[Longform] Chiến lược đầu tư năm 2025: Lấy vĩ mô làm bàn đạp, tìm nhóm dẫn dắt thị trường

Chiến lược đầu tư năm 2025: Lấy vĩ mô làm bàn đạp, tìm nhóm dẫn dắt thị trường

Ngân hàng, bất động sản khu công nghiệp và các ngành hưởng lợi từ đầu tư công là tâm điểm đầu tư năm 2025. Theo ông Hồ Quốc Bình – Phó Giám đốc Quản lý danh mục đầu tư, Công ty Quản lý Quỹ Thành Công (TCAM) – việc hiểu đúng vai trò của chính sách tài khóa, tiền tệ là chìa khóa để chinh phục TTCK Việt Nam.

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam bước vào năm 2025 với kỳ vọng lớn từ những thay đổi mang tính nền tảng: chính sách tiền tệ nới lỏng, giải ngân đầu tư công tăng tốc và kế hoạch nâng hạng lên thị trường mới nổi. Trong bối cảnh này, các nhà đầu tư đang đứng trước ngưỡng cửa của một chu kỳ mới – vừa là cơ hội bứt phá vừa tiềm ẩn nhiều thách thức.

Để hiểu rõ hơn về triển vọng và những yếu tố then chốt tác động đến thị trường, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Hồ Quốc Bình – Phó Giám đốc Quản lý danh mục đầu tư của Công ty Quản lý Quỹ Thành Công (TCAM).

*Ông nhận định gì về mối liên hệ giữa chính sách tài khóa, tiền tệ và sự hồi phục của TTCK trong năm 2025?

Ông Hồ Quốc Bình: Các yếu tố vĩ mô và chính sách tài khóa, tiền tệ trong năm 2025 tiếp tục mang lại những tác động tích cực cho TTCK Việt Nam. Chính phủ đang đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, đặc biệt với các dự án trọng điểm như đường sắt cao tốc Bắc – Nam, đồng thời duy trì chính sách giảm thuế VAT để kích cầu. Với nợ công dưới 50% GDP – mức rất thấp so với thế giới, Việt Nam vẫn còn dư địa lớn để mở rộng chính sách tài khóa, đảm bảo nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng.

Trong khi đó, chính sách tiền tệ đã duy trì trạng thái nới lỏng trong 2 năm qua, với lãi suất giảm về mức thấp. Tuy nhiên, khả năng giảm thêm hiện khá hạn chế, do áp lực từ tỷ giá, khi đồng USD mạnh lên. Ngân hàng Nhà nước đang ưu tiên giữ lãi suất ổn định, tránh các biến động lớn để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp.

Kinh tế Việt Nam ghi nhận sự phục hồi rõ nét trên nhiều trụ cột: xuất khẩu tăng trưởng, FDI giải ngân dồi dào, sức mua nội địa cải thiện và đầu tư tư nhân khởi sắc. Ngành du lịch cũng đang phục hồi mạnh mẽ, với lượng khách quốc tế gần đạt mức đỉnh trước đại dịch.

Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất đến từ chính sách thuế thương mại của Mỹ, đặc biệt khi ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống. Với mức xuất siêu hơn 100 tỷ USD sang Mỹ, Việt Nam có thể đối mặt với các biện pháp áp thuế. Hiện chưa có tín hiệu cụ thể nào và Việt Nam đang nỗ lực giảm thiểu nguy cơ bằng cách tăng nhập khẩu từ Mỹ và duy trì tỷ giá ổn định.

Nhìn chung, nếu các rủi ro bên ngoài, đặc biệt từ Mỹ, không thành hiện thực, kinh tế vĩ mô Việt Nam vẫn sẽ ổn định và tăng trưởng, tạo nền tảng tích cực cho TTCK trong năm 2025.

*Ngoài triển vọng nâng hạng thị trường, ông đánh giá những yếu tố nào sẽ giúp củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào TTCK Việt Nam trong năm 2025?

– Việc nâng hạng TTCK là sự kiện mang tính bước ngoặt, đánh dấu hơn 24 năm phát triển của TTCK Việt Nam. Sự kiện này không chỉ cải thiện hình ảnh thị trường trong mắt nhà đầu tư mà còn giúp thu hút dòng vốn quốc tế, khi các quỹ đầu tư toàn cầu sẽ tăng tỷ trọng vào thị trường với vị thế mới. Tuy nhiên, đây chỉ là một phần trong bối cảnh lớn hơn – nơi yếu tố dòng tiền nước ngoài đóng vai trò quyết định.

Với bối cảnh dòng vốn ngoại đã rút ròng khoảng 3.5 tỷ USD khỏi TTCK Việt Nam trong 2 năm qua, do tác động từ đồng USD tăng giá và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ duy trì ở mức cao trên 4.6% với kỳ hạn 10 năm, vẫn đặt ra thách thức lớn. Chính sách thắt chặt định lượng (QT) của Fed, với việc bán công cụ tài chính để hút dòng tiền về Mỹ, khiến áp lực bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài chưa thể dứt hẳn. Dẫu vậy, từ cuối năm 2024, quy mô bán ròng đã giảm đáng kể, chỉ còn khoảng 100-500 tỷ đồng mỗi phiên, so với mức trên 1,000 tỷ đồng trước đây.

Theo dự báo từ các chuyên gia, Fed có thể dừng QT vào khoảng cuối tháng 3/2025 hoặc muộn nhất là tháng 6/2025, tùy vào diễn biến kinh tế nội tại của Mỹ. Khi đó, dòng vốn có khả năng sẽ quay lại các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam. Sự quay trở lại của dòng vốn nước ngoài, kết hợp với việc nâng hạng thị trường – dự kiến diễn ra vào cuối quý 3 hoặc đầu quý 4/2025 – sẽ tạo động lực tích cực cho TTCK Việt Nam.

Tuy nhiên, để thị trường thực sự bứt phá, sự quay lại của dòng vốn ngoại là yếu tố then chốt, bởi dòng tiền trong nước hiện đang thiếu động lực mới, với thanh khoản trên thị trường đã rơi vào trạng thái tương đối cạn kiệt. Nếu các điều kiện thuận lợi, nhà đầu tư nước ngoài có thể dừng bán ròng và quay lại mua ròng từ cuối tháng 1/2025, góp phần củng cố niềm tin và thúc đẩy sự tích cực cho thị trường.

*Liệu VN-Index có thể đạt mức cao nhất trong năm 2025?

– Nếu không có các yếu tố rủi ro từ bên ngoài tác động mạnh, tôi cho rằng thị trường sẽ tiếp tục tích cực và có thể tăng trưởng mạnh mẽ hơn năm 2024. VN-Index có thể tăng từ 15-18%, nếu mọi điều kiện thuận lợi.

*Thanh khoản của thị trường có duy trì ở mức ổn định hay sẽ có sự tăng trưởng đột phá?

– Nếu thị trường tích cực, thanh khoản chắc chắn sẽ tốt hơn giai đoạn trước. Sự gia tăng thanh khoản phụ thuộc vào mức độ lạc quan của nhà đầu tư và sự ổn định của thị trường.

* Những nguyên nhân nào khiến thanh khoản TTCK lại giảm sâu trong những phiên gần đây?

– Việc thanh khoản giảm sâu trong một vài phiên gần đây khó lý giải một cách rõ ràng, vì thị trường đôi khi có sự biến động ngẫu nhiên. Tuy nhiên, nếu nhìn rộng hơn trong khoảng 2-3 tháng qua, có thể thấy thanh khoản đang giảm dần. Nguyên nhân cơ bản do VN-Index đi ngang trong biên độ hẹp, các trader không kiếm được lợi nhuận, phải cắt lỗ và giảm tần suất giao dịch.

Thị trường tích lũy và đi ngang kéo dài khiến dòng tiền nóng từ các trader rút lui, dẫn đến vòng quay giao dịch chậm lại. Ngoài ra, tết Nguyên Đán đến sớm cũng khiến nhiều nhà đầu tư giảm giao dịch, đặc biệt khi thị trường không có động lực mới.

*Ông đánh giá thế nào về mức định giá của TTCK Việt Nam trong bối cảnh hiện tại?

– Định giá của TTCK Việt Nam trong 2 năm qua thực sự rất phân hóa. Một số doanh nghiệp, như nhóm ngân hàng, vẫn ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận tốt, trong khi nhiều nhóm ngành khác lại bị giảm lợi nhuận. Vì vậy, định giá VN-Index cũng phản ánh sự phân hóa này.

So với giai đoạn 2018-2019, mức độ phân hóa bây giờ là rất lớn. Một số doanh nghiệp có định giá P/E rất cao, từ 50-70 lần, thậm chí lên tới 100 lần, trong khi nhóm ngân hàng lại có mức định giá P/E chỉ khoảng 5 lần. Bình quân P/E của VN-Index hiện tại dao động khoảng 13x, không quá cao so với quá khứ. Tuy nhiên, nếu đầu tư vào giai đoạn này, chỉ nhìn vào mức bình quân để quyết định thì không phải là chiến lược hợp lý, vì sự phân hóa trong định giá hiện nay là rất rõ rệt.

*Trong bối cảnh thị trường vẫn đang tích lũy, nhà đầu tư nên chọn chiến lược giao dịch ra sao? Những nhóm ngành nào sẽ dẫn dắt thị trường và mang lại tiềm năng tăng trưởng trong năm 2025?

– Chiến lược đầu tư tùy thuộc vào từng cá nhân và hồ sơ rủi ro (Risk Profile) của mỗi người. Không có một chiến lược chung cho tất cả nhà đầu tư. Tuy nhiên, trong năm 2025, tôi cho rằng chiến lược đầu tư dựa vào yếu tố cơ bản sẽ có lợi thế, đặc biệt khi thị trường vẫn trong giai đoạn tích lũy và chưa có tín hiệu tăng mạnh. Việc lựa chọn các cổ phiếu có nền tảng cơ bản vững chắc và tiềm năng tăng trưởng sẽ mang lại kết quả tích cực hơn trong giai đoạn này.

Đối với các nhà giao dịch, năm 2024 có thể là năm khó khăn và những tháng đầu năm 2025 cũng sẽ không dễ dàng. Tuy nhiên, nếu thị trường chuyển sang xu hướng tăng mạnh, các cổ phiếu đều sẽ có cơ hội tăng trưởng. Để thị trường có một xu hướng tăng rõ rệt, cần có các nhóm cổ phiếu dẫn dắt.

Hiện tại, nhóm ngành ngân hàng đang là nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường. Ngành này có lợi nhuận ổn định và định giá hợp lý. Vì vậy, đối với những nhà đầu tư muốn an toàn và kỳ vọng mức tăng trưởng vừa phải, nhóm ngân hàng vẫn là lựa chọn phù hợp. Bên cạnh đó, các nhóm ngành hưởng lợi từ xu hướng lớn, như bất động sản khu công nghiệp do xu hướng FDI mạnh hay các ngành liên quan đến vật liệu xây dựng và hạ tầng cũng sẽ là những lựa chọn tiềm năng. Ngoài ra, những chủ đầu tư bất động sản và các công ty có dự án tốt, chất lượng, sẽ là cơ hội đầu tư đáng chú ý trong năm 2025.

*Liệu nhà đầu tư có nên thay đổi chiến lược phân bổ tài sản của mình trong năm 2025, khi vàng đã đạt mức cao và các kênh đầu tư truyền thống như chứng khoán và bất động sản đang có cơ hội tăng trưởng mạnh hơn?

– Theo tôi, phân bổ tài sản phù hợp với hồ sơ rủi ro, khẩu vị và khả năng tài chính của từng cá nhân quan trọng hơn việc so sánh giữa các kênh đầu tư. Ở Việt Nam, bất động sản, chứng khoán, tiền gửi và trái phiếu là những kênh đầu tư chính thống cần được ưu tiên. Vàng có thể dùng để tích trữ giá trị, nhưng không nên đầu tư quá nhiều vì mức biến động lớn và chi phí giao dịch cao.

Trong năm 2025, chiến lược dài hạn vẫn là lựa chọn hợp lý. Nếu tin tưởng vào chứng khoán, nhà đầu tư chỉ nên tăng nhẹ tỷ trọng, từ 30-50% lên 55-60%, chứ không nên phân bổ đột biến. So với bất động sản, chứng khoán hiện tại vẫn có khả năng tăng trưởng mạnh, còn vàng đã đạt mức cao và khó duy trì sức hấp dẫn lâu dài.

Tóm lại, việc phân bổ tài sản cần có chiến lược rõ ràng, không nên thay đổi đột ngột theo xu hướng ngắn hạn.

*Nhiều nhà đầu tư không chuyên dễ bị cuốn vào xu hướng ngắn hạn hoặc các phong trào thị trường. Ông có lời khuyên nào để họ xây dựng một chiến lược đầu tư dài hạn, hiệu quả và an toàn hơn?

– Khi đầu tư vào các tài sản rủi ro như chứng khoán, nguyên tắc đầu tiên là không nên lạm dụng đòn bẩy, đặc biệt nếu bạn không phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp. Thay vào đó, hãy chọn những doanh nghiệp có tiềm năng ổn định và dễ tìm hiểu, để có thể nắm giữ lâu dài với niềm tin vững vàng.

Nhà đầu tư không chuyên nên ưu tiên các công ty bền vững. Qua thời gian, giá cổ phiếu của những doanh nghiệp này sẽ tăng trưởng ổn định. Quan trọng nhất là quản lý rủi ro, tránh lạm dụng đòn bẩy và kiểm soát tâm lý, đặc biệt là lòng tham. Hãy đặt mục tiêu lợi nhuận rõ ràng và kiên nhẫn theo đuổi mục tiêu đó.

*Nhìn vào thị trường bất động sản hiện tại, ông nhận thấy những yếu tố nào sẽ giúp nhóm cổ phiếu bất động sản hấp dẫn hơn trong thời gian tới?

– Ngành bất động sản đã bắt đầu có sự phục hồi rõ rệt, đặc biệt nhờ vào các chính sách tháo gỡ pháp lý, điều chỉnh quy hoạch và các thay đổi trong luật. Thị trường hiện tại đã ấm lên, giao dịch sôi động hơn. Mặc dù vậy, cổ phiếu bất động sản thường phản ứng chậm hơn so với sự phục hồi của thị trường, vì các doanh nghiệp cần thời gian để triển khai dự án và ghi nhận doanh thu, lợi nhuận. Cổ phiếu bất động sản có thể sẽ đi sau một thời gian, nhưng giai đoạn hiện nay lại là cơ hội tốt để nhà đầu tư yêu thích ngành này phân bổ vào danh mục, bởi các cổ phiếu bất động sản đang ở mức giá khá hợp lý và có sự hỗ trợ từ các chính sách, thị trường đang dần cải thiện.

Ngành bất động sản thực tế là một ngành khó đầu tư, vì đòi hỏi người đầu tư phải hiểu rõ về pháp lý, thị trường và các yếu tố liên quan. Nếu không có kiến thức vững, việc đầu tư theo phong trào rất dễ dẫn đến rủi ro và không đạt được kết quả tốt. Cổ phiếu bất động sản cũng là nhóm cổ phiếu có sự biến động mạnh. Điều này có thể làm cho nhà đầu tư không chuyên gặp khó khăn. Tuy nhiên, nếu nhà đầu tư thực sự yêu thích ngành này, tìm hiểu kỹ về nó và có chiến lược phân bổ hợp lý thì đây vẫn là một cơ hội đầu tư hấp dẫn.

Hiện tại, nhiều cổ phiếu bất động sản đang ở mức giá hợp lý và định giá ổn. Khi phân bổ vào ngành này, nhà đầu tư nên ưu tiên những doanh nghiệp có dự án rõ ràng, đã hoàn thiện pháp lý và có thể triển khai ngay. Các doanh nghiệp có quỹ đất sạch, pháp lý hoàn chỉnh và có thể thu lợi nhuận trong năm nay hoặc năm sau sẽ là sự lựa chọn tốt hơn. Những doanh nghiệp vẫn phải xử lý vấn đề pháp lý hoặc chưa có quỹ đất sẽ hưởng lợi chậm hơn, mặc dù vẫn có cơ hội nhưng sẽ không ngay lập tức.

Với nhà đầu tư thận trọng, tham gia vào những doanh nghiệp có dự án hiện hữu, quỹ đất sạch và có thể triển khai bán hàng sớm là chiến lược phân bổ hợp lý.

Thế Mạnh

FILI

– 12:00 07/02/2025


Các Sàn forex Uy Tín:

Icmarkets

Exness

Source link

Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.