‘Đón sóng’ nâng hạng, vốn ngoại giải ngân nghìn tỷ khi chứng khoán lập đỉnh
Khối ngoại mua ròng đột biến gần 7.000 tỷ đồng
Thị trường chứng khoán vừa chứng kiến tuần giải ngân mạnh mẽ của khối ngoại, với tổng giá trị mua ròng lên tới 6.858 tỷ đồng sau 5 phiên liên tiếp. Đây là mức cao nhất tính từ đầu năm 2025. Khối ngoại mua ròng mạnh trở lại trong bối cảnh VN-Index liên tục lập đỉnh mới. VN-Index vượt 1.450 điểm, có 5/5 phiên tăng giá trong tuần qua.
Riêng trên sàn HoSE, hoạt động mua ròng diễn ra xuyên suốt cả tuần, tập trung chủ yếu ở nhóm cổ phiếu chứng khoán, ngân hàng và các mã vốn hóa lớn.

Dẫn đầu danh sách được khối ngoại mua ròng là SSI, với giá trị áp đảo 2.019 tỷ đồng. Theo sau là SHB (1.007 tỷ đồng), HPG (692 tỷ đồng), FPT (642 tỷ đồng), VPB (509 tỷ đồng) và HDB (428 tỷ đồng). Nhiều mã khác như TPB, VIX, VND, STB, VIC và HCM cũng thu hút lượng mua đáng kể từ nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược Thị trường VPBankS, nhận định từ đầu tháng 7 đến nay, khối ngoại liên tục mua ròng , đặc biệt tăng mạnh trong các phiên gần đây. Đây là diễn biến tương đồng với nhiều thị trường từng được nâng hạng, khi dòng vốn ngoại thường vào mạnh trước, trong và sau thời điểm đánh giá.
“Nếu được nâng hạng, Việt Nam có thể thu hút từ 3–7 tỷ USD dòng vốn chủ động và thụ động, tạo cú hích lớn cho thị trường chứng khoán”, ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, kỳ đánh giá nâng hạng trong hai tháng tới sẽ là yếu tố quan trọng giúp Việt Nam bắt nhịp xu hướng tăng trưởng của nhóm thị trường mới nổi toàn cầu. Nhờ yếu tố này, thanh khoản thị trường có thể đạt mốc 28.000 tỷ đồng/phiên, đặc biệt khi các sản phẩm và cơ chế mới như giao dịch không nghỉ trưa, rút ngắn thời gian thanh toán… được triển khai. Kỳ vọng VN-Index có thể sớm tiến tới 1.500 – 1.550 điểm trong năm nay hoặc đầu năm sau.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ sau nhịp điều chỉnh tháng 4, với niềm tin nhà đầu tư nhanh chóng trở lại. Thanh khoản tăng nhanh, số lượng tài khoản chứng khoán vượt mốc 10 triệu, cho thấy sức hút ngày càng lớn của thị trường. Tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp năm nay được kỳ vọng đạt 15 – 16%, nhất là ở các nhóm ngành tài chính – ngân hàng, chứng khoán, bất động sản và thép.
Về định giá, P/E (hệ số giá trên lợi nhuận) hiện dao động quanh mức 13,9 – 14 lần, thấp so với trung bình lịch sử. Dự phóng P/E chỉ khoảng 10 – 11 lần, cho thấy dư địa tăng trưởng vẫn còn lớn.
Ngoài câu chuyện nâng hạng, ông Sơn cho rằng từ cuối 2025 đến đầu 2026, thị trường còn cơ hội hút dòng vốn ngoại từ các thoả thuận IPO mới, có thể đạt 47,5 tỷ USD, tập trung ở các lĩnh vực tài chính, tiêu dùng và công nghệ. Nhìn lại quá khứ, giai đoạn 2017 – 2018, khi có những câu chuyện như bán vốn của VNM, thị trường đã có nhịp tăng rất tốt.
Thị trường có thể nâng hạng vào tháng 9 tới?
Theo VPBankS, câu chuyện quan trọng nhất trong 6 tháng cuối năm là nâng hạng. Đến nay, Việt Nam đã đáp ứng 7/9 tiêu chí nâng hạng lên thị trường mới nổi theo đánh giá của FTSE. Trong đó, nhiều cải cách đã được thực hiện như triển khai thành công NPF vào tháng 9/2024, đưa hệ thống KRX vào hoạt động tháng 5/2025, đơn giản hóa mở tài khoản cho nhà đầu tư nước ngoài và xử lý giao dịch lỗi. Từ nay đến cuối năm 2025 – đầu 2026, Việt Nam sẽ tiếp tục xây dựng các hệ thống hạ tầng như OTA (tài khoản giao dịch tổng), CCP (Mô hình đối tác bù trừ trung tâm) để hoàn thiện hơn nữa.
Theo đó, ông Trần Hoàng Sơn dự báo, khả năng thị trường Việt Nam được nâng hạng ngay trong tháng 9/2025 là khoảng 70%. Tuy nhiên, vẫn tồn tại 30% khả năng phải lùi đến tháng 3/2026 do tổ chức xếp hạng thị trường FTSE cần thêm thời gian đánh giá mức độ ổn định của hệ thống và khả năng xử lý lỗi giao dịch.
Theo kế hoạch, các tổ chức xếp hạng quốc tế sẽ công bố kết quả đánh giá vào kỳ tháng 9 tới. Tại họp báo thường kỳ quý II vừa qua, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi bày tỏ tin tưởng, thị trường chứng khoán Việt Nam hoàn toàn có khả năng được nâng hạng trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Đức Chi cho biết, thời gian qua, Bộ Tài chính chủ động phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan để hoàn thiện toàn diện khung khổ pháp lý và tổ chức vận hành thị trường; rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp lý nhằm đáp ứng tiêu chí do các tổ chức xếp hạng quốc tế đưa ra.
“Hiện, yêu cầu cơ bản để nâng hạng thị trường đã được Việt Nam đáp ứng. Chúng ta đã có những bước tiến đáng kể, từ việc minh bạch hóa thông tin, cải cách hành lang pháp lý đến hiện đại hóa hệ thống giao dịch, thanh toán. Những yếu tố nền tảng này đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo dựng niềm tin với nhà đầu tư quốc tế”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, bên cạnh tiêu chí mang tính kỹ thuật, theo ông Nguyễn Đức Chi, yếu tố cảm xúc và trải nghiệm thực tế của nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam là điểm mấu chốt được các tổ chức xếp hạng quan tâm. Đó là mức độ thuận lợi trong triển khai hoạt động đầu tư, là khả năng tiếp cận thị trường, sự rõ ràng, minh bạch và hiệu quả trong giải quyết vướng mắc.
“Việc nâng hạng sẽ mở ra cánh cửa đón dòng vốn ngoại quy mô lớn, đặc biệt từ các quỹ đầu tư theo chỉ số. Vì vậy, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư nước ngoài là yếu tố then chốt, mang tính quyết định”, Thứ trưởng nói.
Các Sàn forex Uy Tín:
Icmarkets
Exness
IQOption
Deriv
Source link
Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.