc cứu trợ các tổ chức “quá lớn để sụp đổ” (Too Big To Fail – TBTF) đã tạo ra một “rủi ro đạo đức” nghiêm trọng, khiến hệ thống tài chính lệch chuẩn khỏi các nguyên tắc thị trường.
Hậu tiền tệ: Kỷ nguyên của niềm tin phi tập trung?
Không muốn tiếp tục là nạn nhân trong “trò chơi tiền tệ”, người dân khắp nơi bắt đầu tìm cách rút khỏi hệ thống tiền pháp định. Hai nơi trú ẩn nổi bật nhất là vàng và Bitcoin.
Đến cuối tháng 06/2025, giá vàng thế giới đạt mức ổn định trên 3,300 USD/oz, sau khi lập đỉnh kỷ lục gần 3,500 USD/oz vào tháng 4. Năm 2024, nhu cầu đầu tư vàng toàn cầu (vàng miếng, ETF, xu vàng) đạt 1,180 tấn, mức cao nhất trong 4 năm (theo WGC). Ở những quốc gia siêu lạm phát như Thổ Nhĩ Kỳ, người dân tích trữ vàng với tổng trị giá ước tính lên tới 500 tỷ USD.
Cùng lúc, Bitcoin cũng bứt phá mạnh. Tính đến 30/06/2025, giá BTC đạt khoảng 108,000 USD, nâng vốn hóa lên hơn 2,100 tỷ USD, chiếm 60% toàn thị trường crypto. Tổng vốn hóa thị trường tiền mã hóa toàn cầu đạt 3,700 tỷ USD – tăng gần 70% so với năm trước (dữ liệu từ CoinGecko và Glassnode).
Ở các nước có kiểm soát vốn gắt gao như Argentina, Venezuela hay Thổ Nhĩ Kỳ, người dân coi Bitcoin là “phao cứu sinh” tài chính. 87% người Argentina được khảo sát tin rằng tiền mã hóa giúp họ đạt tự do tài chính. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, khối lượng giao dịch BTC/TRY thường bùng nổ mỗi khi đồng Lira lao dốc.
Dù vẫn còn tranh cãi về vai trò phòng hộ lạm phát, nhưng rõ ràng Bitcoin đang dần thay đổi hành vi tài chính của giới trẻ. Với đặc tính phi tập trung, số lượng hữu hạn và không bị thao túng bởi bất kỳ Chính phủ nào, Bitcoin được ví như “vàng số” trong thời đại kỹ thuật số.
Ước tính đến năm 2025, có khoảng 560 triệu người trên toàn cầu, tương đương 6.8% dân số thế giới – sở hữu tiền mã hóa. Trong đó, hơn 300 triệu người nắm giữ Bitcoin.
Ở Việt Nam, tỷ lệ người trưởng thành sở hữu crypto thuộc nhóm cao nhất thế giới, vượt 20% (dữ liệu từ Chainalysis và TripleA). Điều này cho thấy một xu hướng: người dân không chỉ tìm kiếm lợi nhuận, mà còn muốn bảo vệ tài sản khỏi các quyết định chính sách đầy bất trắc.
Toàn cầu đang bước vào giai đoạn đánh giá lại vai trò và giới hạn của chính sách tiền tệ. Theo khảo sát Trust Barometer 2025, mức độ tin cậy vào các định chế tài chính đã giảm trung bình 22% so với năm 2020.
Trong bối cảnh đó, vàng và Bitcoin là tài sản. Là biểu tượng của sự phòng vệ, là tiếng nói im lặng của những người dân muốn đứng ngoài “trò chơi tiền tệ”. Khi niềm tin vào hệ thống tập trung giảm sút, các giải pháp phi tập trung sẽ dần chiếm vị thế trung tâm.
LH
FILI
– 10:00 14/07/2025
Các Sàn forex Uy Tín:
Icmarkets
Exness
Source link
Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.