Tăng 14% so với USD, đồng Euro đang quá mạnh?
Tăng 14% so với USD, đồng Euro đang quá mạnh?
Các nhà hoạch định chính sách tại Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) lo ngại đà tăng giá của đồng Euro sẽ đẩy lạm phát xuống dưới mức mục tiêu.
![]() Chủ tịch ECB Christine Lagarde bày tỏ sự không chắc chắn về khả năng khắc phục những điểm yếu của đồng USD. Ảnh: Goncalo Fonseca/Bloomberg
|
Chỉ vài tuần sau khi Chủ tịch ECB Christine Lagarde ca ngợi về một “thời khắc của đồng Euro toàn cầu” và tiềm năng cạnh tranh với đồng USD, nội bộ ngân hàng trung ương đã dấy lên lo ngại rằng sức mạnh của đồng tiền chung có thể đang trở thành “con dao hai lưỡi”.
Trong năm 2025, đồng Euro đã tăng vọt 14% so với đồng USD, chạm mức cao nhất trong gần 4 năm. Đà tăng này được thúc đẩy bởi làn sóng các nhà đầu tư tìm đến tài sản châu Âu như một nơi trú ẩn an toàn trước những biến động chính sách từ Mỹ, qua đó đập tan mọi dự đoán về khả năng đồng Euro sẽ ngang giá với USD trong năm nay.
Diễn biến của đồng Euro so với USD
|
Đáng chú ý, đà tăng giá này diễn ra ngay cả khi chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và châu Âu ngày càng gia tăng, đi ngược lại với các quy luật vận động thông thường của thị trường.
Tại hội nghị thường niên của ECB diễn ra ở Sintra (Bồ Đào Nha), Phó Chủ tịch Luis de Guindos đã có phát biểu thẳng thắn trên kênh Bloomberg TV vào ngày 01/07 rằng: “Chúng ta phải nỗ lực để tránh bất kỳ sự tăng giá quá mức nào”.
Ông cho rằng ECB có thể xem tỷ giá hiện tại quanh mốc 1.18 USD là chấp nhận được, nhưng nếu vượt ngưỡng 1.20 USD, tình hình “sẽ phức tạp hơn rất nhiều”.
Đồng tiền mạnh hơn sẽ khiến hàng nhập khẩu rẻ hơn, góp phần kéo lạm phát đi xuống. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nó lại khiến hàng xuất khẩu trở nên đắt đỏ hơn, gây áp lực lên tăng trưởng, đặc biệt là với một nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu như châu Âu. Trong bối cảnh Khu vực đồng Euro còn đang đối mặt với nguy cơ chiến tranh thương mại với Mỹ, những lo ngại này càng trở nên rõ nét hơn trong giới ngân hàng trung ương.
Một quan chức ngân hàng trung ương cấp cao của châu Âu nhận định ECB có thể cần phải phát đi tín hiệu mạnh mẽ hơn về việc không mong muốn một đồng Euro quá mạnh, bởi nó làm gia tăng rủi ro lạm phát không đạt mục tiêu. Một quan chức cấp cao khác cũng đồng tình rằng sức mạnh của đồng Euro có thể “trở thành một vấn đề”.
Ông Tomasz Wieladek, Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Âu về thu nhập cố định tại T Rowe Price, bình luận: “Các nhà hoạch định chính sách có lẽ đã kỳ vọng đồng Euro sẽ tăng giá một cách từ từ… nhưng thực tế lại không diễn ra như vậy”.
Theo ông, tốc độ tăng giá này “nhanh đến mức đáng lo ngại”, và nguyên nhân có thể đến từ việc các danh mục đầu tư tư nhân đang xoay trục sang châu Âu với tốc độ nhanh hơn nhiều so với dự báo.
Ông Wieladek dự báo nếu đồng EUR tiếp tục leo lên mốc 1.25 USD trong năm nay (tăng 6% so với hiện tại), ECB có thể sẽ phải cắt giảm lãi suất 0.5 điểm phần trăm để hạn chế các tác động tiêu cực lên lạm phát và kinh tế.
Trong khi ECB đã hạ lãi suất cơ bản xuống còn 2% kể từ tháng 6/2024, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn duy trì mức lãi suất cao hơn gấp đôi. Trong lịch sử, lợi suất cao hơn của Mỹ luôn là yếu tố thu hút dòng vốn đầu tư, qua đó củng cố sức mạnh cho đồng USD.
Đồng Euro mạnh hơn đã giúp ECB bớt áp lực khi giảm bớt nỗi lo rằng một cuộc chiến thương mại tiềm năng với Mỹ có thể đẩy lạm phát trong khu vực đồng tiền lên cao.
Phát biểu tại Sintra, bà Lagarde cho rằng các nhà đầu tư đang tìm kiếm giải pháp thay thế cho đồng USD, bởi dòng thông tin bất lợi trong năm nay có thể làm xói mòn niềm tin và gia tăng sự bất ổn. “Rõ ràng có một điều gì đó đã bị rạn nứt”, bà bình luận về sự suy yếu của đồng USD và bày tỏ sự không chắc chắn về khả năng “khắc phục” được tình hình.
Dù không đi sâu vào tác động chính sách, bà Lagarde nhấn mạnh: “Chúng tôi luôn xem xét yếu tố này trong các dự báo của mình”.
Trong bối cảnh lạm phát chạm mục tiêu trung hạn 2% của ECB vào tháng 6 nhưng lại được dự báo sẽ tạm thời giảm xuống 1.6% vào năm sau, nỗi lo trong giới ngân hàng hàng đầu châu Âu ngày một lớn, đặc biệt là khi kịch bản đồng Euro mạnh lên đi kèm với việc Mỹ áp thuế quan cao hơn.
Bà Pooja Kumra, chiến lược gia lãi suất tại TD Securities, giải thích: “Một đồng Euro mạnh hơn sẽ đè nặng lên xuất khẩu và có thể kéo theo nguy cơ giảm phát. Ở giai đoạn này, Khu vực đồng EUR chắc chắn không muốn quay trở lại kỷ nguyên giảm phát từng chứng kiến trong thập niên 2010”.
Thách thức lớn nhất đối với ECB hiện nay là bất kỳ nỗ lực can thiệp nào vào tỷ giá cũng có thể mang lại kết quả trái ngược.
“Có một quy tắc bất thành văn từ lâu giữa các ngân hàng trung ương toàn cầu, đó là không được đơn phương hành động về tỷ giá”, một nhà hoạch định chính sách có tầm ảnh hưởng chia sẻ với tờ Financial Times.
Vị này cho biết, những nỗ lực can thiệp thiếu phối hợp vào thị trường tiền tệ thường sẽ thất bại, thậm chí có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tiền tệ. Tình hình càng trở nên phức tạp khi một số đồng minh của ông Trump lại đang vận động cho một đồng USD yếu hơn.
Tuy nhiên, không phải nhà đầu tư nào cũng tỏ ra lo lắng. Ông Mike Riddell, một nhà quản lý quỹ tại Fidelity International, lại có cái nhìn lạc quan hơn. Ông chỉ ra rằng thặng dư thương mại lớn của EU vốn là một chỉ báo điển hình cho thấy đồng tiền của khu vực này cần phải tăng giá.
“Tôi không cho rằng các nhà hoạch định chính sách có lý do xác đáng để phàn nàn về một đồng EUR mạnh”, ông nói thêm.
Đồng quan điểm, ông Boris Vujčić, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Croatia và là một thành viên trong Hội đồng Quản trị ECB, cũng tỏ ra không mấy bận tâm.
Trả lời phỏng vấn của Financial Times, ông cho rằng tỷ giá hiện tại của đồng EUR vẫn tương đương với thời điểm ra mắt và thậm chí còn từng giao dịch ở mức cao hơn trong nhiều năm qua. Ông kết luận: “Mức hiện tại còn xa mới gọi là đặc biệt”.
Quốc An (Theo FT)
FILI
– 15:19 08/07/2025
Các Sàn forex Uy Tín:
Icmarkets
Exness
Source link
Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.