‘Ông trùm’, ‘Madame’ và ‘Người làm thuê số 1’

Lúc chưa khởi nghiệp, ông Nguyễn Xuân Minh từng giữ chức Phó Chủ tịch cấp cao Franklin Templeton Investments (Singapore). Rời sự nghiệp làm chủ của mình tại Công ty quản lý quỹ VAM (chủ yếu huy động vốn nước ngoài để đầu tư vào Việt Nam), ông Minh đến Techcom Securities “làm thuê” chỉ vì một câu nói của Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh.
Hôm đó, sau khi trò chuyện, ông Hồ Hùng Anh nói với ông Nguyễn Xuân Minh: “Thôi, em về làm cùng anh, xây dựng mảng ngân hàng đầu tư và chứng khoán. Nó sẽ là một sân chơi rất lớn cho em!”. Hai tuần sau đó, ông Minh chuyển cả gia đình ra Hà Nội và bắt đầu công việc mới ở Techcom Securities (TCBS).
Sau đó chỉ chưa tới 2 năm, TCBS từ một công ty chứng khoán với 20 người, sống lay lắt qua ngày, đứng ở cuối bảng xếp hạng, đã nhảy vọt lên đứng thứ 2 toàn thị trường về lợi nhuận (năm 2015). Kể từ năm 2019, công ty này đã vươn lên đứng số 1 thị trường về lợi nhuận và liên tục giữ vị trí đó đến hiện tại.
Chiến lược mà ông Minh vạch ra đối với TCBS chỉ đơn giản là: “Không Me Too (hay Tại sao lại làm giống người khác?”. Thay vì tập trung vào Stock (cổ phiếu), TCBS hướng tới thị trường lớn là Wealth (gia sản) với sản phẩm chiến lược đầu tiên là trái phiếu. Thay vì xây dựng đội ngũ môi giới, TCBS tập trung xây dựng kênh giao dịch online với ứng dụng TCInvest, và sử dụng hệ sinh thái của Techcombank. Hơn 300 chi nhánh, hơn 1.000 chuyên viên quan hệ khách hàng (RM) Techcombank cùng 11.000 môi giới bất động sản… trở thành những người giới thiệu sản phẩm cho TCBS.

Tuy nhiên, “Không Me Too” đặc biệt nhất mà ông Xuân Minh thực hiện ở TCBS là nhân sự và công nghệ. Nhân sự tuyển dụng mới ở TCBS đều là con người với tư duy mới và 95% không đến từ các CTCK khác. Họ được tuyển dụng không căn cứ vào kinh nghiệm mà ở tố chất học hỏi.
Bên cạnh đó, với định hướng vận hành như một startup công nghệ, tự xây dựng và làm chủ các nền tảng vận hành, cùng mô hình Agile, gần 65% tổng số nhân viên tại đây là kỹ sư. Điều này biến TCBS trở thành một Techfin (công ty công nghệ ứng dụng công nghệ để cung cấp dịch vụ tài chính và cải thiện các quy trình vận hành) chứ không còn là một CTCK thông thường.
Trong khoảng 5 năm gần đây, số lượng dự án công nghệ hoàn thành tại TCBS dao động từ 1.000-1.300 dự án/năm. Đây là con số rất khó tin ngay cả với các công ty fintech lớn chứ không tính tới các CTCK ở Việt Nam. Nhờ vậy, nhân sự phục vụ vận hành của TCBS chỉ khoảng 40 người, không tăng trong vòng 8 năm trong khi số lượng khách hàng và khối lượng giao dịch đã tăng hàng trăm lần. Đi kèm với đó, TCBS cũng trở thành CTCK có tính cách mạng nhất ở Việt Nam.
Một chuyên gia về chứng khoán ví von: ở TCBS, cách điều hành của ông Nguyễn Xuân Minh có tư tưởng của một môn sinh Judo (khiêm nhường, linh hoạt, bền bỉ và tối ưu hoá) và triết lý khoa học Vật lý (tư duy đơn giản, thực nghiệm và không ngừng khám phá). Sở dĩ có hình ảnh đó bởi ông Nguyễn Xuân Minh từng đoạt Huy chương Vàng Judo và giải Nhất Vật lý toàn thành phố (Hồ Chí Minh) khi còn học phổ thông. Chủ tịch TCBS gọi đó là “những ngày Vàng” của mình.

Trong thực tế, nhờ “tư tưởng Judo kết hợp với khoa học Vật lý” trong điều hành, TCBS có 6 năm liên tục đứng Top 1 về lợi nhuận. Chưa hết, công ty này có 8 năm liên tục Top 1 về thị phần trái phiếu – riêng ở mảng bán lẻ thì chiếm tới 90% thị phần, đứng số 1 toàn thị trường về cho vay margin, và cũng đứng số 1 về CIR (Cost Income Ratio chỉ 12%). Đặc biệt, sau khủng hoảng trái phiếu năm 2022, công ty này còn tăng gấp rưỡi thị phần tư vấn phát hành.
Tại TCBS, ông Nguyễn Xuân Minh, Chủ tịch HĐQT hiện nắm khoảng hơn 8% của CTCK có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam (gần 21.000 tỷ), là cổ đông cá nhân lớn nhất nhưng vẫn là “cổ đông nhỏ” so với Techcombank. Người bạn gọi vui vị Chủ tịch này là “Người làm thuê” số 1 Việt Nam ngành chứng khoán bởi nghe theo lời rủ rê của tỷ phú Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank, bỏ khởi nghiệp (kéo dài 8 năm), để trở lại “làm thuê” tại TCBS.
Năm 2025, TCBS của “Người làm thuê” số 1 Việt Nam ngành chứng khoán đặt mục tiêu lợi nhuận lên tới 5.765 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ. CTCK có lợi nhuận lớn nhất thị trường cũng có kế hoạch IPO 231 triệu cổ phiếu trong năm, đưa vốn điều lệ lên 23.113 tỷ đồng (tiếp tục đứng số 1 thị trường) và có tham vọng vốn hoá 5 tỷ USD. “Mục tiêu lợi nhuận chắc sẽ đạt hoặc vượt, nhưng vốn hóa thì phải căn cứ vào tình hình của thị trường nữa”, ông Nguyễn Xuân Minh chia sẻ.

Tốt nghiệp Thạc sĩ Hệ thống thông tin tại Đại học Bách khoa Kiev (Liên Xô cũ), bà Phạm Minh Hương về nước và được phân công giảng dạy tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông với mức lương 105.000 đồng/tháng. Khi thấy không hợp với nghề giáo, bà Hương chuyển sang Citibank với vị trí Network Manager với mức lương tăng vọt lên 500 USD/tháng.
Chỉ sau 6 tháng làm việc, bà được bổ nhiệm làm Country Treasurer (Giám đốc Kinh doanh tiền tệ và Thị trường vốn) – một vị trí rất quan trọng tại ngân hàng nước ngoài khi chưa từng có kinh nghiệm kinh doanh tiền tệ. Bà Hương nhanh chóng khẳng định mình và trở thành “siêu sao” tại Citibank với việc đem lại tới 40% tổng lợi nhuận của ngân hàng từ mảng kinh doanh này.
Rời Citibank để khởi nghiệp tư vấn tài chính nhưng không thành công, bà Hương gia nhập SSI và trở thành Tổng giám đốc vào tháng 9/2003. Khi ấy, TTCK đang ở giai đoạn tồi tệ nhất trong lịch sử với Vn-Index chỉ còn 137 điểm, bà Hương và một số bạn bè đặt cọc mua SSI nhưng các bạn đồng loạt bỏ cuộc vì giá cổ phiếu tụt dốc không phanh.
Người phụ này đành phải “theo lao” và dồn gần như toàn toàn bộ tài sản tích lũy để mua lượng lớn cổ phiếu giá “cực bèo” lúc đó. Sau này, bà Hương kể lại: “Lúc đó, với con mắt của một người làm tài chính thì tôi nhìn nhận đó là thời điểm tốt nhất, và không có thời điểm nào tốt hơn!”.

Chỉ sau một thời gian ngắn, dưới sự điều hành của bà Hương và các đồng nghiệp, SSI vươn lên trở thành CTCK số 1 trên thị trường, vượt xa các CTCK khác về thị phần môi giới, tư vấn tài chính… Thế nhưng, cũng chỉ sau gần 3 năm, bà Hương rời SSI bởi “không có toàn quyền để xây dựng nguồn lực cần thiết cho việc thực hiện các ý tưởng và dự án mà mình mong muốn”.
Cuối năm 2006, bà Hương cùng chồng là ông Vũ Hiền thành lập IPA Group và sau đó là CTCK VNDIRECT, với số vốn 50 tỷ – thuộc nhóm nhỏ nhất thị trường. Tuy nhiên, đây lại là thời điểm thị trường cổ phiếu tăng giá điên cuồng, “cứ mua là thắng” và được coi là “cơ hội trăm năm có một” với những người làm chứng khoán. Điều này cộng với các mục tiêu rất cao và kế hoạch hoành tráng khi xây IPA và VNDIRECT là nguyên nhân của cú sốc rất lớn với bà Hương năm 2008 khi khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra.
Khi cơn bão khủng hoảng ập đến, IPA và VNDIRECT bị ảnh hưởng nặng hơn vì chính những kế hoạch hoành tráng của mình. Nợ đến hạn phải trả, các khoản vay chưa thanh toán, nhân viên đình công bỏ việc, tin đồn lan tràn khắp nơi… Bà Hương chịu áp lực chưa từng có kể từ khi làm kinh doanh. “Tôi tưởng chừng như tất cả các tội nợ ấy dồn cả lên đầu mình. Có những lúc tôi chỉ mong bán được công ty với giá 1 đôla để mọi người gánh hết trách nhiệm cho mình”, bà Hương tâm sự.

Tuy nhiên, cũng nhờ cuộc khủng hoảng năm 2008 mà VNDIRECT thực dụng hơn, tập trung vào xây dựng hệ thống, chiến lược kinh doanh phù hợp. Chỉ hai năm sau đó, VNDIRECT có bước tăng vốn điều lệ khủng từ 50 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng vào tháng 8/2010.
Tạo ra những cú lội ngược dòng ngoạn mục ở 2 CTCK chứng khoán có tầm ảnh hưởng lớn nhất ở Việt Nam ở những giai đoạn thị trường ở thời điểm tồi tệ nhất, có người gọi vui bà Hương là “Madame” của ngành chứng khoán Việt Nam.
Tháng 10/2010, bà Hương quyết định trao vị trí CEO cho người kế nhiệm là Nguyễn Hoàng Giang (lúc đó 24 tuổi, trở thành CEO chứng khoán trẻ nhất Việt Nam), và không tham gia trực tiếp vào việc vận hành.
Sau 7 năm “bỏ công ty đi trốn”, rồi tìm được đạo Bụt và đến Làng Mai, “Madame” ngành chứng khoán đã tìm thấy con đường mới (lý tưởng phụng sự học được từ Thiền sư Thích Nhất Hạnh) nên quyết định “startup lại” VNDIRECT vào năm 2017. Theo đó, bà Hương muốn VNDIRECT là nơi kiến tạo nếp sống đầu tư cho mọi người, tạo ra một chiếc “két điện tử” riêng cho từng người với nhiều ngăn riêng biệt, chứ không chỉ đơn thuần là một sàn giao dịch.
VNDIRECT trở thành công ty chứng khoán duy nhất đặt ra nguyên tắc hành nghề: môi giới không tư vấn mua bán cổ phiếu riêng lẻ. Đi kèm là KPI của môi giới cũng không đi theo giá trị giao dịch mà căn cứ vào NAV của khách hàng. Cùng với nhiều thay đổi khác, đội ngũ tại công ty cũng thay đổi lớn với 20% nhân sự rời đi năm 2018 và 50% năm 2019…

Tuy nhiên, trong giai đoạn 2018–2020, bà Hương trực tiếp dẫn dắt công ty bước vào công cuộc chuyển đổi số toàn diện. Các nền tảng DTrade, DWealth, DSave ra đời liên tiếp, trở thành thành những công cụ quan trọng để công ty thu hút và giữ chân hàng trăm khách hàng F0, nhất là thời điểm bùng nổ Covid 2020–2021. Nền tảng công nghệ mới kết hợp cùng nguyên tắc vận hành mới đã tạo nên một VNDIRECT hoàn toàn mới…
Trong 2 năm 2023-2024, VNDIRECT vào Top đầu CTCK có lợi nhuận lớn nhất thị trường là minh chứng cho hướng đi mới của “Madame” ngành chứng khoán. Tuy nhiên, điều khiến bà Hương cảm thấy vui nhất không phải là lợi nhuận. Chủ tịch VNDIRECT chia sẻ về thành công lớn: “Giờ đây, tôi có cảm giác ai cũng có thể là khách hàng của mình rồi, kể cả bạn giúp việc ở nhà. Còn ngày xưa, tôi bảo: Phải tránh ra chứng khoán ra!”.

Sinh năm 1962, ông Nguyễn Duy Hưng là con cả của một gia đình nhà giáo nghèo có 4 người con. Trước khi đi du học Đông Đức, mẹ thậm chí phải bán một cái tủ để mua cho ông Hưng vài bộ quần áo mới. Học được vài năm, dù có kết quả tốt, ông Hưng bị kỷ luật do đi buôn phim và giấy ảnh từ Đức về Việt Nam, và phải về nước.
Khởi đầu vất vả nhưng ông Hưng buộc mình phải đứng dậy: “Tôi tin nếu như thật sự có khả năng, mình vẫn vươn lên được, vẫn sẽ thành người”. Sau đó, ông tiếp tục học tại Đại học Tổng hợp TPHCM.
Bước ngoặt lớn của cuộc đời ông xuất phát từ “cơ duyên” giúp mẹ trông xe ở cửa UBND tỉnh Khánh Hòa. Không những có nguồn thu nhập tốt, ông còn có cơ hội để gặp Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa lúc bấy giờ và được nhận vào làm thư ký nhờ khả năng tiếng Đức trôi chảy.
Thời đó, ông Hưng được phân công phụ trách đầu tư nước ngoài của tỉnh. Đó là thời kỳ hoang sơ của kinh tế đối ngoại. Từ đây, ông đã “gom” cho mình được nhiều kiến thức, kinh nghiệm để thành lập Pan Pacific năm 1992 với việc làm tư vấn cho những nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Khi được tiếp xúc với những dự án khả thi, biết được cách tiếp cận, từ cách lựa chọn dự án tới thu xếp vốn rồi triển khai ra sao, ông Hưng coi đây là “trường đại học vô giá”, là nền tảng quan trọng để sau này quyết định làm chứng khoán.
Khi Chính phủ dự kiến thành lập TTCK, ông Hưng có cơ hội tiếp xúc với nhiều lãnh đạo cấp cao như ông Lê Văn Châu – người trở thành Chủ tịch đầu tiên của UBCKNN, và được tin tưởng, dẫn đi gặp các vị lãnh đạo cao hơn để thuyết phục mở SSI – công ty chứng khoán tư nhân đầu tiên ở Việt Nam, với vốn điều lệ vỏn vẹn 6 tỷ đồng.

Chính công ty tư nhân bé tí ấy lại là đơn vị làm hồ sơ đưa REE, SAM lên sàn (2 cổ phiếu đầu tiên niêm yết tại HOSE) và chiếm hầu hết thị phần môi giới trong những ngày đầu tiên.
Tuy nhiên, trong 3 năm đầu, ông Hưng phải lấy tiền từ Pan Pacific (lúc đó đã chuyển thành công ty lau dọn toà nhà) để “nuôi” SSI. Chỉ sau 4 năm, SSI từ số 0 đã vươn lên số 1 khi tận dụng được cơn địa chất trên TTCK được tạo ra bởi sự xuất hiện của nhà đầu tư ngoài, sau khi Việt Nam gia nhập WTO.
Năm 2007 – vào thời điểm mà ai mua cổ phiếu hôm trước hôm sau cũng có lãi, ông Hưng đưa ra chính sách gây sốc với toàn thị trường khi yêu cầu nhà đầu tư phải có trên 100 triệu mới được mở tài khoản tại SSI. Lý do là SSI quá “hot”, đến mức lượng khách đến mở tài khoản giao dịch vượt quá xa khả năng phục vụ. Vị thế CTCK số 1 Việt Nam của SSI được duy trì trong nhiều năm nhờ lý do được ông Hưng khẳng định: “Từ nguyên tắc kinh doanh: Uy tín, Trung thực, Chuyên nghiệp”.
Trên thị trường, SSI là CTCK thực hiện nhiều nhất các thương vụ lớn, đồng thời có số lượng khách hàng tổ chức lớn nhất. Người đứng đầu công ty – ông Nguyễn Duy Hưng (Chủ tịch HĐQT và có nhiều năm kiêm CEO) cũng có thể coi như “anh cả” trong giới kinh doanh chứng khoán ở Việt Nam.
Dù thường bị đồn đoán là “siêu cá mập” với biệt danh “ông trùm” chứng khoán Việt Nam, có nhiều phát ngôn, bài viết gây sốt trên mạng xã hội nhưng ông Hưng không bao giờ giải thích về việc này. Trong một bài phỏng vấn, Chủ tịch SSI nói: “Thứ khó nhất và cũng không cần thiết nhất trên đời là làm sao để chứng minh cho mọi người thấy rằng mình tốt nên tôi sẽ không làm điều đó!”.

Còn điều mà ông Hưng thường nói với bạn bè về triết lý để có chỗ đứng trong nghề tài chính là: “Những điều tôi làm có thể khiến người ta rất yêu hoặc rất ghét, nhưng không thể coi thường!”. Tại các kỳ đại hội cổ đông, Chủ tịch SSI cũng có phong cách rất đặc trưng khi thường ngồi một mình trên bàn chủ tọa để trả lời các câu hỏi của cổ đông, với thái độ rất thẳng thắn.
Tại Việt Nam, SSI là CTCK hiếm hoi luôn có được sự vững chắc khi đi qua khủng hoảng, đặc biệt là năm 2008. Chia sẻ về đặc điểm này, ông Hưng cho biết: “SSI chưa từng gặp khủng hoảng vì trong nghề tài chính, người ta chỉ chết vì tham!”.
Giải thích thêm về việc không tham sẽ tránh được khủng hoảng, ông Hưng dẫn một status từng viết trên facebook cá nhân khi chứng kiến quá nhiều nhà đầu tư bị mất tiền vì cổ phiếu “lái”: “Ai đó lừa ta một lần là lỗi của họ, lừa ta hai lần vẫn có thể trách mình nhẹ dạ, nhưng lần thứ 3, thứ 4 thì chỉ có thể trách ta tham và dốt, tự mình lừa mình”.
“Ông trùm chứng khoán” chia sẻ về giai đoạn mới của cuộc đời mình khi bước qua tuổi 60 (năm 2022): “Làm sao đóng góp nhiều nhất cho xã hội”. Theo đó, ông Hưng có một mong muốn lớn: “Là bệ đỡ cho những người như tôi hơn 30 năm trước không biết bấu víu vào đâu. Tôi muốn đóng vai trò là người nâng đỡ, người hướng đạo, người ảnh hưởng nhiều hơn là trực tiếp kinh doanh”.
25 năm – Thời điểm vươn mình là hành trình ghi dấu những bước ngoặt lịch sử của thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong dòng chảy phát triển ấy, không thể không nhắc đến sự đồng hành và đóng góp quan trọng của các tổ chức, doanh nghiệp tiêu biểu như: Eximbank, Gelex, HDBank, Masan, Nhất Việt, Pinetree, SSI, TCBS và VNDIRECT…

Thúy Hiền – Hoàng Ly
Hương Xuân
Nhịp Sống Thị Trường
Các Sàn forex Uy Tín:
Icmarkets
Exness
IQOption
Deriv
Source link
Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.