EU – Mỹ chạy nước rút đàm phán: Ngành ô tô châu Âu kỳ vọng giảm thuế xuất khẩu

EU – Mỹ chạy nước rút đàm phán: Ngành ô tô châu Âu kỳ vọng giảm thuế xuất khẩu

Một số hãng xe hơi cùng chính phủ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang tích cực thúc đẩy một thỏa thuận với Tổng thống Donald Trump, nhằm giảm thuế quan cho ngành ô tô, đổi lại cam kết tăng đầu tư vào thị trường Mỹ.




Khu vực kiểm soát chất lượng tại nhà máy Volkswagen AG ở Dresden, Đức. Ảnh: Krisztian Bocsi/Bloomberg

Các nước thành viên đã được cập nhật về tiến trình đàm phán thương mại vào ngày 04/07, ngay sau vòng đối thoại mới nhất tại Washington trong tuần. Nguồn tin cho biết, một thỏa thuận kỹ thuật về nguyên tắc đang dần hình thành.

EU chỉ còn thời hạn đến ngày 09/07 để đạt được thỏa thuận với ông Trump, trước khi mức thuế đối với gần như toàn bộ hàng xuất khẩu của khối sang Mỹ có nguy cơ tăng vọt lên 50%. Tổng thống Mỹ đã áp thuế lên hầu hết các đối tác thương mại với mục tiêu đưa sản xuất trở lại trong nước, tạo thêm nguồn thu để kéo dài chính sách giảm thuế, đồng thời ngăn chặn nguy cơ Mỹ bị các quốc gia khác lợi dụng.

Các cuộc đàm phán giữa quan chức Mỹ và EU sẽ tiếp tục diễn ra vào cuối tuần này. Đại diện Ủy ban châu Âu hiện vẫn chưa đưa ra phản hồi trước đề nghị bình luận.

Những điểm nóng trong đàm phán thương mại xuyên Đại Tây Dương

EU đang nỗ lực tìm mọi cách để tránh việc Mỹ áp mức thuế cao hơn đối với các ngành kinh tế chủ chốt




Nguồn: Eurostat, Bộ Thương mại Mỹ

Lưu ý: Thương mại song phương EU-Mỹ ở các lĩnh vực chủ chốt năm 2024

Bất kỳ thỏa thuận nào cuối cùng cũng sẽ phụ thuộc vào quyết định của ông Trump, với các kịch bản dự báo cho tuần tới bao gồm: hai bên đạt được thỏa thuận về nguyên tắc, duy trì hiện trạng đình chiến mà không áp thêm thuế mới; tiếp tục đàm phán nhưng không đi đến kết quả, khiến các mức thuế theo từng quốc gia vốn đang bị đình chỉ sẽ chính thức có hiệu lực; hoặc Mỹ nhận định EU không đáp ứng các điều kiện và đơn phương công bố thêm các mức thuế mới, theo các nguồn tin.

Tháng trước, Thủ tướng Đức Friedrich Merz đã lên tiếng ủng hộ ý tưởng về một quy tắc bù trừ, cho phép giảm thuế đối với các nhà sản xuất ô tô châu Âu nếu họ sản xuất xe tại Mỹ.

Ủy ban châu Âu, cơ quan phụ trách các vấn đề thương mại của EU, đến nay vẫn chưa tán thành cơ chế bù trừ cho ngành ô tô, theo các nguồn tin. Các quan chức EU lo ngại rằng động thái này có thể khiến sản xuất và đầu tư bị chuyển hướng khỏi châu Âu.

EU đã thể hiện thiện chí khi sẵn sàng chấp nhận một thỏa thuận áp dụng mức thuế phổ quát 10% đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu, nhưng đồng thời yêu cầu Mỹ cam kết áp dụng mức thuế thấp hơn cho các lĩnh vực then chốt như dược phẩm, rượu, chất bán dẫn và máy bay thương mại, theo thông tin từ Bloomberg.

EU cũng đang thúc ép Mỹ áp dụng hạn ngạch và miễn trừ, nhằm thực chất giảm mức thuế 25% mà Washington đang áp lên ô tô và linh kiện, cũng như mức thuế 50% đối với thép và nhôm.

Các nguồn tin cảnh báo rằng các cuộc thảo luận vẫn còn nhiều khó khăn, khi các nước thành viên EU có quan điểm khác nhau về mức độ mất cân bằng mà họ sẵn sàng chấp nhận trong bất kỳ thỏa thuận nào.




Ursula von der Leyen. Ảnh: Lina Selg/Bloomberg

Bất kỳ thỏa thuận ban đầu nào đạt được nhiều khả năng sẽ chỉ mang tính tạm thời, ngắn gọn và không có giá trị ràng buộc về pháp lý. Cả hai phía cũng đang hướng tới mục tiêu đạt được đồng thuận về các rào cản phi thuế quan, thúc đẩy thương mại số và tăng cường an ninh kinh tế.

Một số nước châu Âu mong muốn nhanh chóng chốt thỏa thuận để tránh nguy cơ căng thẳng leo thang, trong khi một số quốc gia khác lại chọn cách đàm phán từ thế mạnh, sẵn sàng đáp trả các mức thuế của ông Trump bằng những biện pháp đối phó tương xứng.

Hiện tại, EU đang hướng đến một thỏa thuận khung với Mỹ theo lộ trình hai bước: trước tiên giải quyết các vấn đề phi thuế quan, sau đó mới tiến hành đàm phán chi tiết về mức thuế phổ quát cũng như các loại thuế khác mà ông Trump đề xuất, dự kiến sẽ được bàn thảo sau thời hạn ngày 09/07.

Ngoài ra, hai bên cũng đã trao đổi về các tiêu chuẩn nông nghiệp và mức thuế liên quan. Theo một nguồn tin, phía Mỹ đã đề xuất giảm mức thuế từ 20% xuống còn 17%, dù con số này vẫn cao hơn so với thời kỳ trước khi ông Trump lên nắm quyền.

Đàm phán về các mức thuế theo ngành mà ông Trump áp dụng đối với ô tô, thép và nhôm được đánh giá là đặc biệt phức tạp và khó có khả năng đạt được đột phá trong tuần tới.

Về lĩnh vực an ninh kinh tế, hai bên đang tìm kiếm sự đồng thuận trong việc kiểm soát dòng vốn đầu tư nước ngoài vào và ra, cũng như các biện pháp kiểm soát xuất khẩu. Mỹ đồng thời thúc đẩy việc đưa các hợp đồng mua sắm công vào phạm vi của bất kỳ thỏa thuận nào đạt được.

Thâm hụt thương mại Mỹ – EU tiếp tục nới rộng

Việc nhập khẩu dồn dập khiến thâm hụt tăng gấp đôi tính đến thời điểm này trong năm




Nguồn: Cục Thống kê Dân số Mỹ

Phát biểu trước báo giới ngày 03/07, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhấn mạnh: “Chúng tôi mong muốn giải quyết vấn đề thông qua đối thoại, nhưng đồng thời cũng chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản không đạt được thỏa thuận như kỳ vọng. Lợi ích của châu Âu sẽ luôn được bảo vệ, nói cách khác, mọi công cụ đều đã được chuẩn bị”.

Để đáp trả các mức thuế mà Tổng thống Trump áp dụng lên mặt hàng kim loại, EU đã thông qua gói thuế trị giá 21 tỷ EUR (24.7 tỷ USD) đối với hàng hóa Mỹ, có thể được triển khai ngay lập tức. Những biện pháp này chủ yếu nhắm vào các bang có ý nghĩa chính trị quan trọng tại Mỹ, bao gồm các sản phẩm như đậu nành từ Louisiana (quê nhà của Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson), cùng nhiều mặt hàng nông sản, gia cầm và xe máy.

Ngoài ra, EU cũng đã chuẩn bị thêm một danh sách thuế mới trị giá 95 tỷ EUR đối với hàng hóa Mỹ, nhằm đáp trả các mức thuế “có đi có lại” và thuế ô tô do ông Trump đề xuất. Danh sách này tập trung vào các mặt hàng công nghiệp chủ lực như máy bay Boeing, ô tô sản xuất tại Mỹ và rượu bourbon (một loại rượu whiskey của Mỹ). Đồng thời, EU đang tham vấn các nước thành viên để xác định những lĩnh vực chiến lược mà Mỹ phụ thuộc vào khối, cũng như cân nhắc các biện pháp vượt ngoài thuế quan như kiểm soát xuất khẩu và hạn chế trong các hợp đồng mua sắm.

Khối EU sẽ đánh giá kỹ lưỡng mọi kết quả cuối cùng của đàm phán, từ đó quyết định mức độ bất cân xứng mà mình có thể chấp nhận, cũng như cân nhắc việc áp dụng các biện pháp tái cân bằng nếu cần thiết.

Quốc An (Theo Bloomberg)

FILI

– 11:59 05/07/2025


Các Sàn forex Uy Tín:

Icmarkets

Exness

Source link

Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.