Cấp bách khắc phục tình trạng thiếu điện

Miền Bắc đang trải qua những ngày nắng nóng đỉnh điểm, việc cắt điện luân phiên khiến sinh hoạt của người dân, hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng.

Cắt điện nhiều nơi

Liên tục những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6, TP Hà Nội và nhiều tỉnh phía Bắc thông báo lịch cắt điện ở nhiều địa bàn, thậm chí các khu công nghiệp. Anh Nguyễn Công Phương, đang sống ở xã An Thượng, huyện Hoài Đức (TP Hà Nội), ngán ngẩm với tình trạng cắt điện lúc nửa đêm trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm đầu tháng 6. Theo anh Phương, gia đình có 2 con nhỏ nên việc mất điện ban đêm làm sinh hoạt đảo lộn, bố mẹ phải thức thâu đêm quạt cho con ngủ.

Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Công ty CP Thương mại và Phát triển công nghệ PMA (huyện Hoài Đức, TP Hà Nội), đã phải điều chỉnh thời gian làm việc của công nhân theo lịch cắt điện trên địa bàn. 

Ông Tuấn Anh cho biết những ngày gần đây, công ty đã bị cắt điện 3 lần, thời gian cắt điện trên 20 giờ, khiến hoạt động sản xuất của công ty bị ảnh hưởng lớn, khả năng sẽ không kịp sản xuất theo tiến độ giao hàng. “Một bộ phận nhân viên công ty phải chuyển sang làm việc vào ca tối. Việc này khiến DN phải chi thêm tiền trợ cấp giờ làm và thay đổi sinh hoạt của mọi người” – ông Tuấn Anh phản ánh.

Cấp bách khắc phục tình trạng thiếu điện - Ảnh 1.

Doanh nghiệp ở Hà Nội bị ảnh hưởng sản xuất do bị tạm ngừng cấp điện .Ảnh: NGUYÊN DƯƠNG

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, tình trạng liên tục mất điện đã ảnh hưởng lớn đến ngành du lịch ở TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh). Nhiều du khách đã trả phòng, kết thúc kỳ nghỉ hè ở Quảng Ninh sớm hơn dự kiến vì không chịu nổi cái nóng và sự bất tiện do mất điện liên tục. Nhiều chủ nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú… méo mặt vì mất khách. 

Bà Nguyễn Thị Yến – chủ chuỗi khách sạn tại phường Bãi Cháy, TP Hạ Long – than thở chỉ vì không có điện nên gia đình bà đã phải tạm dừng kinh doanh, không thể đón khách du lịch theo kế hoạch. “Các nhà nghỉ của gia đình đều trang bị máy phát điện nhưng công suất nhỏ, không đủ để sử dụng máy điều hòa thường xuyên. Có đoàn khách đã lấy phòng nhưng thấy mất điện, họ trả phòng để đi chỗ khác” – bà Yến nói.

Theo ông Nguyễn Thế Huệ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh, hiệp hội đã nhận được thông tin phản hồi từ du khách, các công ty du lịch, lữ hành về tình trạng mất điện liên tục và kéo dài ở TP Hạ Long và một số điểm du lịch nổi tiếng khác. “Tình trạng này dự kiến còn kéo dài và sẽ ảnh hưởng lớn tới ngành du lịch” – ông Huệ lo lắng.

Còn tại tỉnh Thanh Hóa, có tình trạng cắt điện để giảm tải ở nhiều nơi, tuy nhiên việc cắt điện này chủ yếu tập trung ở các vùng nông thôn. Các điểm du lịch trọng điểm, các nhà máy, DN sản xuất lớn trên địa bàn vẫn được cung cấp điện bảo đảm phục vụ sản xuất. Lãnh đạo một DN sản xuất xi-măng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cho hay nhà máy cũng bị cắt điện nhưng theo lịch thông báo trước. 

“Trước khi cắt giảm, ngành điện có thông báo lộ trình cắt giảm thời điểm nào, trong thời gian bao lâu để công ty biết, ngắt các thiết bị bảo đảm giảm tải mà không ảnh hưởng tới sản xuất” – đại diện DN này nói.

Tiếp tục căng thẳng

Ngày 7-6, ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), cho biết việc cung ứng điện cho các khu vực miền Nam, miền Trung nhìn chung sẽ được bảo đảm do có nhiều nguồn điện. Tuy nhiên, tình hình cung ứng điện ở miền Bắc đang rất khó khăn, do đặc trưng nguồn thủy điện chiếm tỉ trọng lớn, với 43,6%.

Theo ông Trần Việt Hòa, tính đến ngày 6-6, hầu hết các hồ thủy điện lớn miền Bắc gồm: Lai Châu, Sơn La, Tuyên Quang, Bản Chát, Hủa Na, Thác Bà đã về mực nước chết. Riêng 2 hồ thủy điện Lai Châu và Sơn La đã phải chạy xuống dưới mực nước chết. 

Duy nhất hồ thủy điện Hòa Bình còn nước trong hồ và có thể duy trì phát điện đến khoảng ngày 13-6. Như vậy, tính đến ngày 6-6, công suất khả dụng của thủy điện là 3.110 MW, chỉ đạt 23,7% công suất lắp đặt. 

Trong khi đó, về nguồn nhiệt điện, do thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao, các tổ máy hoạt động tối đa công suất trong thời gian dài dẫn đến những sự cố về thiết bị. Một khó khăn khác được ông Hòa chỉ ra là khả năng truyền tải điện từ miền Trung ra miền Bắc qua đường dây 500 KV Bắc – Trung luôn ở ngưỡng giới hạn cao dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ sự cố.

Ông Trần Việt Hòa cho hay tổng công suất khả dụng của hệ thống điện miền Bắc có thể huy động để đáp ứng nhu cầu phụ tải điện chỉ đạt mức 17.500 – 17.900 MW (khoảng 59,2% công suất lắp đặt). Trong khi đó, nhu cầu sử dụng điện ở khu vực miền Bắc có thể lên mức 23.500 – 24.000 MW trong những ngày nắng nóng sắp tới. 

Như vậy, hệ thống điện miền Bắc sẽ thiếu hụt khoảng 4.350 MW với sản lượng không đáp ứng được trung bình ngày khoảng 30,9 triệu KWh (ngày cao nhất có thể lên tới 50,8 triệu KWh). “Hệ thống điện miền Bắc đối mặt với nguy cơ thiếu công suất tại hầu hết các giờ trong ngày” – ông Hòa lo ngại.

Về phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng Giám đốc Trần Đình Nhân cho biết từ giữa tháng 4 đến nay gặp khó khăn trong cung cấp điện cho khách hàng. Ông Nhân nhấn mạnh đến nay tình hình cung ứng điện khu vực phía Bắc còn nhiều khó khăn. “Từ nay đến khi nước về các hồ thủy điện bảo đảm tốt nhất, để duy trì hệ thống điện quốc gia vận hành an toàn trong bối cảnh nhu cầu phụ tải tăng cao do nắng nóng, một số thời điểm phải triển khai tiết giảm điện, EVN mong khách hàng thông cảm trong tình huống khó khăn này” – ông Trần Đình Nhân nói.

Thông tin rõ hơn về việc tiết giảm điện, ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng Ban Kinh doanh EVN, cho biết mức tiết giảm điện trong những ngày vừa qua khoảng 30% nhu cầu sử dụng điện vào một số thời điểm cao điểm. 

Việc tiết giảm điện được thực hiện theo Thông tư số 34 của Bộ Công Thương quy định về việc lập và thực hiện kế hoạch cung ứng điện khi hệ thống điện quốc gia thiếu nguồn điện. EVN sẽ ưu tiên cấp điện cho các phụ tải điện quan trọng được các tỉnh, thành phố phê duyệt cũng như các sự kiện chính trị, xã hội quan trọng; các lĩnh vực sản xuất quan trọng, đơn vị sử dụng nhiều lao động…

Khẩn trương ứng phó

Với tình hình cấp bách cung ứng điện cho miền Bắc hiện nay, ông Trần Việt Hòa cho biết Bộ Công Thương đã yêu cầu EVN tập trung huy động mọi nguồn lực, trong chỉ đạo điều hành thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện. 

Trong đó, duy trì độ sẵn sàng các nhà máy, tổ máy nhiệt điện, đẩy nhanh thời gian khắc phục sự cố nhanh nhất có thể. Vận hành hệ thống điện hợp lý, cố gắng tăng huy động nhiệt điện để ngăn chặn suy giảm mực nước thủy điện; đẩy mực nước các hồ thủy điện lớn lên khỏi mực nước chết càng sớm càng tốt.

Cũng theo Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, cần chủ động xây dựng các kịch bản linh hoạt ứng phó với những khó khăn về cung ứng điện nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người dân và DN. Tăng cường huy động các nhà máy năng lượng tái tạo, đẩy nhanh tiến độ đưa các nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp vào vận hành. Đến nay đã huy động 18 nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp với công suất 1.115,62 MW.

Về phía địa phương, bà Hoàng Thị Yến, Chánh Văn phòng Công ty Điện lực Thanh Hóa, cho biết trước tình trạng nắng nóng như hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã thực hiện cắt điện luân phiên để giảm tải, đồng thời ưu tiên cung cấp điện sản xuất – kinh doanh, phục vụ kinh tế – xã hội của địa phương. “Chúng tôi cũng tính tới phương án cắt giảm lượng điện tại các nhà máy, DN trên địa bàn. Phương châm của ngành điện là ưu tiên cho hoạt động du lịch, điện cho DN vẫn ưu tiên nhưng dựa trên kế hoạch sản xuất” – bà Yến thông tin. 

Làm rõ trách nhiệm trong việc cung ứng điện

Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Trần Việt Hòa bày tỏ sự chia sẻ với những khó khăn của khách hàng sử dụng điện trong thời gian qua. “Với bất kỳ lý do gì, để thiếu điện cung ứng cho sự phát triển kinh tế – xã hội là trách nhiệm không thể biện minh của cơ quan quản lý nhà nước cũng như ngành điện. Thay mặt cơ quan quản lý nhà nước cũng như ngành điện, tôi gửi lời xin lỗi đến người dân, DN. Mong người dân, DN chia sẻ với khó khăn của ngành điện, cùng chung tay vượt qua giai đoạn căng thẳng cung ứng điện năm 2023” – ông Trần Việt Hòa bộc bạch.

Ông Hòa thông tin Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện giao Bộ Công Thương, EVN triển khai các giải pháp đáp ứng tình hình cung ứng điện trước mắt và thời gian tới, làm rõ trách nhiệm trong việc cung ứng điện. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, ngay trưa 7-6, Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương đã họp, phân công cụ thể từng đơn vị triển khai các nhóm nội dung trong công điện.

Quảng Ninh ưu tiên điện phục vụ du lịch

Ngày 7-6, UBND tỉnh Quảng Ninh cho hay tỉnh vừa thành lập ban chỉ đạo cung ứng điện để ổn định sản xuất, đời sống người dân và kêu gọi nhân dân thực hiện tiết kiệm điện; giảm tối đa việc cắt điện luân phiên.

UBND tỉnh đồng thời yêu cầu thực hiện rà soát, lựa chọn các ngành, lĩnh vực, khu vực có vai trò, tác động, đóng góp ổn định nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội để có ưu tiên cung ứng điện phù hợp. Tỉnh Quảng Ninh cũng đẩy mạnh tuyên truyền tiết kiệm điện trong cơ quan, đơn vị, DN và người dân.

Cũng trong ngày 7-6, Điện lực Quảng Ninh đã công bố lịch cắt điện trên toàn tỉnh với phương án tối ưu nhằm giảm tối đa ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất – kinh doanh, dịch vụ và sinh hoạt của nhân dân từ ngày 7 đến 11-6. TP Hạ Long và các khu vực du lịch trọng điểm của Hạ Long như Bãi Cháy, Hùng Thắng, Tuần Châu… sẽ được ưu tiên nhằm phục vụ phát triển du lịch.

Tr.Đức

TP HCM và khu vực phía Nam 20 ngày, tiết kiệm hơn 63 triệu KWh điện

Ngày 7-6, Tổng Công ty Điện lực Miền Nam (EVN SPC) cho biết nhờ nỗ lực thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện và tích cực thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải điện tự nguyện (DR) đối với khách hàng, từ ngày 15-5 đến 4-6, trên địa bàn 21 tỉnh phía Nam đã có khoảng 4.568 khách hàng tự nguyện tham gia thực hiện điều chỉnh với công suất tiết giảm gần 869 MW, tương đương sản lượng điện tiết kiệm trên 2,544 triệu KWh. Trong khoảng thời gian trên, các trụ sở, cơ quan hành chính sự nghiệp, khu vực chiếu sáng công cộng, chiếu sáng quảng cáo trang trí ngoài trời và cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm… tại 21 tỉnh đã tiết kiệm được gần 38 triệu KWh.

Còn tại TP HCM, thống kê của Tổng Công ty Điện lực TP HCM (EVNHCMC) cho thấy TP HCM đã tiết kiệm được 22,66 triệu KWh điện trong 20 ngày nêu trên. Bình quân, mỗi ngày TP HCM tiết kiệm được 1,08 triệu KWh điện, tương ứng gần 2,4 tỉ đồng/ngày. Đã có 633 khách hàng tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải. Qua đó, trong nửa cuối tháng 5 đã tiết giảm 107 MW công suất tiêu thụ điện trong những giờ cao điểm, góp phần giảm căng thẳng cho hệ thống điện.

T.Nhân

Các Sàn forex Uy Tín:

Icmarkets

Exness

IQOption

Deriv

Source link

Comments are closed.