Hé lộ mục đích đằng sau
Tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa khiến thế giới chấn động với những ý tưởng gây sốc của mình. Lần này, ông đề xuất di dời toàn bộ 2,3 triệu dân ở Dải Gaza sang các nước láng giềng, đưa vùng đất này nằm dưới sự kiểm soát của Mỹ và biến nó thành “Riviera Trung Đông”.
Nội dung kế hoạch của Tổng thống Trump
Ngày 4/2/2025, trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Trump đã công bố đề xuất di dời toàn bộ người Palestine từ Dải Gaza đến các nước láng giềng như Ai Cập và Jordan. Ông còn cho biết đang xem xét 5 khu vực khác để di dời người dân Gaza đến là Somaliland, Puntland, Morocco, Albania và Indonesia.
Theo ông Trump, Somaliland là vùng lãnh thổ li khai ở Somalia đang tìm kiếm sự công nhận quốc tế về nền độc lập của mình, Puntland là nơi có chế độ bán tự trị ở miền bắc Somalia đang tìm cách ly khai, Morocco là nước đã được Mỹ công nhận chủ quyền đối với Tây Sahara, Albania là nước nghèo ở châu Âu đang cần lực lượng lao động và Indonesia là quốc gia Hồi giáo có quan hệ với Dải Gaza.
Ông tuyên bố: “Mỹ sẽ tiếp quản, sở hữu lâu dài, quản lý và chịu trách nhiệm tái thiết tại Dải Gaza, đồng thời chịu trách nhiệm di dời toàn bộ số bom, mìn chưa nổ và các loại vũ khí nguy hiểm khác khỏi khu vực này. Ông cho biết nơi này có thể trở thành Riviera của Trung Đông (Riviera là tên vùng bờ biển Địa Trung Hải giữa Monaco và Italia, rất đẹp và nổi tiếng về khí hậu tốt), sẽ là nơi sinh sống của mọi người từ khắp nơi trên thế giới.”
Ông Trump cam kết sẽ nỗ lực “cung cấp việc làm và cơ hội nhà ở cho người dân trong khu vực” và không loại trừ khả năng triển khai lực lượng Mỹ để hỗ trợ tái thiết Gaza.
Tổng thống Mỹ cũng tiết lộ, ông đang thảo luận vấn đề công nhận chủ quyền của Israel đối với Bờ Tây, tức là sáp nhập vùng lãnh thổ này của Palestine vào Israel.
![Thế giới dậy sóng vì kế hoạch dời 2,3 triệu dân, tiếp quản Gaza của ông Trump: Hé lộ mục đích đằng sau- Ảnh 1. Thế giới dậy sóng vì kế hoạch dời 2,3 triệu dân, tiếp quản Gaza của ông Trump: Hé lộ mục đích đằng sau- Ảnh 1.](https://cafefcdn.com/203337114487263232/2025/2/7/screenshot-2025-02-07-143732-1738935579565-1738935579972781444485.png)
Phát ngôn của ông Trump về Gaza gây tranh cãi. Ảnh: Reuters
Mục tiêu của ông Trump khi đưa ra kế hoạch Gaza
Đề xuất của Trump là nằm trong chính sách ủng hộ Israel loại bỏ phong trào Hamas khỏi quyền lực, đồng thời tiếp nối “Thoả thuận thế kỷ” được đưa ra trong nhiệm kỳ trước của ông nhằm xóa bỏ quyền tự quyết hợp pháp của người Palestine và bác bỏ giải pháp hai nhà nước.
Đề xuất của Trump về Gaza là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn nhằm củng cố quan hệ giữa Washington và Tel Aviv và là cứu cánh cho sự nghiệp chính trị của ông Netanyahu, vốn đang bị dư luận trong nước Israel và quốc tế phản đối.
Ông Trump là một doanh nhân, mọi đề xuất của ông đều xuất phát từ lợi ích kinh tế. Trong các cuộc trò chuyện công khai và riêng tư trong năm qua, ông đã nhiều lần đề cập đến giá trị của Gaza, nơi có những bãi biển tuyệt vời nằm trên bờ Địa Trung Hải, có thể biến thành một nơi sinh sống và du lịch, một “Riviera của Trung Đông”.
Theo tờ The Wall Street Journal, mùa hè năm 2024, trong cuộc trò chuyện qua điện thoại với Netanyahu, ông Trump đã gọi Dải Gaza là “bất động sản đắt giá” và yêu cầu ông suy nghĩ về những loại hình khách sạn 5 sao có thể được xây dựng tại đó. Không phải ngẫu nhiên, ông Trump nói: ”Lúc đầu là dọn sạch, sau đó là chiếm hữu”. Thủ tướng Israel Netanyahu cũng nói sẽ bàn giao Gaza cho Mỹ.
Con rể của ông Trump, Jared Kushner, đã đưa ra lập luận tương tự vào năm ngoái, gọi khu vực bờ biển Gaza là “cực kỳ có giá trị”.
Kushner là một ông trùm bất động sản được giao nhiệm vụ quản lý tiến trình hòa bình Israel – Palestine trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Trump (2016-2020). Tháng 3/2024, Kushner đã đề xuất Israel nên di dời dân Palestine khỏi Gaza và dọn sạch Dải Gaza và nói: “Đó là một vị trí tuyệt vời, gần biển, thời tiết tốt nhất. Mọi thứ đều tốt, bạn có thể làm một số điều tuyệt vời ở đó. Bất động sản bên bờ Địa Trung Hải của Gaza sẽ rất có giá trị”.
Kushner hiện không còn giữ chức vụ nào trong Nhà Trắng như trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump, nhưng ý kiến của ông về các vấn đề quan trọng, trong đó có vấn đề Trung Đông, vẫn được tôn trọng.
![Thế giới dậy sóng vì kế hoạch dời 2,3 triệu dân, tiếp quản Gaza của ông Trump: Hé lộ mục đích đằng sau- Ảnh 2. Thế giới dậy sóng vì kế hoạch dời 2,3 triệu dân, tiếp quản Gaza của ông Trump: Hé lộ mục đích đằng sau- Ảnh 2.](https://cafefcdn.com/203337114487263232/2025/2/7/screenshot-2025-02-07-143745-1738935580898-1738935581082560807290.png)
Diện tích của Dải Gaza là khoảng 365 km2. km và là nơi sinh sống của khoảng 2,3 triệu người. Ảnh: Reuters
Phản ứng quốc tế
Kế hoạch của Tổng thống Trump đã dấy lên một làn sóng phản ứng dữ dội, không chỉ từ chính quyền và các tổ chức Palestine, các nước ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Palestine mà còn từ các nước đồng minh thân cận nhất của Mỹ, thậm chỉ cả chính giới bên trong nước Mỹ. Dư luận đều cho đây là bước leo thang nguy hiểm, vi phạm nghiêm trọng Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres kêu gọi Tổng thống Trump tránh hành động thanh trừng sắc tộc ở Dải Gaza và trong quá trình tìm kiếm giải pháp không được làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Ông tái khẳng định giải pháp hai nhà nước và giải quyết cuộc xung đôt Israel – Palestine phải dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế và các nghị quyết của LHQ.
Các nước Ả Rập gồm Ai Cập, Jordan, Ả Rập Xê Út, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Qatar, Chính quyền Dân tộc Palestine (PNA) và Liên đoàn Ả Rập (AL), đã ra tuyên bố chung bác bỏ “mọi kế hoạch di dời người Palestine khỏi lãnh thổ của họ ở Gaza và Bờ Tây bị chiếm đóng”.
Ả Rập Xê Út khẳng định việc bình thường hoá quan hệ với Israel chỉ có thể được thực hiện sau khi thành lập một nhà nước Palestine độc lập.
Phong trào Hamas và các tổ chức Palestine khác đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ tuyên bố của Tổng thống Trump về việc di dời người dân Palestine khỏi Dải Gaza, coi kế hoạch này là nhằm “thanh lọc sắc tộc, mang tính phân biệt chủng tộc, thiếu đạo đức và vô nhân đạo”.
Liên minh châu Âu (EU) ra tuyên bố phản đối kế hoạch di dời người dân Gaza của ông Trump, cho rằng Dải Gaza phải là một phần không thể thiếu của nhà nước Palestine trong tương lai. EU cam kết mạnh mẽ với giải pháp hai nhà nước và tin rằng đây là con đường duy nhất dẫn đến hòa bình lâu dài cho cả người Israel và người Palestine.
Chính phủ Tây Ban Nha, Đức, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ireland và nhiều nước khác đã tuyên bố rằng việc cưỡng bức di dời người dân Gaza là vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Anh và Tây Ban Nha nhấn mạnh rằng người Palestine phải được phép ở lại trên đất của họ.
Trong số các đồng minh của Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha đã lến tiếng phản đối mạnh mẽ nhất. Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier nói “bất kỳ giải pháp nào phớt lờ hoặc thậm chí vi phạm luật pháp quốc tế đều không thể chấp nhận được”.
Bộ trưởng Ngoại giao Anh David Lammy cho biết, người Palestine phải được đảm bảo tương lai tại quê hương của họ.
Bộ Ngoại giao Pháp phản đối bất kỳ hành động cưỡng bức di dời người Palestine nào khỏi Gaza, đồng thời khẳng định Paris sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện giải pháp hai nhà nước, coi đây là giải pháp duy nhất có thể đảm bảo hòa bình và an ninh lâu dài cho cả người Israel và người Palestine.
Ngoại trưởng Tây Ban Nha José Manuel Albares cũng bác bỏ đề xuất của Trump. Ông nói: “Gaza là vùng đất của người Palestine, người dân Gaza phải ở lại đó. Gaza là một phần của nhà nước Palestine trong tương lai cùng tồn tại bên cạnh Nhà nước Israel.”
Tại Mỹ, thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Chris Murphy chỉ trích kế hoạch của Tổng thống Trump. Ông Murphy cho rằng “cuộc xâm lược Gaza” của Mỹ sẽ dẫn đến cái chết của hàng nghìn binh lính Mỹ và châm ngòi cho nhiều thập kỷ chiến tranh ở Trung Đông. Kế hoạch này giống như “một trò đùa tệ hại” – nghị sĩ Mỹ nói.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đến từ Nam Carolina Lindsey Graham là người ủng hộ ông Trump, nhưng cũng bày tỏ sự hoài nghi. Ông nói: “Chúng ta sẽ xem những người bạn Ả Rập của chúng ta nói gì về điều này. Tôi nghĩ rằng hầu hết người Nam Carolina không vui mừng khi gửi người Mỹ đến tiếp quản Gaza.
![Thế giới dậy sóng vì kế hoạch dời 2,3 triệu dân, tiếp quản Gaza của ông Trump: Hé lộ mục đích đằng sau- Ảnh 3. Thế giới dậy sóng vì kế hoạch dời 2,3 triệu dân, tiếp quản Gaza của ông Trump: Hé lộ mục đích đằng sau- Ảnh 3.](https://cafefcdn.com/203337114487263232/2025/2/7/screenshot-2025-02-07-144014-1738935581626-1738935581765447014588.png)
Ông Trump thể hiện sự ủng hộ với chính quyền cực hữu hiện nay ở Israel. Ảnh: Reuters
Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Chris Van Hollen cho đề xuất của ông Trump đẩy hơn hai triệu người Palestine ra khỏi Gaza thực chất là một cuộc thanh trừng sắc tộc dưới một cái tên khác.
Thượng nghị sĩ bang Missouri Josh Hawley, thượng nghị sĩ John Hoeven của Bắc Dakota, thượng nghị sĩ Rand Paul của Kentucky, đều cho rằng đề xuất của ông Trump không phục vụ nước Mỹ, các khoản tiền lớn dành cho Gaza nên được chi dể giải quyết các vấn đề của nước Mỹ.
Dư luận Israel cũng không ủng hộ kế hoạch của Tổng thống Trump. Tờ The Times of Israel cho rằng, kế hoạch Gaza của ông Trump sẽ không đem lại hiệu quả và không chấm dứt được chiến tranh với Hamas.
Chuyên gia quân sự Israel David Gendelman tin rằng tuyên bố của ông Trump về việc di dời người dân Gaza nên được chia thành lời nói và hành động.
Người đứng đầu Cục tình báo quân sự Israel, Thiếu tướng Shlomi Bender, đã cảnh báo về hậu quả của kế hoạch Gaza của Tổng thống Trump. Ông nói, nó có thể khiến khu vực này bùng nổ.
Kênh 13 của Israel cho biết thêm rằng các nhà lãnh đạo quân sự cấp cao Israel đang lo ngại về hậu quả của kế hoạch này.
Thành viên đảng Yesh Atid, ông Ram Ben Barak lo ngại rằng một tuyên bố vội vàng có thể làm giảm cơ hội thực hiện thoả thuận ngừng bắn và giải thoát con tin với Hamas.
Kế hoạch của ông Trump khó thành công
Kế hoạch của ông Trump về việc trục xuất người dân Gaza sang các nước láng giềng được đưa ra ngay sau khi ông trở lại Nhà Trắng lần thứ hai, hoàn toàn giống với kế hoạch trục xuất người Palestine ở Gaza của Thủ tướng Israel B. Netanyahu được các nhân vật cực hữu trong chính quyền của ông ủng hộ.
Kế hoạch này của ông Trump thiếu sự ủng hộ của người Palestine và quốc tế, đặc biệt là Ai Cập và Jordan là hai nước được đề xuất tiếp nhận người dân Gaza đã bác bỏ, Hamas, người quản lý hợp pháp Gaza và phần lớn người dân Gaza quyết bám trụ ở lại. Hơn nữa, kế hoạch của Trump cũng vi phạm luật pháp quốc tế.
Jeremy Bowen, biên tập viên quốc tế của BBC, chuyên gia về Trung Đông viết: “Kế hoạch Gaza của ông Trump sẽ không thành hiện thực và sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho Trung Đông. Điều này đòi hỏi sự hợp tác với các quốc gia Ả Rập, nhưng họ đã từ chối kế hoạch này. Các đồng minh phương Tây của Mỹ và Israel cũng phản đối ý tưởng này.
Tờ The Times của Anh viết, kế hoạch của ông Trump là hoàn toàn không thực tế, vì các nước như Ai Cập và Jordan đã kiên quyết bác bỏ ý tưởng này, Ả Rập Saudi cũng khẳng định lại rằng họ sẽ không bình thường hóa quan hệ với Israel
Việc Thủ tướng Netanyahu, người đang bị toà án hình sự quốc tế (ICC) ban hành lệnh bắt giữ với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người ở Gaza, là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên được Tổng thống Trump mời đến Nhà Trắng để đưa ra kế hoạch này ngay sau khi ông trở lại nắm quyền thể hiện sự thiên vị hoàn toàn đối với chính quyền cực hữu hiện nay ở Israel, thách thức chính quyền Palestine, các nước Ả Rập và dư luận quốc tế.
Mặt khác, kế hoạch này được đưa ra trong khi gần 1 triệu người Palestine đang trở về nhà của họ ở Gaza theo thoả thuận ngừng bắn do Mỹ là một bên trung gian, hoà giải là mâu thuẫn với chính các cố gắng của Mỹ nhằm giải quyết cuộc xung đột Israel – Hamas.
Đề xuất này là nhằm làm sống lại “Thoả thuận thế kỷ” của ông Trump đưa ra trong trong nhiệm kỳ đầu tiên (2017-2021) nhằm xoá bỏ vấn đề Palestine. Bất chấp dư luận quốc tế và các nghị quyết của LHQ, ông Trump đã công nhận Jerusalem là thủ đô vĩnh viễn của Israel (2017) và cao nguyên Golan của Syria là lãnh thổ của Israel (2019).
Cùng với việc đưa ra kế hoạch này, quyết định của Tổng thống Trump ngừng viện trợ cho Cơ quan cứu trợ và việc làm cho người Palestine của LHQ (UNRWA), Washington tuyên bố sẽ tăng cường cung cấp vũ khí cho Israel và đang thảo luận việc ủng hộ Israel sáp nhập Bờ Tây, thể hiện sự ủng hộ tuyệt đối với Tel Aviv, đưa cuộc xung đột vào bế tắc, gây căng thẳng và bất ổn tại Trung Đông. Kế hoạch này chắc chắn sẽ không thực hiện được giống như “Thoả thuận thế kỷ” trước đây của ông Trump.
Diện tích của Dải Gaza là khoảng 365 km2. km và là nơi sinh sống của khoảng 2,3 triệu người, khiến vùng đất của Palestine này trở thành một trong những nơi đông dân nhất trên hành tinh. Theo thông tin từ Bộ Y tế Palestine, kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu, hơn 47.000 người Dải Gaza đã thiệt mạng và gần 112.000 người bị thương, 12.000 người còn đang nằm dưới đống đổ nát. Theo Liên Hợp Quốc, 91% nhà ở tại Gaza đã bị phá hủy hoặc hư hại nghiêm trọng và gần 1,9 triệu người phải di dời. Cuộc xung đột cũng phá hủy 80% các tòa nhà thương mại, 75% đất nông nghiệp, và 72% tàu cá. Ngoài ra, 1,95 triệu người Palestine ở Gaza đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng.
Các Sàn forex Uy Tín:
Icmarkets
Exness
IQOption
Deriv
Source link
Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.