Hạ tầng giao thông TP.HCM ‘oằn mình’ trước nhu cầu phát triển đô thị
Nhiều tuyến đường oằn mình
Thời gian qua, TP.HCM cùng một số địa phương lân cận đã triển khai nhiều dự án nhằm nâng cao khả năng liên kết vùng. Những dự án này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế của các đô thị.
Quá trình phát triển đô thị tại TP.HCM ghi nhận mức tăng trưởng cực nhanh. Tuy nhiên, tốc độ phát triển hạ tầng giao thông của thành phố đang chưa đáp ứng kịp thời. Các tuyến đường, cửa ngõ của thành phố luôn đặt trong tình trạng quá tải trong giờ cao điểm. Thậm chí nhiều tuyến đường nội đô luôn xảy ra xung đột giao thông dù không phải trong giờ cao điểm.
Ghi nhận Nhadautu.vn cho thấy, như tại khu Đông TP.HCM, vào giờ cao điểm, các phương tiện tham gia giao thông phải di chuyển khó khăn trên tuyến Võ Nguyên Giáp, cầu Rạch Chiếc vào trung tâm thành phố. Tương tự là những tuyến đường nằm trên địa bàn TP. Thủ Đức như Võ Văn Ngân, Nguyễn Trinh, Đỗ Xuân Hợp, Lê Văn Việt…
Tương tự là câu chuyện ở khu Nam, các tuyến đường như Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Văn Linh (quận 7), Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè)… cũng đang oằn mình do ngày càng nhiều cao ốc, chung cư đua nhau mọc lên.
Hay như tại quận Bình Thạnh, các tuyến đường như Ung Văn Khiêm, Xô Viết Nghệ Tĩnh… cũng đặt trong tình trạng báo động. Còn đường Trường Chinh đoạn qua quận Tân Bình cùng với các tuyến giao thông của khu vực này là nỗi ám ảnh với nhiều người, tình trạng kẹt xe xảy trong nhiều năm qua vì đường nhỏ hẹp, trong khi lưu lượng lại rất đông.
TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao dịch vụ tư vấn đầu tư Savills Việt Nam đánh giá, nhiều dự án hạ tầng giao thông nội đô và dự án mang tính liên kết vùng đang được TP.HCM tích cực đầu tư. Dự án tiêu biểu được thực hiện nhằm cải thiện giao thông trong thành phố là tuyến Metro số 1 dự kiến được đưa vào vận hành thương mại vào tháng 7/2024.
Metro số 1 được kỳ vọng nhằm cải thiện tình hình kẹt xe và ùn tắc giao thông trong thành phố, từ đó hỗ trợ hoạt động kinh tế, thương mại và chất lượng cuộc sống của người dân tại các khu vực có tuyến metro đi qua. Các tuyến tàu điện ngầm đang được xây dựng và nằm trong kế hoạch phát triển sẽ giúp liên kết các khu vực trong thành phố cũng như với các tỉnh lân cận.
Tuy nhiên, tuyến metro nội đô cũng không thể giải quyết được toàn bộ các vấn đề về giao thông của TP.HCM, thành phố cũng cần lưu ý đẩy mạnh thêm các dự án hỗ trợ về thương mại, logistic.
Nhìn từ câu chuyện sản xuất, thương mại và logistics, chuyên gia Savills Việt Nam nhận định, từ trước đến nay, việc kết nối giữa TP.HCM và các tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long thuộc các tỉnh Đông Nam Bộ chủ yếu dựa vào những con đường độc đạo, đường quốc lộ truyền thống và thường xuyên trong tình trạng quá tải.
Tương lai, nhờ dự án đường Vành đai 3, 4 việc vận chuyển hàng hóa liên vùng sẽ diễn ra thuận tiện hơn, từ đó thu hút các nhà đầu tư, kéo theo nhu cầu về thuê mua bất động sản khu công nghiệp như trung tâm dữ liệu, kho lạnh… và nhu cầu thuê văn phòng. Cùng với đó, sân bay Long Thành sẽ trở thành điểm trung chuyển cho 2 tuyến đường vành đai này. Sự kết hợp giữa các công trình giao thông sẽ rút ngắn thời gian cũng như tiết kiệm chi phí, từ đó thúc đẩy vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam đi các nước trong khu vực.
Về lâu dài, TS Khương cho rằng, TP.HCM và Chính phủ cần chú trọng đến việc phát hệ thống đường sắt trong giai đoạn từ nay đến 2050 để tăng sự lựa chọn vận chuyển hàng hóa, giảm bớt áp lực cho cơ sở hạ tầng đường bộ, đường thủy, đường không.
Thiếu vốn nhiều dự án chưa thể triển khai
Do nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 hạn hẹp (57.200 tỷ đồng), cùng với vướng mắc trong thu hút đầu tư tư nhân theo hình thức PPP, nên nhiều dự án giao thông trọng điểm ở TP.HCM dù đã nằm trong quy hoạch hoặc đã triển khai nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa thể hoàn thành.
Đơn cử như mở rộng QL13 ở cửa ngõ Đông Bắc (đoạn từ cầu Bình Triệu đến ranh Bình Dương) dài 5,8 km, mở rộng mặt đường từ 19 m lên 40-60 m, tổng mức đầu tư gần 12.200 tỷ đồng. Ở địa phận Bình Dương, tuyến đường được đầu tư mở rộng với 8 làn xe, khang trang thì đoạn thuộc địa phận TP.HCM lại luôn trong tình trạng ùn tắc kéo dài.
Trước đây, dự án thuộc dự án BOT cầu đường Bình Triệu 2, hình thành từ năm 2001. Công trình lúc đó đầu tư theo hình thức BOT do Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5) làm chủ đầu tư. Sau khi chấm dứt với chủ đầu tư này, năm 2004, dự án được Chính phủ giao lại UBND TP.HCM.
Năm 2018, tưởng như dự án này được tái khởi động khi UBND TP.HCM ký hợp đồng BOT với CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII). Song, do năm 2017, Quốc hội yêu cầu tạm dừng hình thức BOT trên đường hiện hữu nên dự án phải chuyển sang sử dụng ngân sách. Đến nay, dự án này vẫn chưa thể thực hiện.
Tương tự, ở cửa ngõ phía Tây là dự án QL1 (đoạn từ An Lạc đến ranh Long An) kế hoạch mở rộng từ 19 m lên 52 m, tổng vốn gần 12.900 tỷ đồng. Tại cửa ngõ Tây Bắc, QL22 (ngã tư An Sương đến Vành đai 3) mở rộng gần 40 m, xây 2 cầu vượt, kinh phí khoảng 1.200 tỷ đồng.
Xây hoàn chỉnh và kéo dài trục Đông – Tây về phía Nam, nối ra Vành đai 3, dài 9,7 km, tổng vốn 13.837 tỷ đồng; trục Bắc – Nam, đường Âu Cơ – khu công nghiệp Hiệp Phước, dài gần 27 km, mở rộng lên 40-60 m, tổng vốn 54.200 tỷ đồng; đường song song QL50, dài 5,8 km, rộng 40 m, kinh phí dự kiến hơn 3.800 tỷ đồng.
Trong khi đó, đường Vành đai 2 cũng chưa thể khép kín, còn khoảng 14 km chưa hoàn thành và chia làm 4 đoạn.
Hồi giữa tháng 9, Sở GTVT TP.HCM kiến nghị đối với đoạn 4 của Vành đai 2 đi qua khu Nam được khái toán chi phí đầu tư khoảng 16.400 tỷ đồng. Sở đề xuất chia tuyến này thành 2 giai đoạn đầu tư.
Theo đó, từ nay đến năm 2027 sẽ làm trước đoạn từ đường Võ Văn Kiệt đến Nguyễn Văn Linh, dài 3,4 km, kinh phí gần 9.000 tỷ đồng. Phần đền bù, giải tỏa cho đoạn này chiếm hơn 7.000 tỷ và xây cầu Phù Định, Ba Tơ, cầu vượt trên tuyến Nguyễn Văn Linh; đường song hành.
Khoảng gần 2 km còn lại của đoạn 4, từ QL1 đến đường Võ Văn Kiệt, Sở GTVT đề xuất thực hiện trong giai đoạn 2026-2030 với tổng mức đầu tư khoảng 7.445 tỷ đồng.
Để đẩy nhanh tiến độ triển khai, Sở GTVT đề xuất TP.HCM cân đối vốn ngân sách bố trí cho giai đoạn đầu dự án. Trường hợp đầu tư công khó khăn sẽ kiến nghị huy động vốn bên ngoài, bao gồm cả việc nghiên cứu đầu tư bằng hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao) theo cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98.
Còn 3 đoạn còn lại của đường Vành đai 2 đều ở TP. Thủ Đức. Trong đó, đoạn 3 dài 2,7 km từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa triển khai theo hình thức BT vẫn còn dang dở. Đoạn 1, 2 tổng chiều dài khoảng 6 km, kết nối từ cầu Phú Hữu đến đường Phạm Văn Đồng chưa được đầu tư.
Ngoài ra, tại TP.HCM còn nhiều công trình giao thông cấp bách, cần triển khai thực hiện ngay nhưng chưa bố trí được nguồn vốn. Với Nghị quyết 98 của Quốc hội về cơ chế đặc thù cho TP.HCM, ngành GTVT thành phố kỳ vọng các dự án vướng mắc sẽ sớm được triển khai.
Các Sàn forex Uy Tín:
Icmarkets
Exness
IQOption
Deriv
Source link
Comments are closed.