Ông Lê Vương Hùng (VDS): Cơ hội ngày càng ít, nhà đầu tư cần chú trọng hơn đến quản lý danh mục

Ông Lê Vương Hùng (VDS): Cơ hội ngày càng ít, nhà đầu tư cần chú trọng hơn đến quản lý danh mục

Trao đổi với chúng tôi về chiến lược đầu tư cho năm 2025, ông Lê Vương Hùng – Giám đốc Khối Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDS) – cho biết: Thị trường đang trong giai đoạn sàng lọc nên cơ hội ít hơn, tập trung vào những doanh nghiệp chất lượng. Đồng thời, nhà đầu tư cần chú trọng nhiều hơn đến vấn đề quản lý danh mục, quản trị rủi ro.

VN-Index hướng đến đỉnh cũ 1,500 điểm

 

Nhìn lại năm 2024, giá trị bán ròng của khối ngoại lên đến hơn 90 ngàn tỷ đồng – lớn nhất lịch sử thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, một phần nguyên nhân do chênh lệch lãi suất USD và VND quá lớn. Hiện tại, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường đã về dưới 17% – thấp tương đương giai đoạn năm 2012.

Với tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài hiện đang ở vùng thấp, kết hợp với dự báo chênh lệch lãi suất sẽ dần giảm xuống trong năm 2025, ông Hùng dự báo giá trị bán ròng có thể giảm đáng kể so với năm 2024.

Tuy vậy, việc lạm phát Mỹ có thể tăng trở lại sẽ khiến Fed chưa thể giảm lãi suất trong 6 tháng đầu năm 2025 mà chỉ bắt đầu thực hiện từ quý 3, giúp chênh lệch lãi suất USD và VND cân bằng hơn. Do đó, khối ngoại chỉ có thể mua ròng trở lại từ quý 3.

Trước nhiều lo lắng về động thái tăng lãi suất trong năm 2025 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông Hùng cho rằng kịch bản này sẽ không xảy ra. Với mục tiêu ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô nhưng vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng GDP trên 8%, chắc chắn động lực tăng trưởng chính đến từ chính sách tài khóa, mà cụ thể là đầu tư công, trong khi chính sách tiền tệ thông qua mặt bằng lãi suất thấp vẫn được duy trì.

“Việc tăng lãi suất điều hành chưa diễn ra trong 6 tháng đầu năm 2025, thậm chí đến quý 3 – khi Fed giảm lãi suất thì việc NHNN tăng lãi suất lại càng không xảy ra”  – ông Hùng nhấn mạnh.

Chuyên gia VDS dự báo năm 2025 sẽ là một năm tích cực. Với GDP mục tiêu tăng trên 8% trong bối cảnh vĩ mô ổn định và lãi suất tiếp tục thấp thì rõ ràng TTCK sẽ hưởng lợi, nhưng diễn biến sẽ có sự khác biệt theo từng giai đoạn.

Cụ thể, nửa đầu năm là giai đoạn USD vẫn neo cao khiến tỷ giá tương đối phức tạp và khó đoán, áp lực bán ròng tiếp tục diễn ra và TTCK vẫn tích lũy trong vùng 1,200 – 1,300 điểm.

Tuy nhiên, sau khi các lo ngại kể trên đủ thẩm thấu vào thị trường thì tình hình sẽ bắt đầu tích cực hơn từ quý 2. Kể từ quý 3, khối ngoại sẽ giao dịch cân bằng hoặc mua ròng trở lại để tạo cú hích cho thị trường cuối năm, đặc biệt hơn khi còn có thể hưởng lợi từ sự kiện nâng hạng.

Việc thị trường chuyển động quá lâu trong ngưỡng 1,200 – 1,300 điểm không phải là tín hiệu phân phối, mà theo ông Hùng chính là tích lũy để đi lên, tạo sức bật cho thị trường tăng giá cuối năm 2025 và những năm tiếp theo.

Khi hội đủ yếu tố cần thiết về nền tảng kinh tế vĩ mô, quy định pháp luật, chính sách điều hành, chất lượng doanh nghiệp, bên cạnh việc được bổ sung rất nhiều hàng hóa giao dịch, việc VN-Index tăng điểm từ 1,300 lên 1,500, tương đương khoảng 15%, là hoàn toàn có khả năng.

“Khi thị trường đã thoát khỏi kênh tích lũy 1,200 – 1,300 thì sẽ tăng rất mạnh, hướng đến đỉnh cũ 1,500 điểm. Không sớm thì muộn, không phải năm 2025 thì sẽ là năm 2026” – ông Hùng nhận định.

Quản lý danh mục là điểm mấu chốt

Theo chuyên gia VDS, TTCK kể cả những năm khó khăn vẫn luôn có cơ hội. Trong các năm trước, cơ hội dàn trải và tất cả cùng hưởng lợi, nhưng gần đây lại bước vào giai đoạn sàng lọc nên cơ hội ít hơn, tập trung vào những doanh nghiệp chất lượng. Do đó, điều quan trọng là phải biết tìm kiếm cơ hội.

Ba nhóm ngành triển vọng cho năm 2025 bao gồm: (1) Đầu tư công hưởng lợi từ định hướng điều chỉnh của Chính phủ; (2) Công nghệ với nhiều tiềm năng, đặc biệt với câu chuyện hậu Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; (3) Ngành sản xuất chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào trong nước và sẽ đặc biệt hơn khi có khả năng xuất khẩu.




 

Tuy nhiên, ông Hùng mong muốn việc quản lý danh mục, quản trị rủi ro sẽ ngày càng được nhà đầu tư chú trọng nhiều hơn, thay vì suy nghĩ mua gì, bán gì. Quá trình đầu tư là liên tục, do đó, việc duy trì quản trị danh mục trong thời gian nhất định là vô cùng cần thiết.

Thông thường, hơn 50% nhà đầu tư mua sẽ có lời, nhưng sau đó lại gặp vấn đề trong việc xem xét các hành động tiếp theo, phân bổ tài sản. Rất nhiều nhà đầu tư chốt lời xong lại tiếp tục mua và rơi vào trường hợp cổ phiếu mua sau thậm chí đã tăng cao hơn cổ phiếu vừa bán hay mua mà không tìm hiểu kỹ lưỡng về cổ phiếu, doanh nghiệp đó.

Vì vậy, hành động ra sao sau khi có lời mới là vấn đề quan trọng nhất, tránh việc có lời xong lại không biết làm gì tiếp theo và bị cuốn vào vòng xoáy liên tục mua bán.

Ông Hùng nhấn mạnh: “Không có bất kỳ công thức chung nào cho việc phân bổ tài sản, chỉ có làm sao để an toàn cho chính nhà đầu tư”.

Huy Khải

FILI

– 08:17 06/02/2025


Các Sàn forex Uy Tín:

Icmarkets

Exness

Source link

Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.