Show truyền hình Người Tập sự: Phiên bản Fed
Show truyền hình Người Tập sự: Phiên bản Fed
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần công khai chỉ trích Chủ tịch Fed Jerome Powell vì không chịu cắt giảm lãi suất như ông mong muốn. Tuy nhiên, kế hoạch công bố người kế nhiệm Powell trước tận mười tháng không chỉ khiến chính ứng viên của ông gặp khó, mà còn làm xói mòn niềm tin vào Fed và tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn cho nền kinh tế Mỹ.
Trump muốn sớm kiểm soát Fed
Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là đang lên kế hoạch công bố người kế nhiệm vị trí Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sớm hơn dự kiến, nhằm làm giảm quyền lực của Chủ tịch đương nhiệm Jerome Powell – người đã nhiều lần khiến ông không hài lòng khi từ chối hạ lãi suất.
Trump nhiều lần công khai chỉ trích Powell, thậm chí gần đây còn gọi ông là “người có IQ thấp so với công việc đang đảm nhận”. Tuy nhiên, nhiệm kỳ của Powell vẫn còn đến tháng 5/2026 và Tòa án Tối cao Mỹ đã phán quyết rằng Fed là cơ quan độc lập duy nhất mà Tổng thống không thể cách chức người đứng đầu.
Thông thường, Tổng thống Mỹ sẽ chỉ định người kế nhiệm Chủ tịch Fed vài tháng trước khi nhiệm kỳ kết thúc – đủ thời gian cho Thượng viện xét duyệt và đảm bảo quá trình chuyển giao diễn ra suôn sẻ. Việc Trump dự tính công bố ứng viên trước tận 10 tháng là điều cực kỳ hiếm gặp. Kế hoạch của Trump dường như không chỉ là tìm người mới mà còn muốn lập ra một Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) “bóng tối” (shadow FOMC), do ứng viên mà ông lựa chọn đứng đầu, nhằm gây sức ép buộc FOMC hiện tại phải hạ lãi suất mạnh tay hơn.
Thực ra ý tưởng về một “shadow FOMC” đã xuất hiện từ năm 1973, được hai nhà kinh tế học Karl Brunner và Allan Meltzer đưa ra trong bối cảnh nước Mỹ đang trong những năm đầu của cuộc đại lạm phát, còn Fed thì bị chỉ trích dữ dội vì chính sách tiền tệ quá nới lỏng. Tuy nhiên, khi đó Brunner và Meltzer chỉ là những học giả, không có bất cứ vai trò chính thức nào trong việc hoạch định chính sách. Còn lần này, theo đề xuất từ Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent trong chiến dịch tranh cử 2024, kế hoạch của Trump là đưa người của mình vào vị trí chủ chốt trong một chiến dịch công khai nhằm làm giảm quyền lực và ảnh hưởng của Powell.
Nguồn: directoryofillustration.com
Cuộc “thử việc” công khai dành cho người kế nhiệm Fed
Dù vậy, những người cho rằng Trump thực sự muốn gây sức ép lên Powell bằng cách này có lẽ đã hiểu sai bản chất vấn đề. Các nhà hoạch định chính sách tiền tệ chẳng có lý do gì phải quan tâm đến một “chủ tịch bóng tối” (shadow chair) do Trump lựa chọn hơn là chính bản thân Trump. Thậm chí, động thái này còn có thể khiến Fed càng quyết tâm khẳng định tính độc lập bằng cách kiên định với các chính sách hiện tại. Có vẻ như mục tiêu Trump thực sự nhắm đến là tạo áp lực tâm lý lên người kế nhiệm tương lai, buộc họ phải tham gia vào một quá trình “thử việc” công khai để kiểm tra xem họ sẽ điều hành chính sách tiền tệ ra sao và liệu có đủ trung thành với chương trình nghị sự của ông hay không.
Hơn nữa, ứng viên “chủ tịch Fed bóng tối” này sẽ nhận thức được rằng chỉ cần bộc lộ tư duy độc lập là có thể bị Trump “đuổi việc” bất cứ lúc nào – giống câu cửa miệng nổi tiếng “Bạn bị sa thải!” trong chương trình truyền hình thực tế của ông. Dù Tòa án Tối cao có thể ngăn Tổng thống cách chức Chủ tịch Fed đương nhiệm, ông vẫn hoàn toàn có thể rút lại đề cử trước khi người đó chính thức nhận chức. Chỉ riêng áp lực ấy cũng đủ khiến ứng viên dè chừng. Sau nhiều tháng công khai thể hiện sự trung thành với Trump, họ sẽ rất khó có thể chống lại các yêu cầu từ ông khi chính thức bước vào nhiệm kỳ.
Nguy cơ bất ổn kinh tế và hệ lụy chính sách
Hiện tại, danh sách ứng viên thay thế Powell được cho là gồm: Cựu Thống đốc Fed Kevin Warsh – người từng lọt vào vòng cuối cùng khi Trump bổ nhiệm Powell năm 2017, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Kevin Hassett và Bộ trưởng Tài chính Bessent. Ngoài ra còn có Christopher Waller, Thống đốc Fed đương nhiệm và từng là giáo sư kinh tế với các nghiên cứu nổi bật về tính độc lập của ngân hàng trung ương. Waller được Trump bổ nhiệm năm 2020 và khá được lòng đảng Cộng hòa.
Đây đều là những nhân vật có năng lực và kinh nghiệm, đủ khả năng đảm đương nhiệm vụ cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát tại Fed. Tuy nhiên, Chủ tịch Fed cũng không phải là người có toàn quyền quyết định chính sách tiền tệ, mà vẫn phải thuyết phục được phần còn lại của FOMC. Nếu không, họ sẽ bị cô lập hoặc thậm chí bị biểu quyết chống lại. Dù là người bản lĩnh đến đâu, một ứng viên nếu phải đóng vai “chủ tịch bóng tối” quá lâu cũng sẽ khó giữ được uy tín và sự độc lập của mình. Một khi đã bị xem là “người của Trump”, tiếng nói của họ sẽ suy giảm đáng kể ở cả trong nội bộ FOMC lẫn trên thị trường tài chính.
Phải thừa nhận rằng, Trump đã nghĩ ra một cách vô cùng khéo léo để kiểm soát người kế nhiệm Chủ tịch Fed – vị trí mà trên lý thuyết ông không thể can thiệp. Tuy nhiên, chính Trump cũng đang tự đẩy mình và nền kinh tế Mỹ vào thế nguy hiểm.
Thực tế, trái với suy nghĩ của nhiều người, Fed không kiểm soát toàn bộ lãi suất trong nền kinh tế. Cơ quan này chỉ điều chỉnh lãi suất chính sách ngắn hạn, còn lãi suất dài hạn chủ yếu do thị trường quyết định. Mà lãi suất dài hạn lại phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư về chính sách trong tương lai, dựa trên giả định rằng những nhà hoạch định chính sách sẽ ưu tiên kiểm soát lạm phát.
Nếu Trump ép Fed phải giảm lãi suất quá nhanh, kỳ vọng lạm phát sẽ tăng lên, kéo theo lãi suất dài hạn tăng theo. Mà những lãi suất này lại ảnh hưởng trực tiếp đến đủ loại khoản vay, từ vay mua nhà, mua xe cho đến các khoản vay tiêu dùng khác, nên người dân Mỹ chắc chắn sẽ phải gánh chịu nhiều thiệt hại.
Mục đích của việc duy trì một ngân hàng trung ương độc lập đặt mục tiêu ổn định giá cả lên hàng đầu chính là để giữ lãi suất dài hạn ở mức thấp. Có lẽ cũng vì vậy mà ngay khi có tin Trump tính sớm công bố Chủ tịch Fed mới, đồng USD đã lập tức giảm giá mạnh.
Dù sao, “Người Tập sự: Phiên bản Fed” chắc chắn sẽ là một chương trình truyền hình hấp dẫn, và có lẽ đó mới là điều mà Trump thực sự quan tâm nhất.
Giới thiệu về tác giả Kenneth Rogoff
Kenneth Rogoff là Giáo sư Kinh tế học và Chính sách công tại Đại học Harvard. Ông từng là Kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF – International Monetary Fund) từ năm 2001 đến 2003.
Kenneth Rogoff là thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ. Ông từ lâu đã là một trong số những nhà kinh tế được trích dẫn nhiều nhất và là đại kiện tướng cờ vua quốc tế.
Ông là đồng tác giả của các cuốn sách This Time is Different: Eight Centuries of Financial Folly và The Curse of Cash.
Nguồn: Wikipedia
* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Kenneth Rogoff
Phòng Tư Vấn Vietstock
FILI
– 09:00 12/07/2025
Các Sàn forex Uy Tín:
Icmarkets
Exness
Source link
Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.