Đối đầu với Mỹ, Trung Quốc đang nắm những quân bài nào?
Đối đầu với Mỹ, Trung Quốc đang nắm những quân bài nào?
Hai gã khổng lồ kinh tế thế giới đang bước vào một cuộc đối đầu nguy hiểm khi Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục gây sức ép buộc Bắc Kinh phải nhượng bộ.
Mặc dù Trung Quốc phụ thuộc vào thị trường Mỹ để xuất khẩu hàng hóa, các chuyên gia cảnh báo Washington không nên đánh giá thấp khả năng chống chịu của Bắc Kinh.
Với thị trường xuất khẩu ngày càng đa dạng, sở hữu lượng lớn trái phiếu Chính phủ Mỹ và vị thế độc quyền với một số vật liệu chiến lược như kim loại đất hiếm, Bắc Kinh đang nắm giữ những “quân bài” mạnh trong cuộc đàm phán. Câu hỏi đặt ra là: Họ có thể sử dụng đòn bẩy này đến mức nào mà không tự gây tổn hại cho mình?
Sức mạnh thương mại
Với thặng dư thương mại gần 300 tỷ USD với Mỹ trong năm ngoái và khoảng 15% hàng xuất khẩu hướng vào thị trường Mỹ, mức thuế quan 145% của Trump chắc chắn sẽ gây tổn thương đáng kể cho Bắc Kinh. Tuy nhiên, các nhà kinh tế chỉ ra một điểm quan trọng: Trung Quốc có thể thay thế hàng nhập khẩu từ Mỹ dễ dàng hơn nhiều so với chiều ngược lại.
Xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc tập trung chủ yếu vào các sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng thấp như đậu nành, bông, thịt bò và gia cầm. Ngược lại, hàng nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc lại là những sản phẩm có giá trị cao hơn như điện tử, máy móc và khoáng sản đã qua chế biến.
Nhiều sản phẩm công nghệ cao mà Mỹ nhập từ Trung Quốc không dễ tìm được ở nơi khác
|
“Sự phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc cao hơn, bởi vì Trung Quốc có thể tìm nguồn sản phẩm nông nghiệp từ nơi khác dễ dàng hơn so với việc Mỹ thay thế hàng điện tử và máy móc”, Marta Bengoa, Giáo sư kinh tế quốc tế tại Đại học Thành phố New York, nhận định. “Bắc Kinh đã mua đậu nành từ Brazil, ví dụ vậy, nên cuối cùng Trung Quốc có đòn bẩy nhiều hơn một chút”.
Tình hình càng trở nên bất lợi cho Mỹ khi đồng USD mất giá, làm tăng chi phí nhập khẩu hàng hóa của nước này.
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng sẽ phải chịu những tổn thất không nhỏ. Nước này nhập khẩu nhiều sản phẩm cao cấp từ Mỹ, bao gồm phụ tùng máy bay, dược phẩm và chất bán dẫn – mặc dù gần đây Washington đã tìm cách hạn chế khả năng tiếp cận chip của Trung Quốc. Nhiều doanh nghiệp Mỹ cũng đã trở thành một phần không thể thiếu trong chuỗi cung ứng tại đất nước tỷ dân.
Các nhà phân tích của Goldman Sachs ước tính có khoảng 10-20 triệu người lao động Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng bởi việc giảm xuất khẩu sang Mỹ. “Sự kết hợp giữa thuế quan cực kỳ cao của Mỹ, xuất khẩu sang Mỹ giảm mạnh và nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại dự kiến sẽ tạo ra áp lực đáng kể lên nền kinh tế và thị trường lao động Trung Quốc,” họ viết trong báo cáo công bố vào tuần trước.
Vấn đề trung chuyển
Kể từ khi Washington áp đặt thuế quan ngành đối với thép, nhôm, tấm pin mặt trời và máy giặt vào năm 2018 và 2019 trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump, Trung Quốc đã nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Thị phần của họ trong hàng nhập khẩu của Mỹ đã giảm từ 21% (năm 2016) xuống còn 13.4% trong năm ngoái, theo dữ liệu của chính phủ Mỹ. Điều này giúp giảm đáng kể khả năng bị tổn thương từ các biện pháp thương mại của Mỹ.
Đồng thời, năng lực sản xuất của Trung Quốc đã được chuyển hướng sang các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam và Campuchia, nơi các nhà sản xuất Trung Quốc tận dụng lao động giá rẻ hơn và giảm khả năng bị ảnh hưởng bởi thuế quan của Mỹ. Theo dữ liệu công bố trong tuần này, xuất khẩu sang Việt Nam đã tăng vọt 17% trong tháng 3/2025.
Trump quyết tâm chặn đứng việc trung chuyển hàng xuất khẩu Trung Quốc sang nước thứ ba để tránh thuế của Mỹ. Tuy nhiên, mức độ cứng rắn của ông trong việc thực thi chính sách này vẫn còn là một ẩn số.
Alicia García Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực Châu Á-Thái Bình Dương tại ngân hàng đầu tư Pháp Natixis và là thành viên cao cấp tại tổ chức tư vấn Bruegel, cho biết: “Về cơ bản điều đó mang lại cho cả hai bên 90 ngày để tìm ra giải pháp”.
Nhưng ngay cả khi có sự chấm dứt hoàn toàn xuất khẩu của Trung Quốc, García Herrero cho biết tác động sẽ không quá thảm khốc đối với nền kinh tế khổng lồ của Trung Quốc. GDP của đất nước này tăng 5% trong năm ngoái, trong đó 1.5 điểm phần trăm có được từ thặng dư thương mại toàn cầu gần 1 ngàn tỷ USD.
“Trung Quốc là một nền kinh tế khổng lồ có khả năng phục hồi”, bà nói.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng cảnh báo rằng những nỗ lực của Trung Quốc nhằm chuyển hướng năng lực dư thừa sang các thị trường thay thế như EU, Ấn Độ và các quốc gia ở Nam bán cầu có thể gây ra phản ứng dữ dội.
“Vì lượng hàng hóa dư thừa mà Trung Quốc sẽ tìm cách bán ra, tôi nghĩ các quốc gia khác sẽ phản ứng trước làn sóng dồn ép tiềm tàng,” Alex Capri, giảng viên cao cấp tại Trường Kinh doanh thuộc Đại học Quốc gia Singapore, nhận định.
Trái phiếu Chính phủ Mỹ
Trung Quốc còn có thêm đòn bẩy từ khoản nắm giữ trái phiếu Chính phủ Mỹ khổng lồ. Về lý thuyết, họ có thể bán để giảm bớt rủi ro. Điều đó có thể làm dấy lên lo ngại về sự hấp dẫn của tài sản Mỹ và thúc đẩy sự sụt giảm hơn nữa giá trị của đồng USD và nợ Chính phủ Mỹ.
Zerlina Zeng, Trưởng bộ phận chiến lược tín dụng Châu Á tại CreditSights, lưu ý rằng việc bán tháo trái phiếu Chính phủ Mỹ cũng sẽ ảnh hưởng đến Trung Quốc, với lượng nắm giữ lớn của họ.
“Dù vậy, chúng tôi kỳ vọng Trung Quốc sẽ tiếp tục đa dạng hóa dự trữ bằng đồng USD sang các loại tiền tệ khác như một mục tiêu phân bổ dài hạn”, bà nói.
Tỷ lệ trái phiếu Chính phủ Mỹ mà Trung Quốc nắm giữ đã giảm dần trong hơn một thập kỷ qua
|
Khoáng sản quan trọng
Mỹ cũng phụ thuộc vào Trung Quốc đối với nhiều kim loại đất hiếm thiết yếu cho các ngành sản xuất hiện đại, đặc biệt là trong lĩnh vực pin xe điện. Bắc Kinh kiểm soát hơn 2/3 sản lượng đất hiếm toàn cầu và hơn 90% năng lực chế biến – một đòn bẩy vô cùng quan trọng.
Trump đã loại trừ khoáng sản quan trọng khỏi vòng thuế quan đối ứng đầu tiên. Tuy nhiên, những miễn trừ như vậy có thể không đủ để tránh tình trạng thiếu hụt nguồn cung nếu Trung Quốc quyết định cứng rắn.
Trung Quốc đã ra lệnh hạn chế xuất khẩu đối với 7 nguyên tố đất hiếm khác vào tuần trước, bao gồm dysprosium và terbium, là thành phần thiết yếu trong các sản phẩm như động cơ phản lực và xe điện.
Mỹ phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu sản xuất từ Trung Quốc
|
“Chỉ từ phản ứng của thị trường, tôi nói rằng Mỹ hiện tại [đang đau đớn hơn],” Julian Evans-Pritchard, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Capital Economics, bổ sung. “Mỹ đang chịu nhiều áp lực hơn để cố gắng đến bàn đàm phán”.
Những cơn rung chấn đầu tiên của cuộc chiến thương mại – như các chuyến hàng bị trì hoãn từ các cảng khổng lồ của Trung Quốc – vẫn chưa dẫn đến sự bất mãn công khai ở các tỉnh sản xuất phía nam Trung Quốc.
“Tôi chưa gặp một người nào, ngay cả các nhà sản xuất bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thuế quan, đổ lỗi cho Chính phủ”, một nhà sản xuất nước ngoài có trụ sở tại tỉnh Quảng Đông cho biết. ” Thay vào đó, tâm trạng phổ biến mà tôi quan sát được là một tinh thần đối đầu. Tôi nghĩ cách mà Chính phủ Trung Quốc đang áp dụng là khơi dậy niềm tự hào dân tộc”.
Vũ Hạo (Theo FT)
FILI
– 20:00 17/04/2025
Các Sàn forex Uy Tín:
Icmarkets
Exness
Source link
Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.