Phó Thủ tướng: Người dân phải hưởng lợi ích sau khi bị thu hồi đất
Phó Thủ tướng: Người dân phải hưởng lợi ích sau khi bị thu hồi đất
“Sau quá trình thu hồi đất, người dân phải được hưởng lợi ích mang lại từ các dự án phát triển và có điều kiện sống tốt hơn sau khi tái định cư”, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nói.
Chiều 21/2, Ủy ban MTTQ Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội nghị lấy ý kiến dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nêu ra một số vấn đề trong dự án Luật cần được thảo luận và xin thêm ý kiến của các chuyên gia để hoàn thiện.
Ngăn chặn lợi dụng chính sách đất đai để làm giàu cho cá nhân
Theo Phó thủ tướng, cần xem việc quy hoạch quyết định mục đích sử dụng đất có thể thực hiện “quyền năng” kiểm soát được việc phân bổ, quản lý mục đích sử dụng đất đai hay không. Ngoài ra, cần xác định rõ mối quan hệ giữa quy hoạch đất đai với quy hoạch quốc gia để đưa ra nguyên tắc kế thừa, đưa ra công cụ quản lý tốt hơn và không xung đột.
Ông Trần Hồng Hà cho biết quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang đô thị, công nghiệp hóa – hiện đại hóa, đã tác động rất nhiều đến công tác thu hồi đất, hỗ trợ, đền bù, tái định cư. Do đó, nội dung này cần được giải quyết trong dự án luật sửa đổi.
“Hiện, quan điểm tiến bộ sau quá trình thu hồi đất là người dân phải được hưởng lợi ích mang lại từ các dự án phát triển. Sau khi tái định cư, người dân có điều kiện sống tốt hơn, sinh kế tốt hơn, hưởng các quyền lợi”, Phó thủ tướng nói.
Lãnh đạo Chính phủ mong muốn các góp ý sẽ làm rõ hơn nội dung trên vì đây là vấn đề khó, liên quan không chỉ kinh tế – xã hội, chuyển dịch lực lượng lao động, giải quyết mối quan hệ lợi ích giữa Nhà nước, người dân phải di dời cũng như nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại hội thảo lấy ý kiến chuyên gia về dự án Luật Đất đai sửa đổi, chiều 21/2. Ảnh: Phạm Thắng.
|
Trình bày ý kiến tại hội thảo, ông Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho rằng cần rà soát kỹ hơn để nội dung của Luật đất đai lần này thực sự phù hợp với quy định của Hiến pháp.
“Điều đó cũng có nghĩa là phải có quy định chặt chẽ nhằm bịt lỗ hổng pháp luật, khắc phục tình trạng khai thác giá trị đất đai phục vụ cho lợi ích riêng, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm; ngăn chặn hiện tượng tham nhũng chính sách, lợi dụng chính sách đất đai để làm giàu cho cá nhân”, ông Lý nêu quan điểm.
Ông Phan Trung Lý nhận xét dự thảo lần này chưa làm rõ được cơ sở pháp lý của chủ sở hữu đất đai, mối quan hệ giữa chủ sở hữu và đại diện của chủ sở hữu. Theo quy định của Hiến pháp, đất đai thuộc sở hữu toàn dân nên Luật Đất đai phải quy định rõ quyền hạn và trách nhiệm của chủ sở hữu đó.
Về tài chính và giá đất, ông cho rằng nội dung này cần thể hiện rõ trong luật để có cơ chế định giá đất theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm khách quan, chính xác theo tinh thần Nghị quyết 18.
Ông Lý đồng thời góp ý thêm về việc sử dụng đất của những doanh nghiệp cổ phần hóa và tình trạng cổ phần hóa, thoái vốn, ách tắc không tiến triển được.
Theo ông, để tháo gỡ vấn đề trên, dự án Luật Đất đai sửa đổi cần bổ sung quy định sử dụng đất của doanh nghiệp cổ phần hóa theo hướng tách giá trị đất ra khỏi giá trị doanh nghiệp.
Theo đó, doanh nghiệp cổ phần hóa phải thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai như những doanh nghiệp khác; đồng thời, chỉ được sử dụng đất phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, theo đúng phương án sử dụng đất đã được quyết.
“Trường hợp chuyển đổi sử dụng đất khác với phương án đã được duyệt thì bị thu hồi để đấu giá hoặc đấu thầu”, ông nói.
Chuyên gia ủng hộ quy định về đấu giá quyền sử dụng đất
Nguyên Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực nêu một số quan điểm góp ý về quy định liên quan sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thông qua thỏa thuận quyền sử dụng đất.
Cụ thể, ông Thực ủng hộ phương án thực hiện giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.
Ông dẫn Điều 125 và Điều 126 dự thảo Luật quy định dự án đô thị, nhà ở thương mại thuộc trường hợp phải đấu giá đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Vì vậy, trong trường hợp này, Nhà nước phải thu hồi đất để thực hiện.
Nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực. Ảnh: Phạm Thắng.
|
Nguyên Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam bày tỏ đồng tình với quan điểm về đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất ngoài việc tạo sự công bằng, minh bạch trong tiếp cận đất đai, tạo ra nguồn thu lớn vào ngân sách Nhà nước, còn bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người có đất thu hồi và nhà đầu tư.
“Hầu như các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài đều mong muốn được tiếp cận nguồn lực đất đai thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất”, ông Thực cho biết.
Theo góc nhìn của ông Thực, nhà đầu tư ngày càng khó thương lượng với người dân để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhằm thực hiện dự án đầu tư, nhất là đối với các phần diện tích đất còn lại cuối cùng trong khu vực dự án do các thửa đất này thường thuộc về giới “đầu nậu”, giới “đầu cơ” đất đai.
Mỹ Hà
ZING
Các Sàn forex Uy Tín:
Icmarkets
Exness
IQOption
Deriv
Source link
Comments are closed.