Một công ty AI chưa có sản phẩm, mới thành lập được vài tháng, chỉ có 29 nhân viên đã huy động được 2 tỷ USD, định giá 10 tỷ USD

Tuần này, tờ Business Insider đã đưa tin rằng Mira Murati đang huy động khoảng 2 tỷ USD cho startup AI Thinking Machines Lab.
Công ty này mới thành lập được vài tháng, chỉ có một nhóm nhân sự rất nhỏ và hiện chưa có sản phẩm nào. Vậy tại sao các nhà đầu tư lại rót số tiền khổng lồ như vậy và định giá một doanh nghiệp non trẻ ở mức khoảng 10 tỷ USD?
Có thể có hai lý do chính. Cả hai đều xuất phát từ cách vận hành của giới đầu tư mạo hiểm (VC) trong kỷ nguyên AI tạo sinh và các ông lớn công nghệ.
Quy luật quyền lực (Power Law)
Trước hết: Đây là một “option” rất đắt tiền, đặt cược vào khả năng startup của Mira sẽ thành công rực rỡ. Nếu điều đó xảy ra, mức định giá 10 tỷ USD hoàn toàn có thể trở thành 100 tỷ USD, hoặc thậm chí 1.000 tỷ USD. OpenAI – nơi Murati từng làm việc – mới đây được định giá khoảng 300 tỷ USD. Google thì gần 2.000 tỷ USD.
Nếu Thinking Machines Lab thành công như hai công ty kể trên, thì quỹ đầu tư mạo hiểm đã “ăn đủ” cho cả một thập kỷ. Bạn có thể lãi 10 lần hoặc 100 lần khoản đầu tư ban đầu, và những khoản đầu tư khác trong danh mục – dù có thất bại – cũng không ảnh hưởng gì nhiều. Tổng thể quỹ vẫn tạo ra lợi nhuận ấn tượng.
Đây chính là điều được gọi là “Quy luật quyền lực” – quy luật cho rằng các quỹ VC chỉ có thể thành công nếu họ sở hữu ít nhất một khoản đầu tư tạo ra lợi nhuận phi thường đến mức mang về giá trị toàn bộ quỹ cho nhà đầu tư. Một ví dụ nổi tiếng là Accel Partners đã đầu tư sớm vào Facebook.
“Không năm nào là không có một vài startup vượt trội đạt cú home run (thành công lớn)”, Sebastian Mallaby đã viết trong cuốn sách về đầu tư mạo hiểm xuất bản năm 2022. “Điều duy nhất quan trọng trong VC là sở hữu một phần của những doanh nghiệp như vậy”.
” Big Tech Put” – Bảo hiểm từ các ông lớn công nghệ
Tuy nhiên, hầu hết các startup đều thất bại. Nếu Thinking Machines không thành công rực rỡ, vẫn có một con đường khác để nhà đầu tư kiếm lời – kể cả khi mức định giá ban đầu nghe có vẻ vô lý.
Đôi khi, những startup không bán được sản phẩm hay chưa tạo ra doanh thu vẫn sở hữu những tài sản giá trị khác. Có thể họ phát minh ra công nghệ mới và đã nắm giữ bằng sáng chế. Hoặc họ có đội ngũ kỹ thuật xuất sắc. Hoặc cả hai. (Thực tế thì Murati rất tài năng, và cô đã tuyển nhiều chuyên gia từ thời làm ở OpenAI).
Trong những tình huống như vậy, các công ty công nghệ lớn đôi khi sẽ nhảy vào và mua lại các startup này. Khi mục tiêu chính là thu hút nhân tài, thương vụ kiểu này được gọi là “acqui-hire”.
Trong kỷ nguyên AI tạo sinh, khi các công ty công nghệ chạy đua thống trị thị trường, các thương vụ như vậy đang ngày càng lớn.
Năm ngoái, Google đã đồng ý chi 2,5 tỷ USD để cấp phép sử dụng công nghệ của Character.AI và tuyển hai nhà sáng lập ngôi sao của startup này, cùng với 20% nhân sự khác.
Microsoft cũng có thương vụ tương tự với Inflection – startup do đồng sáng lập DeepMind là Mustafa Suleyman điều hành. Amazon cũng làm điều tương tự với Adept.
Những thương vụ kiểu này không đem lại lợi nhuận 10x hay 100x cho các quỹ VC, nhưng chúng giúp họ “rút lui” (exit) khỏi các khoản đầu tư thất bại mà không thiệt hại quá nhiều, thậm chí có thể có chút lãi.
Ví dụ, thương vụ với Character.ai đã giúp các nhà đầu tư thu về lợi nhuận khoảng 2,5 lần. Tờ BI gọi điều này là “Big Tech put” – “bảo hiểm từ các ông lớn công nghệ”.
Trong tài chính, “put option” là một hợp đồng cho phép người nắm giữ quyền bán tài sản ở một mức giá cụ thể trong một khoảng thời gian nhất định.
Nói chung, “put” là một niềm tin rằng nếu giá tài sản giảm sâu, sẽ có một thế lực lớn nhảy vào cứu trợ. Hoặc nói cách khác, nếu mọi thứ “vỡ trận”, thì sẽ có thế lực cấp cao can thiệp để “dọn dẹp”.
Ví dụ, có cái gọi là “Fed put” – niềm tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ can thiệp hỗ trợ thị trường nếu giá giảm sâu.
Và giờ đây, người ta còn nói đến cả “Trump put” – tức là tin rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ làm mọi cách để giữ cho thị trường ổn định. Lý thuyết này rộ lên gần đây khi ông tạm ngưng áp thuế toàn cầu sau khi thị trường có biến động mạnh trong vài ngày.
CON ĐƯỜNG RIÊNG
Murati đã rời OpenAI vào tháng 10 năm ngoái sau 6 năm gắn bó với công ty. Thời điểm đó, cô cho biết mình muốn “dành thời gian khám phá con đường riêng”.

Murati gia nhập OpenAI từ năm 2018 với vai trò Phó Chủ tịch phụ trách AI ứng dụng và đối tác chiến lược. Năm 2022, cô được bổ nhiệm làm Giám đốc Công nghệ (CTO), và dẫn dắt các dự án quan trọng của công ty như ChatGPT, DALL-E (AI tạo ảnh từ văn bản), cũng như Codex – hệ thống sinh mã nguồn đã được tích hợp trong các phiên bản đầu tiên của GitHub Copilot, trợ lý lập trình do AI hỗ trợ.
Murati cũng từng giữ vai trò quyền CEO trong thời gian ngắn tại OpenAI, sau khi CEO Sam Altman bất ngờ bị sa thải. Altman từng mô tả cô là một “đồng minh thân cận”.
Trong nhiều tháng, đã có tin đồn rằng Murati đang chiêu mộ các chuyên gia AI hàng đầu để chuẩn bị cho một startup mới. Blog của Thinking Machines Lab xác nhận hiện công ty có 29 nhân sự đến từ những tổ chức danh tiếng như OpenAI, Character.AI, và Google DeepMind, cùng nhiều tên tuổi khác.
Theo thông tin được công ty công bố, Thinking Machines Lab hiện đang tích cực tuyển dụng các nhà khoa học và kỹ sư học máy, cũng như một quản lý chương trình nghiên cứu.
Trước khi đến với OpenAI, Murati từng có ba năm làm quản lý sản phẩm cấp cao tại Tesla, phụ trách mẫu xe crossover SUV Model X. Trong thời gian này, Tesla đã ra mắt các phiên bản đầu tiên của Autopilot – phần mềm hỗ trợ lái xe dựa trên AI. Cô cũng từng là Phó Chủ tịch phụ trách sản phẩm và kỹ thuật tại Leap Motion, một startup chuyên phát triển cảm biến theo dõi chuyển động của tay và ngón tay dành cho máy tính.
Murati giờ đây gia nhập danh sách ngày càng dài các cựu lãnh đạo OpenAI tách ra khởi nghiệp, bao gồm cả những đối thủ đáng gờm như Safe Superintelligence của Ilya Sutskever và Anthropic.
Theo: BI
Các Sàn forex Uy Tín:
Icmarkets
Exness
IQOption
Deriv
Source link
Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.