Nước cờ mới của Trung Quốc trong căng thẳng thương mại với Mỹ
Nước cờ mới của Trung Quốc trong căng thẳng thương mại với Mỹ
Trong một động thái chuẩn bị cho cuộc chiến thương mại với Mỹ, Trung Quốc đang lập danh sách các gã khổng lồ công nghệ Mỹ có thể trở thành mục tiêu của các cuộc điều tra chống độc quyền và các biện pháp quản lý khác.
Chiến lược này nhắm tới việc gây ảnh hưởng đến các giám đốc điều hành công nghệ – những người được cho là có tiếng nói quan trọng trong vòng tròn quyền lực của Tổng thống Trump.
![]() Google tham dự Hội nghị Trí tuệ Nhân tạo Thế giới tại Thượng Hải năm ngoái.
|
Theo những người am hiểu chiến lược của Bắc Kinh, chính quyền Trung Quốc đang tích cực tìm kiếm thêm đòn bẩy để sử dụng trong các cuộc đàm phán sắp tới với chính quyền Trump về nhiều vấn đề song phương, đặc biệt là các mức thuế mà Mỹ đang áp đặt lên hàng hóa Trung Quốc.
Gần đây, Bắc Kinh đã chính thức tuyên bố mở cuộc điều tra đối với Nvidia và Google về cáo buộc vi phạm luật chống độc quyền. Danh sách các công ty Mỹ nằm trong tầm ngắm còn có Apple, Broadcom – công ty công nghệ có trụ sở tại Thung lũng Silicon, và Synopsys – nhà cung cấp phần mềm thiết kế bán dẫn đang chờ Bắc Kinh phê duyệt thương vụ mua lại trị giá 35 tỷ USD.
“Trung Quốc cần tất cả đòn bẩy có thể để đáp trả Mỹ, và chống độc quyền là một trong những công cụ hữu ích nhất”, Tom Nunlist, chuyên gia chính sách công nghệ tại công ty tư vấn Trivium China có trụ sở tại Thượng Hải nói.
Chiến lược này tiềm ẩn không ít rủi ro. So với thời kỳ đầu nhiệm kỳ của Trump, các công ty Mỹ hiện nay tỏ ra ít sẵn sàng ủng hộ Trung Quốc hơn. Những đe dọa này còn có thể phản tác dụng khi khiến các doanh nghiệp e ngại đầu tư vào thị trường Trung Quốc – điều mà chính Bắc Kinh đang rất mong muốn.
Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã tăng cường bổ sung các công cụ quản lý mới, học hỏi từ cách tiếp cận của Mỹ. Năm 2020, họ thiết lập “danh sách thực thể không đáng tin cậy” – một phiên bản tương tự như danh sách thực thể của Mỹ vốn cấm Huawei và các công ty Trung Quốc khác giao thương với doanh nghiệp Mỹ. Đến năm 2022, Trung Quốc tiếp tục sửa đổi luật chống độc quyền nhằm thắt chặt các quy định về sáp nhập chống cạnh tranh.
Các quan chức Trung Quốc đang nhắm đến việc tạo ảnh hưởng với những nhân vật có tiếng nói trong giới công nghệ Mỹ, đặc biệt là những người từng có mối quan hệ gần gũi với Trump. Điển hình như Sundar Pichai của Google và Tim Cook của Apple – những giám đốc điều hành đã từng ngồi cạnh Trump trong ngày nhậm chức của ông.
![]() Sundar Pichai của Google, đứng bên phải Elon Musk, là một trong những giám đốc điều hành công nghệ hàng đầu có mặt tại lễ nhậm chức của Tổng thống Trump.
|
Chiến lược này thể hiện rõ qua chuỗi hành động “ăn miếng trả miếng” gần đây. Ngay khi Mỹ áp dụng mức thuế bổ sung 10% lên hàng hóa Trung Quốc vào thứ Ba, Bắc Kinh lập tức tuyên bố mở cuộc điều tra chống độc quyền đối với Google. Động thái này có nguồn gốc sâu xa từ sự việc năm 2019, khi Google tuân thủ quy định của Mỹ và hạn chế Huawei sử dụng hệ điều hành Android. Hậu quả là Huawei mất quyền truy cập vào các ứng dụng của Google cùng nhiều phần mềm độc quyền khác, buộc phải tự phát triển hệ điều hành riêng.
Một minh chứng khác diễn ra vào tháng 12, khi chính quyền Biden tăng cường kiểm soát việc Trung Quốc tiếp cận các bán dẫn cao cấp. Chỉ một tuần sau, Bắc Kinh phản đòn bằng cách công bố điều tra Nvidia – nhà sản xuất chip AI hàng đầu thế giới – về một thương vụ sáp nhập từ năm 2019. Trọng tâm điều tra xoay quanh cáo buộc Nvidia phân biệt đối xử khi ngừng cung cấp một số sản phẩm nhất định cho các công ty Trung Quốc.
Apple cũng đang đối mặt với áp lực tương tự tại thị trường Trung Quốc. Công ty đang vướng vào tranh chấp với các đối thủ công nghệ địa phương như Tencent và ByteDance về chính sách thu phí App Store. Các công ty Trung Quốc cho rằng mức phí Apple áp dụng cho các giao dịch trong ứng dụng, chẳng hạn như mua token chơi game, là không hợp lý.
Trong khi những khiếu nại tương tự đang được các cơ quan quản lý trên thế giới xem xét kỹ lưỡng, Apple khẳng định các chính sách của họ nhằm đảm bảo chất lượng và an toàn của các ứng dụng. Ban đầu, các cơ quan quản lý Trung Quốc chỉ theo dõi tranh chấp thương mại từ xa, nhưng trong những tuần gần đây họ đã bắt đầu xem xét vấn đề một cách tích cực hơn. Một số quan chức cho rằng phí của Apple tại Trung Quốc là quá cao và các quy tắc thanh toán ứng dụng của họ đang cản trở cạnh tranh. Từ đó, Bắc Kinh xem đây như một “quân bài” có thể sử dụng trong các cuộc đàm phán với Mỹ.
Đối với các vụ sáp nhập xuyên quốc gia, sự phê duyệt từ các cơ quan quản lý chống độc quyền toàn cầu là điều kiện bắt buộc. Một thương vụ có thể đổ vỡ nếu không nhận được sự chấp thuận từ dù chỉ một quốc gia lớn. Điều này được minh chứng qua trường hợp của Qualcomm vào năm 2018, giữa cao điểm xung đột thương mại Mỹ-Trung trong nhiệm kỳ đầu của Trump. Công ty đã phải chấm dứt kế hoạch mua lại nhà sản xuất chip Hà Lan NXP Semiconductors sau khi không nhận được sự chấp thuận từ Trung Quốc.
Một ví dụ điển hình khác về tầm ảnh hưởng của Trung Quốc là thương vụ thâu tóm VMware của nhà sản xuất chip Mỹ Broadcom. Thương vụ này, được định giá 61 tỷ USD khi công bố vào tháng 5/2022, đã từng đứng trước nguy cơ đổ vỡ cho đến khi có cuộc gặp giữa cựu Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 11/2023. Sau khi hai nhà lãnh đạo đồng ý giảm bớt căng thẳng, Trung Quốc đã thông qua thỏa thuận vào phút chót, nhưng kèm theo điều kiện Broadcom phải đảm bảo cung cấp cho khách hàng Trung Quốc.
Việc đặt ra các điều kiện nghiêm ngặt đang trở thành xu hướng ngày càng phổ biến của Trung Quốc, đặc biệt trong các vụ sáp nhập bán dẫn. Theo các luật sư, điều này khiến các công ty vẫn phải đối mặt với rủi ro từ các biện pháp quản lý ngay cả sau khi thương vụ đã hoàn tất. Trong vài năm qua, những tên tuổi lớn trong ngành như Intel và AMD đều đã phải chấp nhận các điều kiện đặc biệt từ phía Trung Quốc khi thực hiện các thương vụ.
“Bằng cách thực thi các điều kiện tuân thủ nghiêm ngặt, Bắc Kinh có thể gây áp lực lên các công ty và áp đặt hình phạt cho việc không tuân thủ”, Angela Zhang, Giáo sư chuyên về luật chống độc quyền Trung Quốc tại Đại học Nam California, nhận định. Tuy nhiên, bà cũng cảnh báo: “Bắc Kinh phải thận trọng khi hành động chống lại các công ty Mỹ, đặc biệt là những công ty họ phụ thuộc vào các thành phần quan trọng như Nvidia”.
Hiện tại, một thương vụ đang bị treo là kế hoạch mua lại công ty phần mềm kỹ thuật Ansys trị giá 35 tỷ USD của Synopsys. Bắc Kinh tỏ ra không hài lòng khi Synopsys, tuân thủ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ, đã cắt đứt quyền truy cập của Trung Quốc vào một số phần mềm thiết kế chip tiên tiến. Vào tháng 12, cơ quan quản lý chống độc quyền Trung Quốc đã thông báo tạm dừng đánh giá thương vụ, viện dẫn lý do tài liệu không đầy đủ. Dù vậy, người phát ngôn của Synopsys vẫn bày tỏ sự lạc quan, tin rằng việc đánh giá sẽ được giải quyết thuận lợi và dự kiến giao dịch sẽ hoàn tất trong nửa đầu năm 2025.
Ngoài công cụ chống độc quyền, Trung Quốc còn có thể sử dụng lý do an ninh quốc gia để hạn chế các công ty Mỹ. Điển hình như vào năm 2023, sau một cuộc điều tra an ninh mạng, Trung Quốc đã cấm các công ty lớn trong nước mua sản phẩm từ nhà sản xuất chip Mỹ Micron Technology, viện dẫn các rủi ro về an ninh quốc gia. Tại thời điểm đó, Bộ Thương mại Mỹ đã phản bác, cho rằng các biện pháp này không có cơ sở thực tế.
Vũ Hạo (Theo WSJ)
FILI
– 10:23 10/02/2025
Các Sàn forex Uy Tín:
Icmarkets
Exness
Source link
Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.