Trái phiếu Mỹ bị bán tháo, lợi suất có tuần tăng mạnh nhất trong gần 2 thập kỷ
Trái phiếu Mỹ bị bán tháo, lợi suất có tuần tăng mạnh nhất trong gần 2 thập kỷ
Làn sóng bán tháo trên thị trường trái phiếu do cuộc chiến thương mại của Tổng thống Donald Trump đã đẩy lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng vọt trong tuần qua. Với mức tăng nửa điểm phần trăm lên 4.49%, đây là đợt nhảy vọt lớn nhất trong hơn hai thập kỷ, phản ánh sự tháo chạy của các nhà đầu tư khỏi tài sản Mỹ.
Biến động mạnh này không chỉ đe dọa gây thêm đòn giáng vào nền kinh tế Mỹ thông qua việc đẩy chi phí vay mượn tăng cao trên diện rộng, mà còn làm lung lay niềm tin vào vị thế “nơi trú ẩn an toàn” truyền thống của trái phiếu Chính phủ Mỹ. Trong phần lớn thời gian của tuần, trái phiếu Chính phủ Mỹ giảm giá song hành với thị trường chứng khoán, buộc các nhà đầu tư phải tìm đến những tài sản thay thế như đồng Franc Thụy Sĩ, Yên Nhật Bản và vàng.
* Trái phiếu Chính phủ Mỹ đột nhiên giao dịch như tài sản rủi ro, chuyện gì đang xảy ra?
Lợi suất 10 năm – vốn là tham chiếu cho lãi suất vay thế chấp và các khoản vay doanh nghiệp – tiếp tục tăng thêm 6 điểm cơ bản trong ngày 11/04.
“Thật quá đáng sợ. Chúng ta đang tái định nghĩa thế giới lãi suất phi rủi ro”, Bhanu Baweja, Trưởng bộ phận chiến lược tại UBS Group AG, cho hay. “Nếu làm thế giới lãi suất phi rủi ro biến động mạnh, bạn sẽ làm đảo lộn mọi thứ”.
Chính những động thái thuế quan thất thường của Trump đã kích hoạt một chuỗi biến động dữ dội trên thị trường nợ Chính phủ Mỹ. Những hành động này không chỉ làm suy yếu niềm tin vào nền kinh tế, mà còn làm xói mòn lòng tin vào hướng đi của chính sách Mỹ và vị thế toàn cầu của đất nước.
Hệ quả là nhà đầu tư không còn tin vào sự vượt trội của thị trường Mỹ – nơi trong những năm gần đây đã thu hút dòng tiền từ khắp nơi trên thế giới nhờ vào sự vững chắc gây bất ngờ của nền kinh tế.
Triển vọng đã thay đổi đột ngột sau khi các động thái thuế quan mới nhất của Trump làm dấy lên nỗi lo trên Phố Wall về nguy cơ suy thoái kinh tế. Điều này, cùng với tính khó đoán của chính quyền Trump, đã khiến các nhà đầu tư rút lui khỏi trái phiếu Chính phủ và khiến họ nghi ngờ về tính “an toàn tuyệt đối” vốn gắn liền với loại chứng khoán này.
Giới phân tích đang đồn đoán liệu các chủ sở hữu trái phiếu nước ngoài quan trọng – đặc biệt là Trung Quốc – có thể trả đũa Trump bằng cách bán một phần danh mục đầu tư, điều sẽ tiếp tục gây áp lực lên lãi suất và làm tăng gánh nặng nợ của Chính phủ Mỹ. Các cuộc thảo luận cũng xoay quanh những biến cố có thể xảy ra với các giao dịch của quỹ đầu cơ và nguy cơ buộc phải thanh lý vị thế.
“Vấn đề mà thị trường đang đối mặt là sự mất niềm tin vào chính sách của Mỹ”, Kathy Jones, Chiến lược gia trưởng về thu nhập cố định tại Charles Schwab cho biết. “Những thay đổi đột ngột trong chính sách thuế quan đã khiến các giao dịch đòn bẩy đổ vỡ và đẩy người mua ra rìa”.
Sự sụt giảm giá trái phiếu Chính phủ Mỹ đi kèm với đà giảm mạnh của đồng USD, phản ánh xu hướng các nhà đầu tư nước ngoài đang rút vốn khỏi Mỹ. Đồng thời, dòng tiền đang chảy vào thị trường nợ châu Âu nhằm tránh xa tình trạng hỗn loạn. Lợi suất trái phiếu Đức hầu như không thay đổi trong tuần, trong khi lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng vọt hơn 50 điểm cơ bản. Theo dữ liệu hiện có, đây là mức thua kém lớn nhất của trái phiếu Mỹ so với trái phiếu Đức kể từ ít nhất năm 1989.
“Với tôi, hiện tượng này trông giống như một cuộc đình công của người mua trên thị trường trái phiếu Chính phủ Mỹ và nỗ lực tháo gỡ rủi ro khi bước vào cuối tuần”, Angelo Manolatos, Chiến lược gia lãi suất tại Wells Fargo nhận xét. “Thanh khoản đang ở mức rất khó khăn”.
Trump và trái phiếu
Đáng chú ý, sự tăng vọt của lợi suất trái phiếu hoàn toàn đi ngược lại với mục tiêu đã tuyên bố của chính quyền Trump là kéo giảm lãi suất dài hạn nhằm hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent trước đó đã coi lợi suất trái phiếu 10 năm như thước đo thành công của Trump, và dự đoán nó sẽ giảm khi ông kiềm chế thâm hụt ngân sách.
Tuần trước, khi lợi suất ban đầu giảm trong bối cảnh hỗn loạn lan rộng trên các thị trường toàn cầu, Trump đã đánh dấu sự sụt giảm này như một dấu hiệu cho thấy “lãi suất đang giảm” và thậm chí đăng lại một video TikTok cho rằng ông cố tình làm sụp đổ thị trường chứng khoán để giúp đỡ người Mỹ đang chịu gánh nặng nợ nần.
Nhưng khi đợt bán tháo trái phiếu leo thang trong tuần này, Trump đã hủy bỏ nhiều mức thuế quan trừng phạt nhất của mình – dù vẫn tiếp tục căng thẳng với Trung Quốc, đe dọa thay đổi đáng kể cục diện thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Động thái này chỉ mang lại sự hòa hoãn ngắn ngủi cho trái phiếu Chính phủ Mỹ, trước khi chúng tiếp tục đà giảm. Lợi suất trái phiếu 30 năm cũng tăng mạnh trong tuần, tăng gần nửa điểm phần trăm lên 4.87%.
Một phần của làn sóng bán tháo này cũng xuất phát từ lo ngại rằng thâm hụt ngân sách Mỹ sẽ phình to nếu nền kinh tế đình trệ và Trump thực hiện kế hoạch cắt giảm thuế.
Áp lực đè nặng lên Fed
Tình trạng hỗn loạn đã dẫn đến hàng loạt lời kêu gọi từ Phố Wall yêu cầu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) can thiệp. Vào ngày 11/04, Giám đốc điều hành của JPMorgan Chase & Co., Jamie Dimon, dự đoán sẽ có một “sự hỗn loạn” trên thị trường trái phiếu Chính phủ Mỹ.
“Khi bạn có nhiều thị trường biến động với chênh lệch rất rộng và thanh khoản thấp trong trái phiếu Chính phủ Mỹ, nó ảnh hưởng đến tất cả các thị trường vốn khác”, Dimon chia sẻ trong cuộc họp trình bày về kết quả kinh doanh. “Đó là lý do để hành động, không phải là một ân huệ cho các ngân hàng”.
Các chuyên gia khác, bao gồm chiến lược gia tại Deutsche Bank AG, Jefferies và Goldman Sachs Group, đầu tuần này cũng bắt đầu cảnh báo rằng nếu lợi suất trái phiếu vượt ngưỡng 5%, Fed sẽ cần phải hành động, dù họ có quan điểm khác nhau về giải pháp cụ thể.
George Saravelos, Trưởng bộ phận chiến lược tỷ giá của Deutsche Bank AG, đề xuất ngân hàng trung ương nên bắt đầu mua trái phiếu trong chương trình nới lỏng định lượng. Thomas Simons của Jefferies cho rằng Fed nên quay lại các công cụ từng sử dụng trong các cuộc khủng hoảng trước đây, trong khi các chiến lược gia của Goldman Sachs là Bill Zu và William Marshall khuyến nghị giải pháp bơm thanh khoản hoặc mua vào để ổn định hệ thống tài chính.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FILI
– 09:37 12/04/2025
Các Sàn forex Uy Tín:
Icmarkets
Exness
Source link
Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.