Đồng USD bỗng trở thành nạn nhân trong cơn bão tài chính toàn cầu
Đồng USD bỗng trở thành nạn nhân trong cơn bão tài chính toàn cầu
Sau cú sốc trên thị trường chứng khoán và trái phiếu, đồng USD trở thành nạn nhân tiếp theo trong cơn hỗn loạn tài chính tuần này, khi cuộc chiến thương mại toàn cầu ngày càng leo thang đe dọa làm trật bánh đà tăng trưởng kinh tế của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Vào ngày 11/04, chỉ số đồng USD của Bloomberg đã lao dốc xuống mức đáy 6 tháng, chỉ vài giờ sau khi Trung Quốc tuyên bố tăng thuế đối với tất cả hàng hóa Mỹ lên 125%, có hiệu lực từ ngày 12/04. Đà giảm tiếp tục duy trì ngay cả khi có thông tin chỉ số giá sản xuất (PPI) của Mỹ ghi nhận mức giảm lớn nhất kể từ năm 2023 trong tháng 3.
Điều đáng chú ý là các nhà giao dịch quyền chọn đã trở nên bi quan về đồng bạc xanh lần đầu tiên trong 5 năm qua, phản ánh làn sóng tháo chạy rộng lớn hơn khỏi tài sản Mỹ đang diễn ra. Trong khi đó, các đồng tiền trú ẩn an toàn truyền thống như đồng Yên Nhật, Franc Thụy Sĩ và vàng đã được hưởng lợi từ dòng vốn chảy ra này. Đồng Euro cũng tăng vọt lên mức mạnh nhất trong 3 năm, hướng tới hai ngày tăng mạnh nhất kể từ năm 2009.
“Lợi thế tăng trưởng của Mỹ so với phần còn lại của thế giới cuối cùng đã biến mất”, các chiến lược gia của TD Securities viết trong một ghi chú gửi tới khách hàng. Họ cũng chỉ ra rằng các nhà đầu tư đang nhanh chóng chuyển hướng sang tài sản châu Âu và châu Á (ngoại trừ Trung Quốc). “Sự kết hợp của tất cả những yếu tố này đã khiến cái nhìn về đồng USD trở nên quá tiêu cực chỉ trong một khoảng thời gian ngắn”.
Dữ liệu từ Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC) cho thấy một nhóm các nhà giao dịch đầu cơ, bao gồm quỹ đầu tư phòng hộ và các nhà quản lý tài sản, đã chuyển sang đặt cược chống lại đồng USD với quy mô lớn nhất kể từ tháng 10. Họ rót khoảng 4.3 tỷ USD vào những đặt cược đó trong tuần kết thúc vào ngày 08/04.
Phân tích Z-Scores – một công cụ đo lường mức độ chênh lệch của giá hiện tại so với chuẩn mực lịch sử – cho thấy tốc độ và quy mô của làn sóng bi quan đối với đồng USD không chỉ đáng kể mà còn là cực đoan nhất trong lịch sử ghi nhận. Điều này nhấn mạnh sự đảo lộn trong tâm lý thị trường, khi các nhà giao dịch nhanh chóng phải điều chỉnh lại những giả định lâu dài về vai trò của đồng bạc xanh như một nơi trú ẩn an toàn và kênh lưu trữ giá trị.
Biến động giá trong ngày 11/04 đã khép lại một tuần đầy bất ổn cho thị trường toàn cầu khi chính sách thương mại thay đổi chóng mặt của Tổng thống Donald Trump khiến các nhà đầu tư vật lộn để tìm hướng đi tiếp theo. Đồng USD đã ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong hơn 2 năm trong ngày 09/04 giữa kỳ vọng ngày càng tăng rằng Fed sẽ buộc phải hạ lãi suất để đối phó với tác động tiêu cực từ các biện pháp thuế quan mới.
Dữ liệu kinh tế mới nhất cũng không mấy khả quan. Chỉ số giá sản xuất (PPI) giảm 0.4% so với tháng trước sau khi tăng nhẹ 0.1% vào tháng 2, theo báo cáo của Cục Thống kê Lao động công bố vào ngày 11/04. Con số này thấp hơn nhiều so với dự báo trung bình từ các nhà kinh tế là tăng 0.2%. Một ngày trước đó, số liệu đã cho thấy lạm phát tiêu dùng của Mỹ bất ngờ hạ nhiệt trước khi đợt thuế quan mới được áp dụng.
Không chỉ có đồng USD, các tài sản khác của Mỹ cũng chịu tác động nặng nề. Chỉ số S&P 500 kết thúc phiên giao dịch ngày 10/04 với mức giảm sâu 3.5%, trong khi trái phiếu Chính phủ Mỹ dài hạn cũng lao dốc mạnh.
Tìm nơi trú ẩn an toàn
Trong bối cảnh hỗn loạn, các tài sản trú ẩn an toàn truyền thống đã chứng kiến nhu cầu tăng vọt. Đồng yên Nhật tăng giá mạnh tới 1.7%, đạt mức 142.07 đổi 1 USD vào ngày 11/04 – mức mạnh nhất kể từ tháng 9/2024. Đồng Franc Thụy Sĩ cũng tăng vọt lên mức 0.8259 đổi 1 USD, một mức giá chưa từng thấy kể từ đầu năm 2015. Trong khi đó, giá vàng tiếp tục phá vỡ mọi kỷ lục, và đồng Euro tăng lên mức cao nhất là 1.1473 USD – đỉnh điểm chưa từng thấy kể từ tháng 2/2022.
Sự mạnh lên của đồng Euro phản ánh động lực mới nổi của đồng tiền này như một nơi trú ẩn an toàn thay thế, được củng cố bởi quyết định lịch sử của Đức tạm ngưng áp dụng quy tắc phanh nợ vào tháng trước.
Triển vọng nhanh chóng xấu đi của nền kinh tế Mỹ là một sự đảo lộn hoàn toàn so với kỳ vọng ban đầu rằng việc Trump trở lại Nhà Trắng sẽ mở ra một kỷ nguyên thuế thấp hơn, tăng trưởng nhanh hơn và đồng USD mạnh hơn.
Giới đầu tư vẫn tiếp tục theo dõi sát diễn biến tiếp theo trong cuộc chiến thương mại. Họ vẫn không chắc chắn về những gì sẽ xảy ra sau khi kết thúc thời gian tạm hoãn thuế 90 ngày.
“Trừ khi bạn nghĩ một giải pháp nào đó sắp diễn ra, thị trường có khả năng sẽ tiếp tục tháo chạy khỏi đồng USD”, Rodrigo Catril, Chiến lược gia tại Ngân hàng Quốc gia Australia ở Sydney nhận định. “Xu hướng rút khỏi tài sản Mỹ và bán đồng USD có khả năng sẽ tiếp diễn chừng nào căng thẳng thương mại vẫn ở mức cao”.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FILI
– 11:36 12/04/2025
Các Sàn forex Uy Tín:
Icmarkets
Exness
Source link
Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.