“Hiệu ứng tài sản” từ thị trường chứng khoán có thể kìm hãm đà tăng trưởng kinh tế ra sao?
“Hiệu ứng tài sản” từ thị trường chứng khoán có thể kìm hãm đà tăng trưởng kinh tế ra sao?
Những biến động trên thị trường chứng khoán do lo ngại về vấn đề thương mại không chỉ tác động đến số dư quỹ hưu trí của người dân, mà còn có thể khiến họ cắt giảm chi tiêu khi thấy tài sản của mình bị suy giảm.
Thu nhập là số tiền lương nhận được, còn tài sản lại phần nào mang tính cảm nhận. Giá trị danh mục cổ phiếu hôm nay có thể là 100,000 USD, nhưng ngày mai có thể giảm xuống 98,000 USD hoặc tăng lên 102,000 USD, tùy thuộc vào tâm lý của các nhà giao dịch. Những biến động này trong giá trị tài sản trên giấy tờ có thể khiến người tiêu dùng cảm thấy giàu hơn hoặc nghèo đi, từ đó thay đổi thói quen chi tiêu. Hiện tượng này được gọi là “hiệu ứng tài sản” (wealth effect).
Người ta thường cho rằng Phố Wall, đại diện cho thị trường tài chính và đầu tư, khác với nền kinh tế thực của các hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Tuy nhiên, hiệu ứng tài sản lại là mối liên kết giữa hai khu vực này. Mối liên hệ đó đang hiện hữu trong tâm trí nhiều người khi những lo ngại về các kế hoạch áp thuế rộng khắp và thay đổi liên tục của Tổng thống Donald Trump gây xáo trộn thị trường chứng khoán toàn cầu.
Tháng này, chỉ số S&P 500 đã rơi vào vùng giá xuống (bear market), đánh dấu sự sụt giảm mạnh sau hai năm liên tiếp tăng trên 20%. Niềm tin của nhà đầu tư vào cái gọi là “quyền chọn bán của Trump” (Trump put) – một quan niệm phổ biến cho rằng Tổng thống Trump sẽ luôn điều chỉnh chính sách để tránh tác động tiêu cực từ thị trường suy giảm – đang bị thử thách. Nhiều nhà giao dịch cũng ngầm hiểu rằng bản thân ông Trump là người tin tưởng mạnh mẽ vào hiệu ứng tài sản, vốn liên kết chặt chẽ giữa thị trường tài chính và nền kinh tế thực.
Liệu những biến động trên thị trường chứng khoán có thể làm nền kinh tế xấu đi? Theo Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics, hiệu ứng tài sản tích cực trong năm ngoái đã thúc đẩy tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng thêm 1 điểm phần trăm, qua đó đóng góp khoảng 0.5% vào GDP. Tuy nhiên, ông lo ngại về một sự đảo chiều khi thị trường đi xuống. Zandi ước tính cứ mỗi 1 USD giảm trong giá trị tài sản ròng của các hộ gia đình, chi tiêu tiêu dùng có thể giảm 2 cent do tác động của hiệu ứng tài sản tiêu cực.
Hiệu ứng hoạt động ra sao?
Hiệu ứng tài sản vừa mang tính tâm lý vừa có yếu tố thực tế. Khi số dư trong tài khoản môi giới hoặc tài khoản tiết kiệm hưu trí giảm, mọi người thường có xu hướng thắt chặt chi tiêu. Đồng thời, với kỳ vọng thị trường sẽ phục hồi, họ có thể trì hoãn việc bán tài sản để thực hiện các khoản chi lớn. “Người dân sẽ cân nhắc kỹ hơn đối với các khoản chi tiêu, chẳng hạn như việc lên kế hoạch cho những kỳ nghỉ”, Yung-Yu Ma, Giám đốc đầu tư tại BMO Wealth Management, chia sẻ.
Ngoài ra, còn có những yếu tố khó định lượng chính xác. Một phân tích từ Visa Business and Economic Insights chỉ ra rằng sự bùng nổ thông tin tài chính được cập nhật tức thì trên điện thoại thông minh, cùng với sự phổ biến của các ứng dụng giao dịch miễn phí, đã thay đổi cách mọi người tiếp cận thị trường. Giờ đây, họ có thể theo dõi tin tức chứng khoán mọi lúc, mọi nơi, kể cả khi đang mua sắm tại Target và cân nhắc có nên chi tiêu mạnh tay hơn hay không. Diễn biến thị trường chứng khoán thường có mối tương quan chặt chẽ với tâm lý người tiêu dùng, nhiều người xem tin tức thị trường mới nhất như một chỉ báo về triển vọng kinh tế tương lai.
Thật khó để xác định rõ đâu là nguyên nhân và đâu là hệ quả. Thị trường chứng khoán có thể tăng hoặc giảm chỉ vì cùng một lý do khiến việc chi tiêu thay đổi – do cả nhà đầu tư và người tiêu dùng đều có chung cảm nhận về tình hình kinh tế.
Ngoài ra, cũng tồn tại những yếu tố tác động ngược chiều. Trong một nghiên cứu về hiệu ứng tài sản, các nhà kinh tế Daniel Cooper và Karen Dynan chỉ ra lợi suất cao từ thị trường có thể khuyến khích mọi người rót thêm tiền vào các khoản đầu tư, thay vì giảm chi tiêu.
Chỉ số tâm lý người tiêu dùng
Nguồn: Đại học Michigan
|
Một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Đánh giá Kinh tế Hoa Kỳ: Những góc nhìn (American Economic Review: Insights) nêu rõ tác động của các khoản lợi nhuận thị trường bất ngờ bằng cách theo dõi hành vi của các cá nhân trong thời gian dài. Các nhà nghiên cứu nhận thấy nhà đầu tư thường điều chỉnh chi tiêu ngay lập tức sau khi nhận được lợi nhuận bất ngờ, nhưng theo thời gian, họ có xu hướng gia tăng chi tiêu nhiều hơn. Điều này cho thấy bản thân sự giàu có thực sự ảnh hưởng đáng kể đến hành vi kinh tế.
Ai phản ứng với thị trường?
Người Mỹ để rất nhiều tiền trong cổ phiếu. Theo Gallup, khoảng 62% hộ gia đình sở hữu cổ phiếu trực tiếp hoặc thông qua quỹ đầu tư. Trong quý 4 năm 2024, các hộ gia đình phân bổ gần 43% tài sản tài chính vào cổ phiếu, một con số kỷ lục. Tại Liên minh Châu Âu, con số tương ứng là 36% vào năm 2023; tỷ lệ này ở Nhật Bản chưa đến 20% vào năm 2024.
Theo dữ liệu từ Ngân hàng Dự trữ Liên bang St. Louis, nhóm 1% giàu nhất tại Mỹ hiện nắm giữ khoảng một nửa tổng giá trị cổ phiếu doanh nghiệp và quỹ tương hỗ, trong khi nhóm từ phần trăm thứ 90 đến 99 sở hữu khoảng 37%. Điều này cho thấy tài sản cổ phiếu không phải là thước đo duy nhất của một nền kinh tế khỏe mạnh. Tuy nhiên, tầng lớp giàu có đóng vai trò quan trọng trong chi tiêu. Theo phân tích của Moody’s Analytics, nhóm 10% hộ gia đình giàu nhất hiện đóng góp gần một nửa tổng chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ, tăng đáng kể so với mức gần 40% vào những năm 1990.
Giá trị tài sản lớn đang đối mặt rủi ro
Cổ phiếu doanh nghiệp (bao gồm cổ phiếu nắm giữ trực tiếp và gián tiếp) tính theo tỷ trọng trong tài sản tài chính của các hộ gia đình và tổ chức phi lợi nhuận tại Mỹ.
|
Tỷ lệ phần trăm cổ phiếu doanh nghiệp và chứng chỉ quỹ tương hỗ do 1% người giàu nhất nước Mỹ nắm giữ
Nguồn: Hội đồng Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ thông qua cơ sở dữ liệu kinh tế của Cục Dự trữ Liên bang.
|
Tầng lớp trung lưu cũng có thể cực kỳ nhạy cảm với thị trường. Với sự suy giảm của các quỹ hưu trí truyền thống, một khoản tiền kỷ lục 15 ngàn tỷ USD đang nằm trong các tài khoản hưu trí cá nhân, theo ghi nhận của Yardeni Research. Và một nửa số người tham gia chương trình 401(k) từ 55 đến 64 tuổi trong một khảo sát của Vanguard có số dư ít nhất 87,500 USD; mức trung bình là hơn 240,000 USD. Phần lớn số tiền này được đầu tư vào cổ phiếu.
Còn bất động sản thì sao?
Khoảng 2/3 gia đình tại Mỹ sở hữu nhà, theo ước tính năm 2020 của Viện JPMorgan Chase. Thế hệ Baby Boomer (sinh từ năm 1946 đến 1964), được xem là thế hệ giàu có nhất, đang sở hữu lượng lớn vốn tích lũy trong bất động sản. Khoảng 40% trong số họ sống tại căn nhà mình sở hữu ít nhất 20 năm, theo công ty môi giới bất động sản Redfin.
Ngoài ra, hàng triệu chủ nhà đã tận dụng cơ hội vay thế chấp với lãi suất thấp kỷ lục, chỉ 3% hoặc thấp hơn. Điều này giúp giá nhà duy trì ở mức cao do ít người muốn bán, đồng thời tạo điều kiện cho nhiều chủ sở hữu có thêm thu nhập dư dả để chi tiêu. Một thị trường nhà ở ổn định có thể giúp giảm bớt tác động tiêu cực từ sự biến động của thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, giá trị nhà ở lại mang đến những tác động hai chiều. Đối với chủ sở hữu, đó là một loại tài sản, nhưng với người đi thuê, nó trở thành gánh nặng chi phí. Một nghiên cứu năm 2023 cho thấy khi giá nhà tăng, các chủ sở hữu thường có xu hướng chi tiêu nhiều hơn, trong khi những người đi thuê lại thắt chặt chi tiêu. Hiệu ứng này đặc biệt rõ rệt ở những người thuê nhà đang nuôi hy vọng mua được nhà trong tương lai.
Cảm nhận về sự giàu có đang thay đổi ra sao?
Sự gia tăng các khoản đầu tư mang tính đầu cơ, đặc biệt trong các hộ gia đình trẻ, đã làm hiệu ứng tài sản trở nên phức tạp hơn. Tiền mã hóa tạo ra những khoản lãi đột biến như trúng số và cũng mang lại những khoản lỗ lớn. Điều này tác động mạnh đến các đại lý xe hơi hạng sang như Lamborghini.
Một nhóm nghiên cứu phát hiện rằng mỗi USD lợi nhuận chưa thực hiện từ tiền mã hóa kích thích chi tiêu thêm 9 cent, cao hơn nhiều so với hiệu ứng từ lợi nhuận cổ phiếu. Ngoài ra, tiền mã hóa còn có ảnh hưởng đáng kể đến một số thị trường bất động sản, làm thay đổi hành vi đầu tư và chi tiêu trong lĩnh vực này.
Ngay cả khi thị trường chứng khoán trải qua những biến động gần đây, định giá của các loại tài sản vẫn duy trì ở mức cao. Một lượng tiền khổng lồ đã được đầu tư vào nhóm công ty công nghệ “7 kỳ quan” (Magnificent Seven) và các cổ phiếu liên quan đến trí tuệ nhân tạo. Giá trị tài sản đã tăng mạnh trong thập kỷ qua nhờ sự lạc quan đặc biệt của giới đầu tư. Chính vì vậy, không có gì bất ngờ khi nhiều người lo ngại về khả năng xảy ra một sự thay đổi lớn trong tâm lý của thị trường, điều có thể gây ra những tác động sâu rộng.
Quốc An (Theo Bloomberg)
FILI
– 08:40 14/04/2025
Các Sàn forex Uy Tín:
Icmarkets
Exness
Source link
Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.