OPEC+ gây sốc với kế hoạch tăng sản lượng, dầu thô có nguy cơ dư cung

OPEC+ gây sốc với kế hoạch tăng sản lượng, dầu thô có nguy cơ dư cung

OPEC+ vừa quyết định tăng mạnh sản lượng, từ đó làm dấy lên nguy cơ dư cung trên thị trường dầu trong năm nay. Động thái này sẽ gây áp lực lên các nhà sản xuất toàn cầu, nhưng lại đáp ứng đúng mong muốn của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc giảm chi phí nhiên liệu.

Trong một cuộc họp video chỉ kéo dài 10 phút trong ngày 05/07, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh gây bất ngờ khi quyết định đẩy nhanh kế hoạch tăng sản lượng dầu. Theo kế hoạch, OPEC+ thống nhất tăng sản lượng dầu thô thêm 548,000 thùng một ngày, áp dụng trong tháng 8.

Kế hoạch tăng trong tháng 8 lớn hơn dự báo của giới phân tích là 411,000 thùng một ngày – vốn được áp dụng vài tháng trước đó. Theo tính toán của Reuters, nếu tính chung 5 tháng qua, riêng mức tăng sản xuất của OPEC+ là 1.9 triệu thùng một ngày. 

Trong thông báo, OPEC+ giải thích rằng quyết định của họ dựa trên “triển vọng kinh tế toàn cầu ổn định và các yếu tố thị trường tích cực, thể hiện qua tồn kho dầu thấp”. Tổ chức này tin rằng nguồn cung bổ sung này vẫn sẽ tìm được người mua, ít nhất trong ngắn hạn.

Sự tự tin này được thể hiện rõ qua hành động của Ả-rập Saudi – quốc gia dẫn đầu OPEC. Chỉ một ngày sau quyết định, tập đoàn dầu khí quốc gia Saudi Aramco đã tăng giá bán dầu thô tại thị trường châu Á mạnh hơn dự đoán của các nhà giao dịch.

“Hiện tại thị trường dầu vẫn đang thiếu cung, có nghĩa là có thể tiêu thụ thêm được lượng dầu bổ sung”, Giovanni Staunovo, nhà phân tích tại UBS AG ở Zurich cho biết. “Tuy nhiên, những rủi ro như căng thẳng thương mại đang gia tăng, có thể khiến tình trạng thiếu cung thuyên giảm trong 6-12 tháng tới, từ đó tạo áp lực giảm giá”.

Tác động tích cực cho ông Trump và người tiêu dùng

Quyết định của OPEC+ mang đến tin vui cho người tiêu dùng và là chiến thắng cho ông Trump, người đã cam kết cắt giảm chi phí nhiên liệu trong chiến dịch tranh cử. Việc giảm giá dầu sẽ giúp ông Trump đối phó với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt – vấn đề đã làm tổn hại uy tín của người tiền nhiệm.

Tuy nhiên, động thái này lại đe dọa đến ngành dầu khí Mỹ – từ các tập đoàn khổng lồ như Exxon Mobil đến những công ty dầu đá phiến đã ủng hộ ông Trump. Trong một cuộc khảo sát gần đây, các giám đốc điều hành dầu đá phiến cho biết họ dự kiến sẽ khoan ít giếng hơn đáng kể so với kế hoạch đầu năm.

Mặc dù OPEC+ tự tin, thị trường lại có phản ứng trái chiều. Dầu thô tương lai đã giảm 11% trong hai tuần qua tại London, nhanh chóng xóa sạch đà tăng có được từ xung đột Israel-Iran. Điều này cho thấy các nhà giao dịch không tin rằng nguồn cung bổ sung là cần thiết.

Goldman Sachs và JPMorgan đều dự báo giá dầu có thể tiếp tục giảm về mức 60 USD trong năm nay, do tiêu thụ Trung Quốc suy yếu và thuế quan của ông Trump phủ bóng đen lên kinh tế toàn cầu. Ngay cả trước khi OPEC+ thông báo tăng sản lượng, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã dự báo thị trường sẽ dư cung khoảng 1.5% so với tiêu thụ toàn cầu trong quý 4.

Áp lực tài chính đối với Ả-rập Saudi

Quyết định tăng cung cũng tiềm ẩn rủi ro cho chính Ả-rập Saudi. Theo IMF, vương quốc này cần giá dầu trên 90 USD mỗi thùng để trang trải chi tiêu Chính phủ, đặc biệt khi Thái tử Mohammed bin Salman đang thực hiện kế hoạch chuyển đổi kinh tế đầy tham vọng.

Riyadh hiện đang vật lộn với thâm hụt ngân sách tăng vọt và đã buộc phải cắt giảm chi tiêu cho một số dự án trọng điểm. Nếu áp lực tài chính quá lớn, Ả-rập Saudi có thể phải quay lại chính sách cắt giảm sản lượng.

“Họ có thể thay đổi hoàn toàn chính sách”, Neil Atkinson, cựu Trưởng bộ phận thị trường dầu của IEA nhận định. “Nhưng hiện tại, không có lựa chọn nào khác ngoài việc đảm bảo thị phần và chấp nhận giá thấp hơn”.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FILI

– 13:53 07/07/2025


Các Sàn forex Uy Tín:

Icmarkets

Exness

Source link

Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.