Du lịch chờ cú hích từ Nghị quyết 98

Chiều 29-8, Sở Du lịch TP HCM phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP (ITPC) tổ chức Hội nghị Đối thoại giữa doanh nghiệp (DN) ngành du lịch và chính quyền thành phố.

Chờ mô hình hợp tác đầu tư

Phát biểu mở đầu hội nghị, ông Trần Phú Lữ, Giám đốc IPTC, cho biết để du lịch TP HCM thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần hỗ trợ DN ngành du lịch vượt qua khó khăn, đặc biệt là sau khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19, hội nghị rất cần lắng nghe ý kiến, kiến nghị từ cộng đồng DN ngành du lịch.

Đáp lời, ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc truyền thông và marketing, Công ty TSTtourist, đặt câu hỏi trong Nghị quyết 98/2023 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố, ngành du lịch thành phố dự kiến đầu tư và quan tâm đến yếu tố nào để phát triển? Những sản phẩm trọng tâm như du lịch hội nghị, du lịch đường thủy, du lịch y tế – chăm sóc sức khỏe, du lịch lễ hội, du lịch cộng đồng sẽ được ngành du lịch định hướng ra sao?

“Du lịch bằng trực thăng sau thời gian thí điểm tại TP HCM đã thu hút được sự quan tâm rất lớn của du khách trong và ngoài nước. Vậy thành phố có thể chính thức khai thác loại hình du lịch này trong thời gian tới không?” – ông Mẫn băn khoăn.

Du lịch chờ cú hích từ Nghị quyết 98 - Ảnh 1.

Sản phẩm du lịch bay trực thăng sau giai đoạn thí điểm thành công đã tạm ngưng theo chủ trương của Bộ Quốc phòng Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Trả lời vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, Trưởng Phòng Quy hoạch phát triển tài nguyên du lịch – Sở Du lịch TP HCM, thông tin Nghị quyết 98 với nhiều cơ chế đặc thù đang được kỳ vọng sẽ tháo gỡ vướng mắc, thu hút đầu tư dưới hình thức hợp tác công – tư trong lĩnh vực văn hóa, thể thao. Rất nhiều dự án đang chờ đầu tư theo mô hình phù hợp định hướng sản phẩm chủ lực của ngành như sản phẩm du lịch văn hóa, thể thao, kinh tế đêm về vui chơi giải trí kết hợp thể thao, các lễ hội…

“Nghị quyết 98 cũng giao quyền cho HĐND thành phố điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất dưới 500 ha, là một trong những điều kiện để thành phố chủ động kêu gọi đầu tư, nhất là sản phẩm chiến lược về du lịch sinh thái nông nghiệp đang vướng rất nhiều ở các huyện ngoại thành. Cụ thể, đất nông nghiệp khi làm du lịch cần nhà nghỉ, homestay… nhưng bị vướng, nay đang chờ Nghị quyết 98 để tháo gỡ” – bà Nguyễn Thị Thanh Thảo nêu.

Theo bà Thảo, Sở Du lịch thành phố đã soạn thảo kế hoạch triển khai Nghị quyết 98 trong lĩnh vực du lịch và dự kiến trình UBND thành phố trong tháng 9-2023, kết hợp với Nghị quyết 82/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, kỳ vọng sẽ tạo bước phát triển mới cho du lịch thành phố.

Riêng về sản phẩm du lịch bay trực thăng, sau giai đoạn thí điểm thành công nhưng hiện tại đã ngưng theo chủ trương của Bộ Quốc phòng. Và Sở Du lịch thành phố sẽ tiếp tục đeo bám để khi được cho phép sẽ tiếp tục triển khai ngay.

Sớm gỡ vướng về PCCC

Một trong những vấn đề được nhiều DN đang gặp khó khăn chờ tháo gỡ liên quan đến phòng cháy chữa cháy (PCCC). Bà Lê Thị Như Hà, Phó Tổng giám đốc Công ty Du lịch Hòa Bình Việt Nam, cho biết DN có 1 đội tàu biển chở khách nhưng theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định chi tiết về PCCC hiện nay, tất cả tàu dài hơn 20 m có chở khách bắt buộc phải làm thẩm định và phê duyệt PCCC để nghiệm thu, đi vào hoạt động.

“Nghị định này có hiệu lực từ năm 2021 nhưng có bất cập ở chỗ hồi tố, nghĩa là tất cả những tàu biển nào đang hoạt động ở thời điểm hiện tại, không phân biệt đóng thời gian nào, đều phải làm thẩm định phê duyệt PCCC lại” – bà Hà nói.

Trong khi cơ chế đóng tàu biển trước đây theo quy trình, cơ quan đăng kiểm phê duyệt bản vẽ, đóng tàu, nghiệm thu và có sẵn giấy chứng nhận PCCC. Từ đó, DN đăng ký tuyến tàu chạy với Sở Giao thông Vận tải TP HCM và Cục Hàng hải kiểm soát hoạt động chạy tàu.

Nay, DN phải làm lại nghiệm thu PCCC theo cơ quan công an nhưng bên đăng kiểm và cơ quan công an lại chưa liên thông. Do đó, bà Hà kiến nghị cần sớm phối hợp giữa các cơ quan để tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh. Còn quy định chồng chéo như hiện tại thì DN đang rất rối.

Khó khăn liên quan đến PCCC cũng được ông Thái Doãn Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Du lịch Công đoàn TP HCM, nêu tại hội nghị. Theo đó, DN ông có một khách sạn 94 phòng ở ngay quận 1 và phải thẩm định lại PCCC theo quy định mới. Có điều, khi công ty ông liên hệ để thiết kế lại PCCC thì được báo chi phí tới 6 tỉ đồng.

“Với những khách sạn mới xây dựng, hệ thống PCCC đã đưa vào thiết kế ban đầu thì không khó nhưng với những khách sạn cũ, đầu tư hàng tỉ đồng cho hệ thống PCCC mới là quá khó, nhất là trong bối cảnh cơ sở lưu trú du lịch, khách sạn vẫn vắng khách như hiện nay” – ông Hồng nói.

Trả lời DN, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch, nêu rõ những vấn đề thuộc thẩm quyền của sở sẽ được phản hồi ngay và những vấn đề liên quan đến các sở, ngành khác hoặc trung ương, sở sẽ tổng hợp kiến nghị để báo cáo để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN. 

Kiến nghị mở rộng thị trường được miễn visa

Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist cho biết TP HCM đang kêu gọi kích cầu ngành du lịch sau COVID-19, nhất là các đoàn khách đến từ nước ngoài. Các nước trong diện được miễn visa chưa nhiều khiến lượng khách từ các thị trường trọng điểm, thị trường tiềm năng vẫn tốn chi phí xin visa cao và mất nhiều thời gian để được duyệt.

Dần dần du khách chuyển sang các thị trường khác cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam trong lĩnh vực du lịch như Thái Lan, Singapore. DN kiến nghị về cơ chế giúp hỗ trợ mở rộng chính sách visa cho khách du lịch đến Việt Nam, cụ thể là miễn visa cho toàn bộ công dân khối EU, Mỹ, Úc, New Zealand và Ấn Độ…

Ông Võ Chiến Thắng – Phó trưởng Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an TP HCM – cho hay theo quy định, hiện tại du khách nước ngoài có nhu cầu có thể xin visa điện tử và trong khoảng 3 ngày làm việc là có kết quả và chỉ cần mang giấy chứng nhận tới các cửa khẩu là nhập cảnh vào Việt Nam.

Các Sàn forex Uy Tín:

Icmarkets

Exness

IQOption

Deriv

Source link

Comments are closed.