Hệ thống cung cấp nước sạch 1.600 năm

Đó là các đài phun nước bằng đá phức tạp được tạo hình giống sinh vật biển trong thần thoại Hindu. Trải qua hơn 1.600 năm, cách đưa nước đến những vòi phun này vẫn khiến các nhà khoa học hiện nay thán phục.

Nguồn nước được thiết kế tinh vi

Các đài phun nước bằng đá tinh xảo mang tên Dhunge dhara, hoặc Hiti, xuất hiện lần đầu tiên vào thời Vương quốc Licchavi (khoảng năm 400 – 750). Các học giả tin rằng, một hệ thống cung cấp nước sạch có thể đã tồn tại từ thời xa xưa hơn nữa và người Licchavis chỉ đơn giản sắp xếp lại và tạo hình dáng nghệ thuật như đã thấy hiện nay.

Manga Hiti ở Patan hình thành vào năm 570, được coi là đài phun nước còn hoạt động lâu đời nhất. Theo thời gian, nhiều Hiti khác bắt đầu xuất hiện trên cảnh quan Thung lũng Kathmandu.

Thời kỳ Malla (khoảng năm 1201 – 1779) chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống cung cấp nước này. Hiti mà nữ hoàng Lalit Tripura Sundari Devi và Bhimsen Thapa dựng lên vào năm 1829 ở làng Sundhara (nay là một phần của Kathmandu) được nhiều người xem là sự bổ sung cuối cùng cho truyền thống cổ xưa trên.

Nguồn nước chính của Dhunge dhara là mạng lưới các kênh được gọi là Rajkulos, dẫn nước từ các dòng suối trên núi. Ngoài ra, một số lấy nước từ tầng nước ngầm. Các Dhunge dhara khai thác nguồn nước ngầm thường được xây dựng trên các bể nông, với độ sâu được quyết định bởi mực nước ngầm.

Những bể chứa này được chế tác từ sự kết hợp giữa đá và gạch, với các vòi nhô ra khỏi tường. Phía trên mỗi vòi phun nước thường là một ngôi đền dành riêng cho một vị thần cụ thể.

Hầu hết các bể chứa nước đều chỉ có một vòi, nhưng cũng có những Hiti được lắp hai, ba, năm, chín, thậm chí nhiều vòi hơn, chẳng hạn như Muktidhara ấn tượng ở quận Mustang, hệ thống có 108 vòi phun nước liên tục đáng kinh ngạc. Sau khi cung cấp cho nhu cầu của người dân, lượng nước dư thừa sẽ được dẫn vào ao hoặc đưa đến ruộng để tưới tiêu.

Hệ thống cung cấp nước sạch 1.600 năm- Ảnh 1.

Hệ thống cấp nước cổ xưa vẫn hữu ích với người dân hiện nay.

Kế hoạch hồi sinh công trình cổ

Khoảng cuối thế kỷ 17, trước khi nước máy ra đời, Hiti vẫn được xem là nguồn nước uống thiết yếu. Sau đó, vai trò quan trọng của chúng dù đã giảm nhưng vẫn cần thiết đối với người dân. Người ta ước tính các Hiti hiện đang phục vụ khoảng 10% dân số ở Thung lũng Kathmandu, nơi tập trung phần lớn các hệ thống cấp nước cổ xưa này.

Thậm chí ngày nay, các Dhunge dharas vẫn không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của cư dân trong nhiều vùng ở Nepal. Chúng được sử dụng cho mục đích tắm rửa và giặt giũ nơi công cộng.

Ngoài ra, chúng còn là nơi thực hiện các nghi lễ tôn giáo, chẳng hạn như rửa ảnh tượng các vị thần. Một số Hiti có ý nghĩa đặc biệt trong các lễ hội, chẳng hạn nước từ Manga Hiti được sử dụng trong nghi lễ thờ cúng hằng ngày tại đền Krishna và đặc biệt được sử dụng cho các nghi lễ Puja trong tháng Kartik. Tương tự, ở Bhaktapur có truyền thống lâu đời là dâng nước từ Sundhara cho nữ thần Taleju.

Một số Hiti cũng được cho là có đặc tính chữa bệnh. Ví dụ, nước từ Sundhara ở Kathmandu được cho là có tác dụng làm giảm viêm khớp, trong khi nước từ Golmadhi Hiti ở Bhaktapur được cho là có hiệu quả chống lại bệnh bướu cổ. Tương tự, nước từ Washa Hiti ở Patan nổi tiếng về hiệu quả chữa nhiều chứng bệnh khác nhau.

Trông coi Hiti truyền thống là các tổ chức cộng đồng địa phương được gọi là Guthis. Tuy nhiên, với sự phát triển của hệ thống nước máy vào khoảng đầu thế kỷ 20, nhiều đài phun nước đã rơi vào tình trạng xuống cấp do bị bỏ bê.

Hơn nữa, các trận động đất thường xuyên đã làm suy sụp các kênh đào, dẫn đến việc nhiều vùng đất bị khô hạn. Sự lấn chiếm các ao hồ, cũng như tầng nước ngầm suy giảm do các giếng tư nhân phát triển vô tội vạ cũng làm trầm trọng thêm sự xuống cấp của các nguồn nước cổ xưa này.

Trong những thập niên gần đây, ngày càng có nhiều phong trào nhằm hồi sinh các đài phun nước cổ xưa. Điều này được thúc đẩy không chỉ bởi mong muốn bảo tồn di sản văn hóa của Nepal, mà còn bởi nhu cầu cấp thiết phải giải quyết tình trạng khan hiếm nước.

Với dân số ngày càng tăng, nhu cầu về nước đã vượt quá khả năng của hệ thống nước máy thành phố. Trong thời kỳ khô hạn, nhiều người dân phải dựa vào các Hiti để đáp ứng nhu cầu nước hằng ngày.

Chỉ riêng ở Thung lũng Kathmandu đã có gần ba trăm Hiti vẫn còn hoạt động. Ngoài ra, một số Hiti cũng được điều chỉnh và sửa đổi để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân địa phương.

Một cách thích ứng phổ biến là kết nối Hiti với hệ thống nước máy của thành phố, cung cấp nguồn nước ổn định hơn. Ngoài ra, các bể chứa cũng được lắp đặt ở một số khu vực để thu thập và trữ lượng nước dư thừa từ các vòi của Hiti, sau đó phân phối cho các cộng đồng xung quanh.

Vào năm 2022, các Dhunge dhara của Thung lũng Kathmandu đã được Quỹ Di tích Thế giới đưa vào danh sách theo dõi và hỗ trợ những người chăm sóc chúng.

Trong văn hóa Nepal, dâng nước cho các vị thần được coi là một hành động mang lại nhiều công đức. Do đó, các vị vua và cộng đồng trong quá khứ đều tích cực tham gia vào việc xây dựng các Dhunge dhara trong xứ sở của họ.Người ta tin rằng, đóng góp vào việc xây dựng các công trình này đều được thần linh ban phước vì tiếp cận nước uống sạch được coi là một trong những điều cần thiết nhất cho cuộc sống con người.


Theo Amusingplanet

Các Sàn forex Uy Tín:

Icmarkets

Exness

IQOption

Deriv

Source link

Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.