Giải mã dự luật cắt thuế khổng lồ của ông Trump: Ai hưởng lợi, ai chịu thiệt?

Giải mã dự luật cắt thuế khổng lồ của ông Trump: Ai hưởng lợi, ai chịu thiệt?

Gói biện pháp này dự kiến cắt giảm thuế lên tới 4,500 tỷ USD trong vòng 10 năm, đồng thời mạnh tay cắt giảm chi tiêu phúc lợi xã hội và trợ cấp cho năng lượng xanh.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tiến gần đến mục tiêu thúc đẩy Quốc hội thông qua gói cắt giảm thuế trị giá 4,500 tỷ USD, vốn cũng bao gồm việc cắt giảm chi tiêu y tế và làm gia tăng khoản vay nợ của chính phủ.

Dự luật đã được Thượng viện thông qua vào ngày 01/07 vừa qua sau khi Phó Tổng thống JD Vance bỏ phiếu quyết định phá vỡ thế cân bằng. Hiện tại, dự luật cần được Hạ viện phê chuẩn, nơi phiên bản trước đó chỉ được thông qua với cách biệt một phiếu, trước khi ông Trump có thể ký ban hành thành luật.

Dự luật đã vấp phải sự phản đối từ các Nghị sĩ Cộng hòa theo đường lối cứng rắn và cả tỷ phú Elon Musk do lo ngại làm tăng vay nợ Chính phủ. Tuy nhiên, Nhà Trắng khẳng định rằng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ sẽ giúp kiểm soát nợ công hiệu quả.

Dự luật cũng vấp phải nhiều chỉ trích vì tạo ra những tác động bất lợi đối với hộ gia đình, khi phần lớn lợi ích lại tập trung vào nhóm người Mỹ có thu nhập cao.

Vậy đâu là những điểm nổi bật trong “Dự luật lớn tuyệt đẹp” và tác động vĩ mô của nó sẽ ra sao?

Cắt giảm thuế quy mô lớn

Dự luật sẽ tiếp tục gia hạn các biện pháp cắt giảm thuế từng được ban hành trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump vào năm 2017, vốn dự kiến sẽ hết hiệu lực vào cuối năm nay. Đồng thời, dự luật cũng hiện thực hóa cam kết tranh cử của ông Trump về việc miễn thuế đối với tiền boa và tiền làm thêm giờ.

Tổng cộng, dự luật này dự kiến cắt giảm khoảng 4,500 tỷ USD thuế ròng, chỉ được bù đắp một phần bằng các khoản tiết kiệm, theo đánh giá của Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO).

Theo phân tích của Phòng Nghiên cứu Ngân sách Yale, gói biện pháp này có tác động bất lợi đến thu nhập của các hộ gia đình, bởi một phần nguồn bù đắp cho việc giảm thuế lại đến từ việc cắt giảm chi tiêu y tế và chương trình hỗ trợ thực phẩm dành cho 40 triệu người Mỹ thu nhập thấp.

Phân tích của Phòng Nghiên cứu Ngân sách Yale cho thấy các thay đổi về thuế kết hợp với việc cắt giảm phúc lợi dự kiến sẽ khiến thu nhập sau thuế của 20% người Mỹ nghèo nhất giảm 2.3%, tương đương 560 USD. Ngược lại, nhóm 1% giàu nhất sẽ chứng kiến thu nhập tăng 2.1%, tức khoảng 32,265 USD.

CBO dự báo, dự luật này sẽ làm nợ quốc gia tăng thêm hơn 3,300 tỷ USD đến năm tài khóa 2034.

Tổ chức Ủy ban Ngân sách Liên bang Trách nhiệm cũng dự đoán tỷ lệ nợ công trên GDP sẽ chạm mốc 130% trong cùng giai đoạn. Tiền lãi vay của Chính phủ, vốn đã gần cán mốc 1,000 tỷ USD trong năm nay, có thể vượt 1,900 tỷ USD vào năm 2034 nếu các biện pháp trong dự luật duy trì lâu dài.

Tác động kinh tế

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent đánh giá cao mục tiêu giữ thâm hụt ngân sách ở mức 3% GDP. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng dự luật sẽ đẩy thâm hụt ngân sách trung bình lên tới 7% mỗi năm.

Một phần thâm hụt có thể được bù đắp bằng nguồn thu từ thuế quan tăng lên, song quy mô nguồn thu này vẫn còn nhiều bất ổn do chính sách thương mại của ông Trump thường xuyên thay đổi. Dự luật cũng nâng trần nợ công của Chính phủ thêm 5,000 tỷ USD.

Việc thâm hụt ngân sách lớn xuất hiện trong bối cảnh thị trường lao động gần như toàn dụng và lạm phát vẫn ở mức cao sẽ khiến tác động kích thích kinh tế từ dự luật này gây khó khăn cho Cục Dự trữ Liên bang (Fed), nhất là khi Fed đang chịu sức ép lớn từ ông Trump về việc hạ lãi suất.

Ông Neil Shearing, kinh tế trưởng của Capital Economics, nhận định mức thâm hụt như vậy chỉ hợp lý sau khủng hoảng tài chính khi nhu cầu sụt giảm mạnh, còn ở thời điểm hiện tại thì đây là một chính sách tài khóa yếu kém.

Một số nhà đầu tư cảnh báo thâm hụt và nợ công gia tăng có thể làm giảm sức hấp dẫn của tài sản Mỹ. Dù đồng USD đang suy yếu, thị trường trái phiếu vẫn chưa bộc lộ dấu hiệu lo ngại trước khả năng Chính phủ tiếp tục vay nợ tăng thêm.

Theo ông Innes McFee – Giám đốc bộ phận vĩ mô của Oxford Economics, thâm hụt ngân sách có thể vẫn duy trì được trong ngắn hạn nhờ vị thế “trú ẩn an toàn” của đồng USD. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng chi tiêu an sinh xã hội ngày càng tăng sẽ trở thành gánh nặng lớn vào những năm 2030. “Ngày càng rõ ràng là con tàu đang đi sai hướng”, ông nói.

Cắt giảm chi tiêu y tế

Tác động của dự luật đối với chi tiêu y tế đang gây tranh cãi dữ dội, khi một số Nghị sĩ Cộng hòa phản đối quy mô cắt giảm chưa từng có tiền lệ.

Theo ước tính mới nhất từ CBO, dự luật sẽ cắt giảm hơn 1,100 tỷ USD chi tiêu y tế trong thập kỷ tới và làm tăng số người không có bảo hiểm thêm 11.8 triệu người vào năm 2034. Phần lớn khoản tiết kiệm đến từ việc cắt giảm kỷ lục chương trình Medicaid – chương trình bảo hiểm y tế dành cho người thu nhập thấp.

Dự luật cũng sẽ thu hẹp đối tượng đủ điều kiện nhận Medicaid bằng cách yêu cầu phần lớn người thụ hưởng phải chứng minh làm việc đủ 80 giờ mỗi tháng, đồng thời giảm hỗ trợ liên bang cho chi tiêu y tế của các bang.

Thượng nghị sĩ Bắc Carolina Thom Tillis, một thành viên Cộng hòa, lên tiếng phản đối dự luật, cho rằng các biện pháp này đi ngược lại cam kết tranh cử của Tổng thống Trump về việc không động đến Medicaid. “Không thể phủ nhận rằng dự luật này sẽ phản bội lời hứa của Donald Trump”, ông Tillis nhấn mạnh.

Bơm tiền cho quân đội và an ninh biên giới

Dù chi tiêu ở nhiều lĩnh vực bị cắt giảm, ngân sách dành cho quốc phòng và an ninh biên giới lại được tăng mạnh.

Trong vòng 10 năm tới, quân đội Mỹ sẽ được bổ sung khoảng 150 tỷ USD, bao gồm 23 tỷ USD để xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa “Mái vòm Vàng” do Tổng thống đề xuất và 28 tỷ USD cho đóng mới tàu, tập trung vào các loại tàu không người lái.

Thượng Nghị sĩ Cộng hòa Roger Wicker, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ, đánh giá đây là “khoản đầu tư mang tính bước ngoặt cho quá trình hiện đại hóa quân đội và tăng cường năng lực phòng thủ”, đồng thời khẳng định đây là “bước nâng cấp mang tính thế hệ cho an ninh quốc gia”.

Bên cạnh đó, 129 tỷ USD sẽ được phân bổ cho an ninh nội địa, trong bối cảnh khẩu hiệu chống nhập cư và cam kết mạnh tay trấn áp người nhập cư của ông Trump đã góp phần giúp ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11. Khoản ngân sách này bao gồm 45 tỷ USD xây dựng tường biên giới và một khoản tương đương dành cho các cơ sở giam giữ.

Siết chặt năng lượng xanh

Ngành năng lượng tái tạo sẽ chịu tác động mạnh khi nhiều khoản trợ cấp hào phóng dưới thời Tổng thống Joe Biden theo Đạo luật Giảm lạm phát bị cắt giảm đáng kể.

Các dự án điện gió và điện mặt trời buộc phải hoàn thành trước cuối năm 2027 mới đủ điều kiện nhận ưu đãi thuế theo chính sách của ông Biden, khiến các nhà phát triển không khỏi lo ngại và lên tiếng cảnh báo gay gắt.

Nhiều Nghị sĩ Cộng hòa từ lâu đã kêu gọi xóa bỏ trợ cấp cho năng lượng sạch, tuy nhiên, một số đại diện các khu vực hưởng lợi từ các dự án năng lượng tái tạo lại phản đối. Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các dự án điện gió, điện mặt trời đã được loại bỏ khỏi dự luật vào phút chót nhằm xoa dịu các thượng nghị sĩ còn lưỡng lự.

Các hiệp hội ngành năng lượng xanh đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ dự luật. “Bất chấp một số cải thiện hạn chế, dự luật này đang phá hoại nền tảng của sự phục hồi sản xuất tại Mỹ cũng như vị thế dẫn đầu toàn cầu về năng lượng”, Hiệp hội Ngành Công nghiệp Năng lượng Mặt trời Mỹ nhấn mạnh.

Quốc An (Theo FT)

FILI

– 14:57 02/07/2025


Các Sàn forex Uy Tín:

Icmarkets

Exness

Source link

Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.