Gỡ vướng trong xuất hóa đơn từng lần bán xăng dầu
Theo Luật Quản lý thuế, từ tháng 7-2022, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải xuất hóa đơn điện tử (HĐĐT) cho khách hàng sau từng lần bán. Tuy nhiên đến nay, chỉ 2 doanh nghiệp (DN) là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và Công ty TNHH MTV Dầu khí TP HCM thực hiện với trên 2.700 cửa hàng (chiếm 16% cả nước). Nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu khác cho rằng quy định trên khiến DN phải tốn kém chi phí đầu tư thiết bị, máy móc,… trong khi có thể người tiêu dùng không yêu cầu xuất hóa đơn, dẫn đến lãng phí.
DN lo tốn kém, lãng phí
Bộ Tài chính vừa có công văn đề nghị chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phối hợp với cơ quan thuế địa phương thành lập đoàn kiểm tra liên ngành làm việc với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu để nắm bắt thực trạng đáp ứng việc triển khai HĐĐT theo từng lần bán hàng. Bên cạnh đó, có các giải pháp đồng bộ để các cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu phát hành HĐĐT sau từng lần bán hàng, xử lý nghiêm theo quy định trường hợp không thực hiện.
Theo khảo sát của phóng viên Báo Người Lao Động, một số cây xăng trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, quận Bắc Từ Liêm, huyện Hoài Đức (TP Hà Nội) chưa triển khai việc xuất HĐĐT từng lần bán xăng dầu. Trong khi đó, khách hàng cũng thờ ơ với quy định này.
Khi được hỏi về nhu cầu xuất hóa đơn trong từng lần mua xăng, anh Nguyễn Mạnh Hải (trú quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) cho biết chưa có thói quen này. Tuy nhiên, anh Hải ủng hộ quy định trên và cho rằng cần có thời gian tuyên truyền để người dân nắm bắt được thông tin, thay đổi thói quen khi mua xăng dầu và coi việc xuất HĐĐT là “rất bình thường”.
Về phía DN xăng dầu, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Hải Âu Phát, cho biết đặc thù kinh doanh bán lẻ xăng dầu là bán trực tiếp cho người dân sử dụng, trong đó có nhiều người không có nhu cầu lấy hóa đơn. Việc xuất HĐĐT ngay sau mỗi lần bán chỉ phục vụ tốt cho một số ít khách hàng có kinh doanh, cần hóa đơn xăng dầu để quyết toán vào chi phí vận hành DN.
Ông Thắng cũng nhấn mạnh yêu cầu xuất HĐĐT xăng dầu sau mỗi lần bán là điều khó thực hiện trong giai đoạn hiện nay. Bởi thói quen tiêu dùng xăng dầu phần lớn thanh toán bằng tiền mặt. “Có số lượng lớn khách hàng dùng tiền mặt và không có nhu cầu hóa đơn. Nếu buộc phải xuất HĐĐT đúng quy chuẩn phải có thông tin khách hàng, dẫn đến ảnh hưởng thời gian của khách hàng, công sức và tiền của DN” – ông Thắng bày tỏ.
Bà Nguyễn Thị Sinh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Xăng dầu Chiến Thắng, cũng băn khoăn về chi phí DN phải bỏ ra để đầu tư việc xuất HĐĐT, trong khi DN bán lẻ xăng dầu đang đối mặt với nhiều khó khăn. “Ở nhiều địa bàn, người dân chưa quan tâm đến việc xuất HĐĐT, nên khi đầu tư hệ thống có thể sẽ lãng phí” – bà Sinh lo ngại.
Cần tạo thói quen “lấy hóa đơn”
Liên quan đến việc xuất HĐĐT trong từng lần bán xăng dầu, thời gian qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã liên tiếp có công điện yêu cầu các bộ ngành, địa phương theo dõi, đôn đốc việc triển khai. Gần nhất, Thủ tướng yêu cầu các cây xăng phải xuất HĐĐT từng lần bán và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế ngay trong tháng 12-2023.
Hiện nay, lo ngại lớn nhất của DN là chi phí đầu tư và chi phí mỗi lần xuất hóa đơn bán xăng dầu. Tuy nhiên, ông Mai Xuân Thành, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho biết qua rà soát, hóa đơn xuất ra cũng chỉ mất chi phí khoảng 40-60 đồng/hóa đơn. Mặt khác, một số đơn vị cung cấp kỹ thuật đã khảo sát và thông báo mức chi phí đầu tư thấp, không phải cao tới mức 400-600 triệu đồng hay 1 tỉ đồng như thông tin xuất hiện thời gian qua.
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nhìn nhận những lo ngại của DN về vấn đề chi phí đầu tư là có cơ sở trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Theo ông Doanh, việc đẩy mạnh số hóa góp phần tăng cường minh bạch trong công tác quản lý thuế là rất cần thiết, trong đó có lĩnh vực xăng dầu. Do đó, có thể xem xét giải pháp tổng thể hỗ trợ DN về chi phí đầu tư ban đầu (thiết bị, phần mềm, kết nối hệ thống) và tìm giải pháp tối ưu nhất để tạo điều kiện thuận lợi cho DN thực hiện.
“Quan trọng là tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu, nắm rõ về ý nghĩa của HĐĐT khi mua xăng dầu, để việc yêu cầu bên bán xuất hóa đơn trở thành thói quen khi mua hàng” – ông Doanh nhấn mạnh.
Về phía cơ quan thuế địa phương, ông Vũ Mạnh Cường, Cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội, cho biết cơ quan này đã ghi nhận các vướng mắc của DN xăng dầu trong quá trình triển khai để phối hợp tháo gỡ. Từ kinh nghiệm của các DN đã triển khai thành công, cơ quan thuế sẽ chia sẻ và đề nghị các đơn vị cung cấp giải pháp HĐĐT tư vấn để các DN bán lẻ xăng dầu lựa chọn được phương án tối ưu, phù hợp nhất.
Theo thống kê sơ bộ của Cục Thuế TP Hà Nội, đến cuối tháng 11-2023, có 150/450 cửa hàng xăng dầu trên địa bàn đã phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng.
Đề xuất giải pháp tối ưu
Ông Nguyễn Xuân Thắng đề xuất giải pháp cung cấp HĐĐT vừa tiết kiệm chi phí và thuận lợi cho DN và khách hàng như sau:
Khách sau khi mua hàng sẽ được cấp 1 mã bơm (mã mua hàng) là dãy số hoặc mã barcode (mã vạch). Các thông số này được kết nối chuyển đến cơ sở dữ liệu của Tổng cục Thuế.
Mã bơm này chỉ có giá trị đến 24 giờ cùng ngày khởi tạo. Khách hàng sẽ đến thiết bị trang bị tại cửa hàng xăng dầu để quét mã bơm, nhập mã số thuế và khởi tạo HĐĐT. Hoặc khách hàng có thể sử dụng ứng dụng hoặc website để tự thực hiện việc yêu cầu xuất hóa đơn điện tử lúc có thời gian rỗi trong ngày.
Riêng các mã bơm không cung cấp thông tin khách hàng sẽ tự động được lưu trữ và kết xuất vào 1 hóa đơn bán lẻ cuối ngày.
Để thực hiện mô hình này, cần tiêu chuẩn dữ liệu và phần mềm xuất HĐĐT liên thông từ cơ quan thuế.
Trong khi đó, đại diện Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng giải pháp tối ưu đối với DN kinh doanh xăng dầu là triển khai áp dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế.
Cửa háng bán xăng dầu có thể xuất HĐĐT ngay cho người mua xăng bất cứ thời điểm nào do hóa đơn in ra từ máy tính tiền. Việc này cũng thuận lợi cho DN khi tại một cây xăng có thể thiết lập nhiều máy tính tiền để xuất HĐĐT cho khách.
Các Sàn forex Uy Tín:
Icmarkets
Exness
IQOption
Deriv
Source link
Comments are closed.