[Longform] TS. Ngô Minh Vũ: Tiền gửi ngân hàng là kênh chờ đón sóng từ thị trường khác
TS. Ngô Minh Vũ: Tiền gửi ngân hàng là kênh chờ đón sóng từ thị trường khác
Lãi suất ngân hàng hiện đang ở mức thấp, nhưng vẫn là nơi để nhà đầu tư có tâm lý về quản trị rủi ro tìm đến chờ sóng ở các thị trường khác.
TS. Ngô Minh Vũ – Giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM đã có những dự báo về triển vọng kinh tế trong năm 2025, cũng như lời khuyên cho các nhà đầu tư lựa chọn kênh phù hợp.
Theo ông đâu là nền tảng cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2025?
TS. Ngô Minh Vũ: Dựa vào kết quả tích cực năm 2024, tăng trưởng kinh tế trong năm 2025 có thể chậm hơn một chút, vì mức tăng trong năm qua được hỗ trợ bởi rất nhiều yếu tố thuận lợi, nhưng sang năm 2025 thì những yếu tố này sẽ không còn quá bất ngờ nữa. Thêm vào đó, một rủi ro còn chưa thể dự đoán được là nhiệm kỳ mới của Tổng thống Donald Trump. Nhiệm kỳ Trump 2.0 có thể đưa đến những biến số tiêu cực hơn với kinh tế Việt Nam.
Dựa vào nhiệm kỳ trước của Tổng thống Donald Trump, nhiều dự báo cho rằng, nhiệm kỳ mới sẽ tạo ra nhiều biến động cho kinh tế thế giới, đặc biệt là căng thẳng tại Trung Quốc, từ đó lây lan sang Việt Nam.
Động lực tăng trưởng trong năm 2024 chủ yếu nhờ xuất khẩu, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến. Nếu năm 2025, chiến tranh thương mại tiếp tục leo thang ở Trung Quốc, sẽ là yếu tố ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam – động lực tăng trưởng chính. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể tận dụng xu hướng này để đón làn sóng dịch chuyển nguồn vốn FDI từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Trong năm qua, những doanh nghiệp lớn, đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ cao, đang chuyển hướng dần sang Việt Nam. Đây cũng là yếu tố hỗ trợ phần nào trong tình hình kinh tế bất ổn sắp tới. Vì vậy, theo tôi, kinh tế năm 2025 sẽ chậm lại một chút, tăng trưởng khoảng 6.5%.
Thêm một điểm cần chú ý, 2025 là năm cuối của giai đoạn 2020-2025. Các cơ quan liên quan đã lên tinh thần chuẩn bị cho kế hoạch tăng trưởng kinh tế từ 8-9% trong năm cuối của giai đoạn này.
Xin ông nói rõ hơn về những tiềm năng để Việt Nam tiếp tục thu hút dòng vốn FDI?
Con số đáng chú ý về thu hút vốn FDI năm qua của Việt Nam là kết quả của quá trình dài cải thiện môi trường kinh doanh – từ đổi mới chính sách đến phòng chống tham nhũng. Đây là kết quả lâu dài, không phải trong ngắn hạn. Vì thế, trong năm 2025, những động lực thu hút FDI vẫn giữ nguyên và sẽ càng cải thiện hơn nữa nếu chúng ta đón đầu được làn sóng các doanh nghiệp rời khỏi thị trường Trung Quốc chuyển sang Việt Nam.
Trong nhiệm kỳ Tổng thống Trump trước đây đã có một làn sóng chuyển sang Việt Nam rất mạnh. Với môi trường kinh doanh cải thiện hiện tại của Việt Nam thì việc đón đầu dòng vốn FDI là việc trong tầm tay.
Như vậy, ngành nào sẽ có khả năng hút được dòng vốn này trong năm nay?
Nói về cơ cấu doanh nghiệp FDI, Việt Nam vẫn có thế mạnh ở các doanh nghiệp chuyên về chế biến, chế tạo, vì tận dụng được nguồn nhân lực ở Việt Nam.
Nhưng Chính phủ lại có chính sách đẩy mạnh dòng vốn FDI vào các ngành liên quan đến công nghệ cao, hỗ trợ cho các doanh nghiệp lớn vào đầu tư ở Việt Nam.
Tôi nghĩ, trong năm nay, dòng vốn FDI sẽ tập trung vào ngành công nghệ nhiều.
Dựa trên kết quả tăng trưởng kinh tế, theo ông, ngành ngân hàng có bị ảnh hưởng gì trong năm 2024 không?
Kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng trong năm 2024 chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng bởi nợ xấu rất nhiều.
Theo Thông tư 02 và Thông tư 06 (sửa đổi) về gia hạn nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng, các ngân hàng sẽ phải trích lập dự phòng toàn bộ các khoản cơ cấu nợ, sẽ ảnh hưởng lên kết quả kinh doanh. Tuy nhiên, tác động chỉ diễn ra cục bộ ở một vài ngân hàng, không phải trên toàn bộ hệ thống.
Nhóm các ngân hàng lớn thường có tỷ lệ nợ cơ cấu không nhiều, chỉ chiếm khoảng 0.5-1% dư nợ.
Trong khi các ngân hàng tận dụng Thông tư 02 để cơ cấu, giãn, hoãn nợ, phần trích lập dự phòng đã “ăn” vào lợi nhuận khá nhiều vào năm 2024. Còn các ngân hàng khác sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều. Cho nên, lợi nhuận ngân hàng trong năm 2024 sẽ bị phân hóa giữa các nhóm khác nhau. Ngân hàng nào không quản trị rủi ro ổn định sẽ bị ảnh hưởng lợi nhuận. Nhóm ngân hàng lớn tăng trưởng lợi nhuận vẫn ổn định, có khả năng bằng hoặc tăng so với năm 2023.
Tiềm năng nào cho ngành ngân hàng trong năm 2025?
Sau khi Thông tư 02 và Thông tư 06 hết hiệu lực, cũng sẽ không tác động nhiều đến ngành ngân hàng, vì các thông tin tiêu cực nếu có thì ngân hàng đã hấp thụ hết trong năm 2024.
Sang năm 2025, tình hình kinh doanh dần ổn định, nợ xấu hệ thống, theo tôi, đã đạt đỉnh trong năm 2024 và tình hình sẽ cải thiện trong năm 2025. Nợ xấu và lợi nhuận sẽ cải thiện theo hướng tốt hơn trong năm nay.
Diễn biến lãi suất sắp tới sẽ như thế nào?
Lãi suất tăng do áp lực cạnh tranh giữa các ngân hàng. Ngân hàng tăng lãi suất huy động, để thu hút nguồn vốn, đảm bảo được tăng trưởng tín dụng.
Năm 2025, kỳ vọng mặt bằng lãi suất sẽ ổn định, không tăng nhanh như năm qua và sẽ được các chính sách kinh tế mở của Chính phủ hỗ trợ. Năm nay, Chính phủ đặt trọng tâm tăng trưởng kinh tế cao hơn việc đảm bảo lạm phát. Lạm phát Việt Nam trong 3-4 năm qua khá ổn định.
Năm cuối giai đoạn 2020-2025, có thể Chính phủ sẽ ưu tiên các chính sách hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hơn, hỗ trợ về mặt lãi suất cho các ngân hàng, cung tiền và tăng trưởng tín dụng cũng tốt hơn. Vì vậy, mặt bằng lãi suất sẽ ổn định hoặc giảm nhẹ. Theo lộ trình của kinh tế thế giới năm 2025, mặt bằng lãi suất sẽ thấp hơn năm 2024. Nếu Việt Nam cũng theo lộ trình này thì mặt bằng lãi suất cũng sẽ ổn định và giảm dần.
Theo ông, áp lực tỷ giá năm nay có giảm bớt không?
Năm vừa qua, Chính phủ đã sử dụng quỹ dự trữ ngoại hối khá nhiều để ổn định tỷ giá. VND tăng nhẹ cũng được xem là thành công trong việc điều hành ổn định tỷ giá của Chính phủ.
Tỷ giá bị ảnh hưởng chủ yếu từ chỉ số USD-Index. Theo dự báo, khi chính sách kinh tế mới của ông Donald Trump được áp dụng, USD-Index sẽ tăng, vì chính sách bảo hộ thương mại. Mục tiêu của ông Trump là đưa kinh tế Mỹ trở lại thành trung tâm thế giới và đồng USD trở lại đúng với vị thế của nó.
Do đó, USD-Index sẽ tăng, gây áp lực lên tỷ giá VND/USD rất nhiều. Thế nhưng, năm qua chúng ta xuất siêu cũng rất nhiều. Quỹ dự trữ ngoại hối dù giảm nhưng phần xuất siêu đã bù đắp được áp lực tỷ giá. Cũng vì vậy, tôi cho rằng, việc ổn định tỷ giá vẫn nằm trong tầm tay của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Chính phủ.
Kênh vàng hấp dẫn nhà đầu tư trong năm 2024. Kênh này còn sức hút trong năm nay không?
Giá vàng trong năm 2024 đã tăng gần 30% và được xem là kênh đầu tư tăng cao nhất trong các kênh: Chứng khoán, bất động sản và tiền gửi ngân hàng.
Trong năm 2025, vàng vẫn là kênh đầu tư đầu tiên được suy xét khi có nguồn vốn nhàn rỗi. Người dân đang chờ đợi biến động mới của giá vàng sau thời gian chững lại, gây lo ngại cho nhà đầu tư. Mặc dù vậy, vàng vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn nhất, nếu xét về tỷ suất sinh lợi. Nhà đầu tư vẫn đang chờ đợi diễn biến mới về địa chính trị – yếu tố quyết định giá vàng thế giới.
Nhà đầu tư vàng trong nước cũng đang thăm dò thị trường, vì mức quanh 83-87 triệu đồng/lượng đã neo nhiều tháng. Đây là thời gian để đánh giá lại. Nếu tình hình địa chính trị căng thẳng hơn, giá vàng thế giới sẽ tăng; còn ngược lại, vàng sẽ là kênh đầu tiên giảm giá.
Thị trường chứng khoán và các kênh đầu tư còn lại thì sao, thưa ông?
Thị trường chứng khoán (TTCK) trong năm 2024 diễn biến khá tốt trong nửa đầu năm, nhưng nửa cuối năm chuyển xấu, gây hụt hẫng cho nhà đầu tư. Mặc dù vậy, tỷ suất sinh lợi của kênh chứng khoán vẫn dương.
Trong năm 2025, nhà đầu tư cần theo dõi các yếu tố vĩ mô, lựa chọn cổ phiếu hưởng lợi nhiều từ chính sách hoặc cổ phiếu đi theo chu kỳ kinh doanh. Nếu kinh tế vĩ mô đi theo chu kỳ kinh doanh thì năm 2025 sẽ ổn định hơn. Những cổ phiếu đi theo chu kỳ kinh doanh sẽ được hưởng lợi, ví dụ như cổ phiếu ngân hàng.
Nhìn chung, tỷ suất sinh lợi của TTCK vẫn đang chờ đợi vệc nâng hạng thị trường. Nhà đầu tư vẫn đang chờ “vướng mắc” này được tháo gỡ. Tuy nhiên, việc nâng hạng đến từ rất nhiều yếu tố khác, liên quan đến pháp lý, quản lý thị trường. Năm 2025 sẽ là nền tảng, liệu có giải quyết được vấn đề liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài, nâng hạng được thị trường hay không. Nếu như nâng hạng được, nhà đầu tư nước ngoài sẽ hướng vào TTCK Việt Nam rất nhiều.
Còn kênh tiền gửi ngân hàng sẽ như là kênh “nghỉ ngơi” của nhà đầu tư, chờ đón đợt sóng tiếp theo từ các thị trường khác. Hiện tại, kênh ngân hàng vẫn thu hút được nhà đầu tư, vì sóng từ các kênh khác không rõ ràng. Thị trường bất động sản chưa hồi phục mạnh, TTCK dao động, vàng phải chờ đợi chính sách mới từ Mỹ.
Lãi suất ngân hàng hiện đang ở mức thấp, nhưng vẫn là nơi để nhà đầu tư có tâm lý về quản trị rủi ro tìm đến chờ sóng ở các thị trường khác.
Xin cảm ơn ông.
Cát Lam
Thiết kế: Tuấn Trần
FILI
– 12:00 31/01/2025
Các Sàn forex Uy Tín:
Icmarkets
Exness
Source link
Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.