Phác hoạ Smart Invest – Bài 1: 1.600 tỷ đồng trái phiếu hé mở một ‘group’ kín tiếng
CTCP Chứng khoán Smart Invest (UPCOM: AAS) vừa công bố BCTC với doanh thu hoạt động quý II/2023 đạt 168 tỷ đồng, giảm 46,4% so với cùng kỳ năm ngoái, nguyên nhân chủ yếu do lãi bán các tài sản tài chính (22,5 tỷ đồng) và cổ tức tiền lãi phát sinh từ FVTPL (140,4 tỷ đồng) lần lượt giảm 79% và 20,9%.
Trong khi đó, chi phí hoạt động công ty giảm 36,8% về 104,2 tỷ đồng, trong đó lỗ bán các tài sản tài chính FVTPL là 99,5 tỷ đồng. Tính ra, AAS đã lỗ đến 70 tỷ đồng từ riêng mảng tự doanh chứng khoán, phần lớn đến từ việc mua bán trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết.
Trừ đi các chi phí và thuế, lãi ròng công ty chỉ còn 39,6 tỷ đồng, giảm mạnh 66,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu hoạt động AAS đạt 398,8 tỷ đồng, giảm 37,8%; lãi ròng 59,9 tỷ đồng, tương đương giảm 70,8%.
Không phải cái tên quá nổi bật với giới đầu tư, song tìm hiểu của Nhadautu.vn cho thấy đứng sau AAS là những cái tên dạn dày kinh nghiệm trên thị trường chứng khoán.
Hệ sinh thái Smart Invest
CTCP Chứng khoán SmartInvest tiền thân là CTCP Chứng khoán Gia Anh, được thành lập ngày 26/12/2006. Đến năm 2011, Gia Anh đổi tên thành Chứng khoán Hamico.
4 năm sau (năm 2015), Hamico tiếp tục đổi tên thành Smart Invest như hiện nay. Dù không xuất hiện một cổ đông cá nhân/tổ chức nắm chi phối vốn công ty, song 2 cái tên nổi bật gắn liền với chặng đường phát triển của AAS là Chủ tịch HĐQT Ngô Thị Thùy Linh (SN 1982) và phu quân là ông Trần Minh Tuấn (SN 1982) – Phó Chủ tịch HĐQT. Bà Linh đang trực tiếp sở hữu 2,076% vốn AAS.
Tuy nhiên, “tiếng nói” của vợ chồng doanh nhân tuổi Tuất tại AAS phần nào được khẳng định khi mọi tờ trình AGM và EGM AAS giai đoạn 2018-2023 đều được tán thành thông qua với tỷ lệ tuyệt đối 100%.
Vốn là những cái tên lâu năm trong giới tài chính, không ngạc nhiên khi nhà chủ AAS đã nhanh chóng phát triển một hệ sinh thái doanh nghiệp nhiều “mắt xích”. Đặc biệt, nhiều đơn vị trong số này đóng vai trò quan trọng khi tham gia huy động vốn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Thống kê của Nhadautu.vn cho thấy, nhóm này (bao gồm AAS) giai đoạn 2018-2022 đã hút tổng cộng 1.569,788 tỷ đồng trái phiếu. Lãi suất từ 9-12%/năm. Kỳ hạn từ 2-10 năm. Dĩ nhiên, tất cả lô trái phiếu này đều được thu xếp bởi chính AAS.
Dù vậy, từ tháng 10 – 11/2022, có đến 5 lô trái phiếu đã được thực hiện mua lại trước thời điểm đáo hạn, 1 lô trái phiếu được mua lại một phần. Do đó, dư nợ trái phiếu nhóm này chỉ còn 567,988 tỷ đồng, gồm: Trái phiếu mã DKDCH2227001 của Công ty TNHH Du lịch Khách sạn Đông Á, tổng giá trị 300 tỷ đồng, phát hành vào tháng 6/2020, kỳ hạn 5 năm, lãi suất 10,5%. Bên cạnh đó, là 200 tỷ đồng trái phiếu mã TQSCH222700, kỳ hạn 5 năm, lãi suất 10,5%/năm. Cuối cùng là trái phiếu AASH2227001 tổng giá trị 67,988 tỷ đồng, kỳ hạn 5 năm, lãi suất 10,5%/năm.
Phân tích dưới đây sẽ làm rõ sự liên hệ giữa những tổ chức phát hành kể trên và nhóm AAS.
Cái tên đầu tiên là Công ty TNHH Tư vấn và Quản lý Smart Invest (viết tắt là SI) – thành lập năm 2010. Tính đến tháng 12/2015, SI có 3 cổ đông là vợ chồng ông Trần Minh Tuấn (47,51%) – bà Ngô Thị Thùy Linh (40,02%), và ông Hà Sơn Trường (12,47%). Sau thời gian dài xáo trộn về mặt cơ cấu cổ đông, công ty tại tháng 1/2022 chỉ có 2 thể nhân duy nhất góp vốn là ông Lê Trường Giang (66,347%) và ông Đàm Mạnh Quân (33,653%).
Về cơ bản, đây vẫn là các cá nhân liên hệ mật thiết với ông Tuấn – bà Linh. Bởi, ông Lê Trường Giang (SN 1984) đã công tác ở AAS trong nhiều năm, hiện giữ cương vị Phụ trách HĐQT AAS. Trong khi đó, cổ đông Đàm Mạnh Quân là cá nhân từng tham gia mua 3,625% vốn AAS trong đợt chào bán riêng lẻ 49 triệu cổ phần hồi tháng 5/2021.
“Mắt xích” thứ 2 là CTCP Quản lý tài sản Smart Invest (tên cũ CTCP Quản lý Tài sản Pyxis – tên ban đầu CTCP Thời trang & May mặc Demoda) tính đến tháng 9/2018 có 3 cổ đông góp vốn là CTCP Đầu tư Sao Thăng Long (19,355%), bà Nguyễn Thùy Linh (50%), bà Nguyễn Thị Hiền (15,323%) và ông Chu Đức Mạnh (15,323%). Trong đó, bà Nguyễn Thùy Linh hiện là đại diện của AAS tại TP.HCM. Còn CTCP Đầu tư Sao Thăng Long (từng nắm đến 99,9% vốn SI) cũng là một “mắt xích” quan trọng khác của nhóm AAS.
Dữ liệu cho thấy, Smart Invest cũng từng nắm 100% vốn Công ty TNHH Du lịch Khách sạn Đông Á , song đã thoái hết vốn trong tháng 10/2022. Tuy nhiên, cơ bản thì DL KS Đông Á vẫn là đơn vị cùng nhóm khi Giám đốc/Người đại diện theo pháp luật hiện là ông Đàm Mạnh Quân, “người quen” của AAS như đề cập ở phần đầu bài viết.
Trong khi đó, CTCP Đầu tư Công nghệ SmartTech (tên cũ: CTCP Thời trang Clothesrack) thành lập vào tháng 4/2016, hiện có Người đại diện theo pháp luật, kiêm Tổng Giám đốc SmartTech là ông Phạm Phan Anh (SN 1997) – nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tham gia đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ của AAS hồi tháng 5/2021, cùng đợt với ông Đàm Mạnh Quân.
Cuối cùng, pháp nhân CTCP Du lịch Sinh thái Kim Lan có Người đại diện theo pháp luật, Tổng Giám đốc là Nguyễn Quốc Đạt (SN 1997) – cũng chính là Người đại diện theo pháp luật CTCP Quản lý tài sản Smart Invest – pháp nhân khác trong nhóm như đã đề cập.
Ngoài ra, hệ sinh thái của ông Tuấn – bà Linh còn bao gồm cả CTCP Đầu tư Sao Thăng Long (HNX: DST) . Điều này thể hiện qua việc 3/3 Thành viên HĐQT DST là “người” của AAS, đó là Trần Minh Tuấn, Nguyễn Đức Hiếu (Chủ tịch HĐQT) – 2 cá nhân thuộc nhóm AAS như đã đề cập; và ông Bùi Việt Dũng – cá nhân từng tham gia góp vốn ở nhiều đơn vị với ông Nguyễn Đức Hiếu.
Một thành viên khác trên sàn cùng nhóm là CTCP Tập đoàn Khách sạn Đông Á (HoSE: DAH) . Hồi tháng 5/2021, toàn bộ dàn lãnh đạo cấp cao DAH là bà Nguyễn Thị Thu Giang (Chủ tịch HĐQT), ông Nguyễn Văn Thanh và ông Nguyễn Quốc Việt đều miễn nhiệm. Chiều ngược lại, DAH có 3 Thành viên HĐQT mới là ông Trần Minh Tuấn và ông Lê Trường Giang – 2 cá nhân thuộc nhóm AAS như đã biết, và ông Phạm Huy Thành.
Hiện nay, HĐQT DAH ngoài ông Tuấn, ông Giang còn có thêm bà Trần Nữ Ngọc Anh (Chủ tịch HĐQT) – chị ruột ông Tuấn.
Cách nhóm Smart Invest “phân phối” trái phiếu
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp nở rộ và phát triển trong 3 năm qua đã giúp nhiều “Group” gia tăng nhanh chóng quy mô hoạt động, trong đó có cả nhóm Smart Invest. Một “motif” chung là công ty chứng khoán và (hoặc) tổ chức cùng nhóm đứng ra mua toàn bộ để đảm bảo đợt phát hành thành công, sau đó sẽ phân phối cho các thành viên khác trong nhóm, và kế đến là các nhà đầu tư cá nhân “nhỏ lẻ”.
Ngược về hồi năm 2018, AAS là trái chủ nắm toàn bộ 50 tỷ đồng trái phiếu mã DEMODABOND của CTCP Quản lý tài sản Smart Invest (thời điểm đó tên là CTCP Thời trang & May mặc Demoda) và 40 tỷ đồng trái phiếu DL ST Kim Lan (phát hành tháng 6/2018, kỳ hạn 3 năm, lãi suất 9%).
AAS cho biết 2 lô trái phiếu trên được mua theo hợp đồng tư vấn bảo lãnh phát hành trái phiếu. Trong năm 2019, AAS đã chuyển nhượng toàn bộ khoản đầu tư trái phiếu này cho các cho nhà đầu tư khác. Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, bên nhận chuyển nhượng toàn bộ lô trái phiếu DEMODABOND chính là DST – pháp nhân cùng nhóm.
Tuy vậy, đến cuối năm 2020, BCTC của DST ghi nhận công ty đầu tư 2 trái phiếu là DEMODABOND (giá trị khi này chỉ còn 20 tỷ đồng) và lô trái phiếu không rõ danh tính của DL ST Kim Lan (20 tỷ đồng). Nhiều khả năng, một phần của 2 lô trái phiếu này đã được chuyển nhượng cho các nhà đầu tư khác. Cho đến cuối năm 2021, cả 2 lô trái đều không còn xuất trên BCTC DST (2021 là năm đáo hạn của 2 trái phiếu).
Nghiệp vụ kể trên tiếp tục được AAS thực hiện khi công ty chứng khoán này là trái chủ duy nhất mua vào toàn bộ 160 tỷ đồng trái phiếu phát hành của Smart Invest – Demoda (mã DMDCH2124001); và 80 tỷ đồng trái phiếu KMLCH2124001 (tổng giá trị 100 tỷ đồng). Lô trái phiếu DMDCH2124001 sau đó được phân phối cho chính DST khi công ty này nắm 39,2 tỷ đồng trái phiếu. Ngoài ra, DST cũng song hành cùng AAS khi là trái chủ nắm 20 tỷ đồng còn lại của trái phiếu KMLCH2124001. Đến năm 2022, DST không còn nắm trái phiếu DMDCH2124001 và KMLCH2124001. Đây cũng là thời điểm 2 lô trái phiếu này được TCPH mua lại trước hạn.
Chưa dừng lại ở đó, AAS tính đến cuối năm 2021 còn sở hữu sở hữu 170,2 tỷ đồng trái phiếu của SI. Dù không công bố cụ thể thông tin, song có thể đây là trái phiếu mã TQSCH2131001 (376,8 tỷ đồng – phát hành ngày 27/12/2021). Dữ liệu ghi nhận, một pháp nhân cùng nhóm là DAH trong năm 2021 cũng nắm 124 tỷ đồng trái phiếu TQSCH2131001. Ngoài ra, DAH còn đầu tư 20 tỷ đồng trái phiếu CLRCH2124001. Tương tự DST, DAH trong năm 2022 không còn nắm giữ lô trái phiếu nào. Dĩ nhiên, đây cũng là năm CLRCH2124001 và TQSCH2131001 được mua lại trước hạn.
Các đợt phát hành và giao dịch mua/bán trái phiếu đã nhấn mạnh vai trò của AAS – DST – DAH – 3 “mắt xích” duy nhất trong nhóm hiện niêm yết trên sàn chứng khoán/đăng ký giao dịch trên sàn UPCOM. Đáng chú ý hơn, quá trình kể trên gắn liền với giai đoạn những pháp nhân này thực hiện tái cấu trúc, tăng vốn và thực hiện loạt giao dịch M&A đáng chú ý, sẽ tiếp tục được đề cập thêm trong Bài 2: Đằng sau sự nổi lên của Chứng khoán Smart Invest.
Năng lực tài chính của nhóm Smart Invest ra sao?
Dữ liệu Nhadautu.vn cho thấy KQKD năm 2022 của các tổ chức phát hành trong nhóm đều không mấy tích cực. Cụ thể, Smartech (tên cũ Clothesrack) lỗ 25,8 tỷ đồng, trước đó đơn vị này cũng ghi nhận lỗ 79,7 tỷ đồng năm 2021. Tương tự, DL KS Đông Á năm 2021 và 2021 cũng ghi nhận lỗ 16,8 tỷ đồng và 11,6 tỷ đồng.
Không đến mức thua lỗ nặng, song SI trong năm 2022 chỉ lãi vỏn vẹn 137 triệu đồng, bằng non nửa so với cùng kỳ năm 2021 đạt 338 triệu đồng.
Các Sàn forex Uy Tín:
Icmarkets
Exness
IQOption
Deriv
Source link
Comments are closed.