Ba kịch bản từ đòn thuế quan của Mỹ

Ba kịch bản từ đòn thuế quan của Mỹ

Từ những thay đổi khó lường trong chính sách thương mại và thuế quan của Mỹ, tổ chức xếp hạng tín dụng Scope Ratings của Đức phác họa ba kịch bản có thể xảy ra: Mỹ áp thuế ‘nhẹ tay’, cuộc chiến thương mại toàn diện và cuộc khủng hoảng kinh tế – tài chính quy mô toàn cầu.




Scope Ratings cảnh báo, cuộc chiến thuế quan do Tổng thống Donald Trump phát động có thể dẫn đến sự mất niềm tin vào đô la Mỹ và các tài sản của Mỹ bị bán tháo, gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính, khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào cơn suy thoái kinh tế kéo dài nhiều năm. Ảnh: Newsweek

“Việc Mỹ công bố loạt thuế đối ứng gần đây cho thấy bước leo thang rõ rệt trong chính sách bảo hộ mà chính quyền Tổng thống Donald Trump đang theo đuổi,” Alvise Lennkh-Yunus, Trưởng bộ phận xếp hạng tín dụng quốc gia của Scope Ratings nhận định trong một báo cáo hôm 15-4.

Nếu được thực thi, các mức thuế này có thể gây ra cú sốc thương mại thời bình lớn nhất trong hơn 100 năm qua đối với kinh tế toàn cầu. Và nếu xu hướng này kéo dài, tác động đến tín dụng của Mỹ (hiện được Scope xếp hạng AA với triển vọng tiêu cực) và các quốc gia khác sẽ rất đáng kể, Lennkh-Yunus cảnh báo.

Dù trong trường hợp lạc quan là các mức thuế của Mỹ bị rút lại hoàn toàn (dù khả năng thấp), niềm tin vào các liên minh và chuỗi cung ứng cũ cũng khó có thể phục hồi trọn vẹn, cho thấy nền kinh tế toàn cầu sẽ chịu những tổn thất lâu dài.

Tác động đến các chỉ số kinh tế như tăng trưởng, lạm phát, nợ công và năng lực tín dụng quốc gia… sẽ phụ thuộc vào cách mà chính sách thuế quan của Mỹ triển khai trên thực tế, phản ứng của các đối tác thương mại, cũng như sức mạnh nội tại và điểm yếu tài chính của từng quốc gia trước cú sốc thuế quan.

Theo Scope Ratings, các đối tác thương mại của Mỹ có thể lựa chọn phản ứng theo nhiều cách bao gồm thỏa hiệp thông qua đàm phán thuế hoặc áp thuế trả đũa Mỹ. Các đối tác cũng có thể tăng cường ký kết hiệp định thương mại tự do với nhau, hoặc thúc đẩy cải cách kinh tế nội địa để giảm thiểu ảnh hưởng từ thuế quan của Mỹ.

Scope đưa ra ba kịch bản có thể xảy ra từ cuộc chiến thuế quan do Mỹ phát động.

Mỹ áp thuế “nhẹ tay”: Thuế quan là điểm khởi đầu cho đàm phán thương mại và hầu hết các đối tác đều xoa dịu Mỹ để được hưởng mức thuế nhẹ hơn so với đề xuất ban đầu. Điều này về cơ bản không gây tổn hại quá nhiều đến dòng chảy thương mại và tài chính toàn cầu. Kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái kỹ thuật, nhưng tăng trưởng vẫn ở mức dương nhẹ trong năm 2025.

Chiến tranh thương mại quy mô lớn: Phần lớn các mức thuế quan mà Mỹ công bố đều được thực hiện và trở thành một đặc điểm cố định trong chính sách thương mại của Mỹ. Hầu hết các nền kinh tế lớn, bao gồm Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc, đều phản ứng bằng các biện pháp trả đũa.

Điều này dẫn đến sự sụt giảm mạnh nhu cầu toàn cầu và sự dịch chuyển của các chuỗi cung ứng, gây bất ổn đáng kể trong năm 2025. Tuy nhiên, dòng vốn vẫn được lưu thông tự do. Mỹ sẽ bước vào suy thoái trong năm 2025. Tăng trưởng toàn cầu sẽ chịu các tác động tiêu cực và điều kiện tín dụng trở nên xấu hơn hơn rõ rệt, đặc biệt là trong các nền kinh tế có mối liên hệ chặt chẽ với thương mại Mỹ

Khủng hoảng kinh tế và tài chính toàn cầu: Các mức thuế quan mà Mỹ đã công bố phần lớn được áp dụng vĩnh viễn và hầu hết các nền kinh tế lớn áp thuế trả đũa Mỹ. Ngoài ra, chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ đưa ra biện pháp kiểm soát vốn. Hệ thống tài chính và giao dịch dựa trên quy tắc toàn cầu có nguy cơ sụp đổ. Sự mất niềm tin vào đô la Mỹ dẫn đến việc định giá lại mạnh mẽ các tài sản của Mỹ, gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính, khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào cơn suy thoái kinh tế kéo dài nhiều năm. Cuộc khủng hoảng này gây ra rủi ro tín dụng lớn cho các quốc gia khác.

Mỹ, trung tâm của thay đổi chính sách thuế quan gây tranh cãi, lại là bên dễ tổn thương nhất, đặc biệt nếu những kịch bản cực đoan thành hiện thực. Sự thống trị của đồng đô la có thể bị thách thức nếu chiến tranh thương mại kéo dài.

“Trong trường hợp chiến tranh thương mại kéo dài, hoặc Mỹ siết dòng vốn ra vào, các phương án thay thế cho đồng đô la có thể dần hình thành”, Lennkh-Yunus cảnh báo.

Ví dụ, Trung Quốc và EU có thể thắt chặt quan hệ thương mại hơn. Trung Quốc có thể mở rộng tài khoản vốn (dòng vốn ra vào biên giới không liên quan trực tiếp đến giao dịch hàng hóa và dịch vụ). Hoặc EU đẩy nhanh tiến trình xây dựng Liên minh tiết kiệm và đầu tư nhằm huy động hiệu quả nguồn tiết kiệm trong khu vực và phân bổ tốt hơn cho đầu tư, đặc biệt là trong khu vực đồng euro.

Dù những bước đi đó không thể diễn ra trong một sớm một chiều, nhưng nếu niềm tin vào vị thế độc tôn của đô la Mỹ bị lung lay, đó sẽ là tin cực kỳ xấu cho tín dụng của Mỹ.

Bên cạnh Mỹ, nhiều quốc gia khác cũng đang đối mặt rủi ro lớn, đặc biệt là những nước phụ thuộc nhiều vào thương mại toàn cầu (như Ireland, Việt Nam, Thái Lan), dễ tổn thương trước lãi suất tăng cao (như Ý), có đồng tiền yếu (như Thổ Nhĩ Kỳ, Georgia), hoặc dựa vào giá dầu để ổn định tài khóa (các nước xuất khẩu dầu mỏ).

Chánh Tài (Theo Reuters, Bloomberg, scoperatings.com)

TBKTSG

– 20:31 20/04/2025


Các Sàn forex Uy Tín:

Icmarkets

Exness

Source link

Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.