Gia tộc Schroders và cuộc chiến giữ vững bản sắc

Gia tộc Schroders và cuộc chiến giữ vững bản sắc

Ban lãnh đạo Schroders, từ thế hệ cũ đến những người mới, vẫn kiên định với mục tiêu tự mình đối đầu các ông lớn ngành quản lý quỹ, bất chấp sự chênh lệch rõ rệt về quy mô.

Theo nhận định của Philip Augar, cựu lãnh đạo cấp cao của Schroders, đồng thời là tác giả cuốn “Cái chết của chủ nghĩa tư bản quý tộc” (The Death of Gentlemanly Capitalism) viết về các ngân hàng thương mại Anh nhận đinh: “Quản lý tài sản không đòi hỏi nhiều vốn như ngân hàng đầu tư, vì vậy các công ty quản lý tài sản độc lập vẫn có thể tồn tại và phát triển, bất kể quy mô ra sao”.

Một cựu lãnh đạo cấp cao khác của Schroders, người từng gắn bó với công ty sau thương vụ bán ngân hàng, cũng thẳng thắn bác bỏ ý tưởng rút lui, cho rằng nhu cầu về những lựa chọn đầu tư rủi ro cao, lợi nhuận hấp dẫn để thay thế các quỹ chỉ số vẫn còn rất lớn.

Hiện tại, hơn một nửa tổng tài sản của Schroders được phân bổ vào mảng thị trường công khai, và các quỹ của họ vẫn giữ được thành tích khá ổn định. Tuy nhiên, gần đây tỷ lệ tài sản vượt chuẩn tham chiếu trong 3 năm liên tiếp đã giảm xuống dưới mục tiêu tối thiểu 60%, một phần do tác động kéo dài từ cuộc xung đột tại Ukraine và cú sốc lạm phát đầu năm 2022.

Hiệu suất các quỹ Schroders suy giảm




Nguồn: Báo cáo thường niên 2024 của công ty

Oldfield thẳng thắn chia sẻ tại sự kiện Funds Congress ở London hồi tháng 2, một trong những lần xuất hiện công khai đầu tiên trên cương vị CEO: “Tôi thật sự không có phương án B nào ngoài việc tiếp tục là nhà quản lý tài sản chủ động”. Ông cũng bày tỏ sự không hài lòng khi ngành quỹ ngày càng rơi vào lối tư duy cực đoan giữa “thụ động đối đầu chủ động”, trong khi theo ông, một danh mục đầu tư hiệu quả cần sự kết hợp hài hòa của cả hai trường phái.

Vị CEO 54 tuổi này đã không ngừng đi khắp các thị trường lớn để thuyết phục nhà đầu tư về chiến lược phát triển mới mà ông công bố hồi tháng 3, trong đó cam kết cắt giảm 150 triệu bảng chi phí thường niên. Oldfield cũng mạnh tay tinh giản bộ máy lãnh đạo, giảm từ 22 xuống còn 9 thành viên, đồng thời chiêu mộ một cựu lãnh đạo ngân hàng tư nhân của JPMorgan Chase & Co. để dẫn dắt mảng tài sản cá nhân của Schroders.




Richard Oldfield Nguồn: Schroders Plc

Trong các cuộc gặp gỡ cổ đông, Oldfield nhấn mạnh kế hoạch của mình không phải là cuộc cách mạng, mà là nỗ lực đưa công ty trở lại quỹ đạo tăng trưởng lợi nhuận bền vững. Tuy nhiên, đợt tăng giá cổ phiếu ban đầu đã nhanh chóng bị xóa sạch khi xuất hiện nghi ngại về khả năng cắt giảm chi phí mà không làm mất lòng khách hàng, cộng thêm cú sốc thuế quan từ phía Tổng thống Donald Trump hồi tháng 4 càng khiến tình hình thêm khó khăn. Sau đó, giá cổ phiếu đã phục hồi trở lại cùng xu hướng thị trường khi tổng thống Mỹ tạm dừng các đe dọa.

Nick Train, đại diện cho 1 trong 10 cổ đông lớn nhất của Schroders, nhận xét trên podcast tháng 6 rằng công ty này sở hữu “thương hiệu tốt nhất” và “hoạt động đa dạng nhất” trong số các công ty quản lý quỹ Anh bị định giá thấp. Ông ví von: “Nếu có một viên ngọc trong đống bụi của ngành quản lý quỹ Anh, với chúng tôi đó là Schroders”.

Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn thừa nhận: “Chúng tôi đã nắm giữ Schroders quá lâu. Đó không phải là thương vụ đầu tư thành công và tôi lấy làm tiếc về điều đó”.

Nhiều ý kiến cho rằng điểm sáng lớn nhất của Schroders hiện nay nằm ở mảng quản lý tài sản cá nhân, chủ yếu do Cazenove Capital, một “dòng dõi quý tộc” khác tại London, đảm trách. Dù đội ngũ nhân sự của Schroders ngày nay không còn giữ vẻ hào nhoáng như thời ngân hàng thương mại, nhưng mảng tài sản cá nhân vẫn phảng phất dấu ấn truyền thống khi cà vạt và nhẫn dấu từng là quy chuẩn không thể thiếu.

Oldfield đang tận dụng di sản này để quảng bá dịch vụ tới các gia đình giàu có nhất nước Anh, đặt mục tiêu tăng trưởng từ 5% đến 7% và tìm kiếm các thương vụ mua lại quy mô nhỏ. Mảng này cũng có khả năng thu hút sự chú ý của Phố Wall, nhất là sau thành công của Morgan Stanley trên thị trường. Đáng chú ý, Cazenove Capital từng thuộc về ngân hàng đầu tư Cazenove danh tiếng, trước khi được JPMorgan mua lại khoảng 15 năm trước.

Theo nhà phân tích Johann Scholtz của Morningstar, đối tác tiềm năng nhất để mua lại Schroders sẽ là một ngân hàng hoặc công ty quản lý tài sản lớn của Mỹ muốn mở rộng quy mô và chuyên môn tại thị trường châu Âu. Đặc biệt, trong bối cảnh ông Trump trở lại Nhà Trắng, sức hút của thị trường “lục địa già” càng tăng lên với giới đầu tư quốc tế.

Ngoài ra, không ít ý kiến cho rằng các ngân hàng, công ty bảo hiểm và quỹ đầu tư tư nhân đến từ châu Âu hoặc châu Á cũng có thể nhắm tới Schroders. Hai đối thủ lớn tại Pháp và Đức, Amundi và DWS Group, hiện cũng đang ráo riết tìm kiếm các thương vụ mua lại.

“Trước đây, chúng tôi từng tin chắc gia đình sẽ không bao giờ bán đi di sản này. Giờ thì chúng tôi không còn tin điều đó nữa”.

Cuộc săn lùng lợi nhuận cao và nguồn phí ổn định cũng đã đưa Schroders vào “cơn sốt” thị trường tư nhân, nơi BlackRock tận dụng lợi thế cổ phiếu giá trị cao để thâu tóm nhà cho vay trực tiếp HPS.

Dù bị chỉ trích vì chưa đạt mục tiêu mở rộng tài sản thay thế, 3/4 khoản đầu tư vào thị trường tư nhân của Schroders vẫn vượt chuẩn tham chiếu trong vòng 5 năm, theo Jefferies.

Ở chiều ngược lại, mảng đầu tư cổ phiếu truyền thống lại chịu sức ép khi khách hàng chuyển dịch sang các chiến lược trái phiếu ít sinh lời hơn. Giống như nhiều đối thủ, Oldfield đang lên kế hoạch phát triển thêm các quỹ ETF chủ động, loại hình rẻ hơn quỹ tương hỗ truyền thống nhưng vẫn có biên lợi nhuận cao hơn so với các quỹ chỉ số thụ động.

Nhà phân tích Angeliki Bairaktari của JPMorgan nhận định, dù thị trường tư nhân là điểm sáng, hiệu suất tổng thể của Schroders trong quý 1/2025 vẫn mờ nhạt do dòng vốn rút khỏi cổ phiếu và các chiến lược đa tài sản.

Các quỹ Schroders vượt trội so với đối thủ châu Âu

Tài sản thuộc nhóm 25% hiệu suất hàng đầu trong nhóm so sánh




Nguồn: Bảng theo dõi hiệu suất quỹ của UBS
Lưu ý: Dữ liệu tính đến tháng 3/2025

Dù phải đối mặt với những thách thức tương tự như các đối thủ châu Âu, Schroders vẫn thể hiện sự vượt trội rõ rệt, theo nghiên cứu của UBS Group AG. Đáng chú ý, ngân hàng này dự báo trong vòng 5 năm tới, sẽ có khoảng 1,200 tỷ EUR (tương đương 1,400 tỷ USD) được rót vào thị trường chứng khoán châu Âu khi dòng vốn đầu tư chuyển dịch từ Mỹ sang. Trong bối cảnh lo ngại về chiến tranh và nguy cơ suy thoái kinh tế gia tăng, sức hút của các nhà quản lý quỹ chủ động, những người biết tận dụng biến động thị trường, càng trở nên mạnh mẽ hơn.

Schroders – Di sản trăm năm giữa lòng London hiện đại

Được Johann Heinrich Schroder sáng lập từ năm 1804, Schroders là một trong những biểu tượng cuối cùng còn sót lại của một London tài chính mà ngày nay khó ai nhận ra so với 2 thế kỷ trước. Công ty này đã vượt qua hàng loạt tên tuổi lẫy lừng như SG Warburg, Morgan Grenfell hay Kleinwort Benson, và hiện chỉ còn Rothschild có thể sánh ngang, dù bản thân Rothschild cũng đã mang đậm dấu ấn Pháp.




Johann Heinrich Schroder

Khởi đầu là một ngân hàng, Schroders đã cho ra đời quỹ đầu tư đầu tiên vào năm 1924 và 23 năm sau đó, công ty đã ký hợp đồng với khách hàng hưu trí đầu tiên tại Anh là Đài truyền hình BBC. Năm 1959, Schroders chính thức lên sàn Sở giao dịch chứng khoán London và trong nhiều thập kỷ tiếp theo, không ngừng mở rộng hoạt động ra các thị trường lớn như Hồng Kông, Tokyo, Thụy Sĩ, Brazil, Australia cùng nhiều quốc gia khác.

Nhớ lại thời kỳ vàng son, Augar kể: “Ngày ấy, các gia đình cạnh tranh với nhau rất quý tộc. Cạnh tranh dựa nhiều vào các mối quan hệ hơn là giá cả, thậm chí còn hơn cả chất lượng tư vấn”. Tuy nhiên, tinh thần đó giờ đây gần như đã biến mất khỏi London và cả Schroders.

Làn sóng cải cách tự do hóa tài chính năm 1986, được gọi là cuộc “Big Bang”, đã làm rung chuyển giới tài chính London, mở cửa cho các ông lớn đến từ New York. Từ đó, vốn trở thành yếu tố quyết định, thay thế hoàn toàn vai trò của các mối quan hệ.

Schroders từ lâu luôn thận trọng với mô hình tích hợp của Phố Wall và chọn đi theo con đường tương tự như Rothschild, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực tư vấn. Tuy nhiên, đến thập niên 1990, dưới sự dẫn dắt của CEO Win Bischoff – người sau này trở thành Chủ tịch Citi – Schroders đã bước vào cuộc đua xây dựng một ngân hàng đầu tư toàn cầu.

Cuối thập kỷ ấy, ban lãnh đạo Schroders nhận ra rằng muốn thành công trong lĩnh vực này cần nguồn vốn lớn hơn nhiều so với khả năng huy động của một ngân hàng gia đình. Vì thế, họ quyết định bán mảng ngân hàng, một quyết định mà Augar người từng điều hành mảng môi giới vẫn còn nhớ rõ. Những tên tuổi như Warburg, Morgan Grenfell và Kleinwort cũng đã lần lượt rút lui khỏi cuộc chơi.

Rothschild là ngoại lệ hiếm hoi, khi ngân hàng Anh – Pháp này vẫn giữ vững vị trí hàng đầu trong lĩnh vực tư vấn M&A. Trong khi đó, Schroders lại hưởng lợi lớn từ việc rút khỏi mảng ngân hàng đầu tư. Sau khi bán mảng này với giá 1.3 tỷ bảng vào thời kỳ ngành ngân hàng bùng nổ, Schroders đã tránh được cơn bão tài chính năm 2008. Đà tăng trưởng kéo dài của thị trường chứng khoán cũng góp phần giúp công ty thăng hoa, với giá cổ phiếu tăng hơn 3 lần từ thời điểm công bố thương vụ đến đỉnh cao năm 2021.

Năm 2018, khi trụ sở mới sang trọng của Schroders được khánh thành, Nữ hoàng Elizabeth II đã đích thân cắt băng, đánh dấu một cột mốc lịch sử cho di sản trăm năm của gia tộc Schroder giữa lòng London hiện đại.




Nữ hoàng Elizabeth II khai trương trụ sở Schroders. Ảnh: Heathcliff O'Malley/WPA Pool/Getty Images

Sóng gió dồn dập với Schroders

Những năm gần đây, Schroders liên tục gặp khó khăn khi làn sóng nhà đầu tư đổ xô vào các quỹ thụ động giá rẻ, khiến vị thế của công ty bị lung lay đáng kể.

Ngay sau khi nhậm chức CEO vào tháng 11, Oldfield đã tiến hành tái cấu trúc mạnh mẽ: cắt giảm hàng trăm vị trí việc làm và đóng cửa 10% số quỹ hoạt động. Những thay đổi này đã khiến nhiều nhân viên lo lắng về tương lai, đồng thời không ít quản lý quỹ cũng quyết định rời khỏi công ty.

Giám đốc Đầu tư Johanna Kyrklund cho rằng: “Việc thay đổi nhân sự ở các nhà quản lý danh mục là điều tích cực vì sẽ mang lại những ý tưởng mới”. Bà nhấn mạnh thêm, suốt hơn một thập kỷ qua, Schroders hầu như không có biến động về nhân sự, thậm chí còn quá ổn định, và công ty không phụ thuộc vào bất kỳ “ngôi sao” nào.

Trên thị trường, nhiều phương án cải tổ được đưa ra bàn luận. Các nhà phân tích của Deutsche Bank AG đề xuất Schroders nên bán mảng quỹ tương hỗ và thị trường tư nhân để dồn lực đầu tư cho mảng tài sản cá nhân. Tuy nhiên, lãnh đạo công ty đã bác bỏ ý tưởng này, khi Oldfield khẳng định các mảng hoạt động của Schroders có sự bổ trợ tự nhiên cho nhau.

Một lựa chọn khác là học theo Rothschild, đưa công ty rời sàn chứng khoán nếu cảm thấy giá trị doanh nghiệp chưa được phản ánh đúng, theo nhận định của Scholtz (Morningstar). Dù vậy, nhiều người thân cận với Schroders cho rằng khả năng này khó xảy ra.




Peter Harrison. Ảnh: Lam Yik/Bloomberg

Phương án cuối cùng được nhắc đến là tăng cường đầu tư vào các quỹ chủ động và tiến hành thâu tóm đối thủ. Cựu CEO Peter Harrison từng cân nhắc mua lại M&G Plc nhưng phải từ bỏ vì mức giá quá cao, và với định giá hiện tại của Schroders, kịch bản này càng khó khả thi.

Dù tương lai thế nào, vai trò của gia đình Schroder vẫn giữ vị trí then chốt trong công ty. Leonie Schroder và Claire Fitzalan Howard, hai người con gái của Bruno và George, đều là thành viên hội đồng quản trị. Philip Mallinckrodt, người thân cuối cùng giữ vị trí điều hành tại Schroders, đã rời ban lãnh đạo từ năm 2020, bên cạnh đó còn có một số thành viên cấp cao khác là anh chị em của Mallinckrodt.

Theo báo cáo thường niên của Schroders, thông qua cơ chế mua lại cổ phiếu, tỷ lệ sở hữu của gia đình có thể tăng lên tối đa 47.93%.

Những người từng làm việc cùng Leonie nhận xét cô là người thân thiện, chuyên nghiệp và điềm đạm. Tuy nhiên, việc cô gia nhập hội đồng quản trị từng bị tổ chức tư vấn cổ đông Glass Lewis đặt dấu hỏi về kinh nghiệm ngành của một giám đốc kiêm nhà điều hành quỹ từ thiện như Leonie, liệu có đủ sức để thách thức ban điều hành hay không.

Phía Schroders cho biết, hội đồng quản trị của công ty luôn có 2 thành viên liên kết với gia đình suốt 40 năm qua, và “sự hiện diện này giúp gắn kết lợi ích, củng cố tư duy dài hạn cho công ty”.

Với Leonie, người đôi khi đại diện Schroders ra nước ngoài, mục tiêu cuối cùng lại rất giản dị. Trong một video quảng bá công ty tới các văn phòng gia đình, hậu duệ của Johann Heinrich chia sẻ: Vai trò của mình là người gìn giữ tài sản chính của gia đình, “cố gắng để mọi thứ tốt hơn nếu có thể, và cố gắng không làm hỏng chúng trên đường đi”.

Quốc An (Theo Bloomberg)

FILI

– 18:00 14/07/2025


Các Sàn forex Uy Tín:

Icmarkets

Exness

Source link

Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.