AI Trung Quốc tràn ngập thế giới sau thành công của DeepSeek
AI Trung Quốc tràn ngập thế giới sau thành công của DeepSeek
DeepSeek không chỉ cho ngành công nghiệp AI thấy rằng bạn không cần phải chi hàng tỷ USD để xây dựng trí tuệ nhân tạo. Sự kiện này khơi dậy tiềm năng của một thị trường công nghệ Trung Quốc vốn đã im lìm từ lâu và giờ đây các tên tuổi phương Tây từ OpenAI đến Nvidia có thể phải trả giá.
Kể từ khi DeepSeek gây bất ngờ cho OpenAI vào tháng 1/2025 với mô hình mạnh mẽ chỉ tốn vài triệu USD để xây dựng (theo tuyên bố của DeepSeek), các nhà lãnh đạo công nghệ Trung Quốc đã nhanh chóng tung ra thị trường hàng loạt dịch vụ AI giá rẻ, trực tiếp cạnh tranh với các sản phẩm cao cấp từ OpenAI và Google của Alphabet. Chỉ trong 2 tuần qua, các công ty Trung Quốc đã ra mắt không dưới 10 cập nhật hoặc sản phẩm mới – và đó mới chỉ là những tên tuổi lớn trong ngành.
“Nếu bạn cho rằng ý định của các công ty LLM Trung Quốc là phá vỡ thị trường và chiếm thị phần, thì nó đã thành công”, James Wilton, đối tác quản lý và nhà sáng lập của công ty tư vấn doanh nghiệp công nghệ Monevate, cho biết. “Họ có thể sẵn sàng chịu chi phí ngay bây giờ, nhưng nó sẽ không mãi miễn phí”.
Baidu đã nhanh chóng phản ứng bằng việc ra mắt Ernie X1 để cạnh tranh trực tiếp với R1 của DeepSeek. Không kém cạnh, Alibaba Group Holding theo sát với các tác nhân AI (AI Agent) và nâng cấp mô hình lập luận riêng. Chỉ trong tuần qua, Tencent Holdings cũng công bố kế hoạch AI và giải pháp đối đầu với R1. Trong khi đó, Ant Group chia sẻ kết quả nghiên cứu về cách các chip Trung Quốc có thể giảm chi phí xuống còn 1/5 so với trước đây. Bản thân DeepSeek cũng không ngừng cải tiến với việc nâng cấp mô hình V3 của mình.
Đáng chú ý, ngay cả Meituan – công ty vốn được biết đến nhiều nhất là dịch vụ giao đồ ăn lớn nhất thế giới – cũng đã thông báo kế hoạch đầu tư hàng tỷ USD vào AI.
Làn sóng phát triển công nghệ AI ở Trung Quốc không đơn giản chỉ là phản ứng nhất thời với thành công của DeepSeek. Nhìn tổng thể, các mô hình AI – phần lớn đều là mã nguồn mở – đại diện cho nỗ lực của các nhà phát triển nhằm thiết lập tiêu chuẩn toàn cầu, đồng thời giành lấy thị phần lớn hơn trên thị trường quốc tế.
Mặc dù vẫn chưa có kết luận chắc chắn về việc liệu các phiên bản AI này có thể sánh ngang hoặc vượt qua các hệ thống tiên tiến nhất từ các nhà phát triển AI phương Tây hay không, nhưng những lựa chọn mới này đang tạo áp lực lớn lên mô hình kinh doanh của các công ty hàng đầu Mỹ.
Đứng trước áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng, OpenAI đang phải cân nhắc cẩn trọng. Nhà sản xuất ChatGPT cho biết họ đang xem xét việc cung cấp miễn phí một số công nghệ của mình, học hỏi từ thành công của DeepSeek với phương pháp mã nguồn mở. Tuy nhiên, OpenAI cũng xem xét tính phí cao hơn nhiều cho các sản phẩm tinh vi nhất của họ.
Nếu mô hình chi phí thấp của DeepSeek được nhân rộng, điều này có thể thu hẹp đáng kể lợi nhuận của Nvidia – công ty chuyên về các chip AI đắt tiền, khiến việc “điều chỉnh” định giá là không thể tránh khỏi.
Lịch sử cho thấy, trong những năm qua, các công ty Trung Quốc đã thành công trong việc loại bỏ đối thủ toàn cầu trong nhiều ngành công nghiệp đa dạng như xe điện và tấm pin năng lượng mặt trời, bằng cách sản xuất với quy mô lớn và cạnh tranh quyết liệt về giá. Mẫu hình này dường như đang lặp lại trong lĩnh vực AI.
“Đó là một vấn đề lớn”, Awadallah, người chuyên giúp các doanh nghiệp xây dựng và triển khai các trợ lý AI, nhận định. “Chúng ta sắp chứng kiến xu hướng giảm biên lợi nhuận đáng kể cho các công ty trong toàn bộ hệ sinh thái. Không chỉ các nhà xây dựng mô hình AI, mà còn các công ty cung cấp linh kiện cho hệ sinh thái”.
Các mô hình nguồn mở, hiệu suất cao và tiết kiệm tài nguyên của DeepSeek đang được sao chép và sử dụng trên toàn cầu, bao gồm cả ở Mỹ và Ấn Độ – ngay cả khi các doanh nghiệp và Chính phủ ở các quốc gia này đang hạn chế quyền truy cập vào chính DeepSeek trên thiết bị của nhân viên.
Các nhà phát triển Trung Quốc đang định hình lại thị trường và đặt ra hoài nghi về các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng khổng lồ mà ông lớn công nghệ phương Tây như OpenAI và Microsoft đã cam kết.
Đồng thời, các nhà cung cấp dịch vụ đám mây Trung Quốc – những đơn vị đang hỗ trợ việc phát triển AI – đang đồng loạt giảm giá mạnh. Cuộc cạnh tranh về giá này đang có nguy cơ vượt ra khỏi biên giới Trung Quốc và ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu.
“Đó chỉ là một sự tiến hóa tự nhiên của cuộc chiến giá cả trong hệ sinh thái Trung Quốc lan rộng ra các thị trường khác”, Kevin Xu, nhà đầu tư công nghệ và nhà sáng lập của Interconnected Capital có trụ sở tại Mỹ cho biết.
Vào ngày 25/03, Chủ tịch Alibaba Joe Tsai đã cảnh báo về nguy cơ hình thành bong bóng trong việc xây dựng trung tâm dữ liệu (data center), lập luận rằng tốc độ xây dựng có thể vượt quá nhu cầu ban đầu về dịch vụ AI. “Tôi vẫn ngạc nhiên trước những con số đang được đưa ra ở Mỹ về các khoản đầu tư vào AI”, Tsai nói tại một hội nghị ở Hồng Kông. “Mọi người thực sự đang nói về 500 tỷ USd, hàng trăm tỷ USD. Tôi không nghĩ điều đó hoàn toàn cần thiết”.
![]() Chủ tịch Alibaba Joe Tsai
|
Một số chuyên gia kỳ vọng rằng làn sóng mô hình nguồn mở sẽ sớm lan sang các lĩnh vực liên quan từ thị giác máy tính đến robotics và tạo hình ảnh trong những tháng tới.
Theo Balaji Srinivasan, nhà đầu tư công nghệ và cựu đối tác chung của Andreessen Horowitz, với thế mạnh sẵn có của Trung Quốc trong lĩnh vực phần cứng, khi các mô hình AI trở nên rẻ hơn và dễ tiếp cận hơn, nhu cầu về các thiết bị được tích hợp công nghệ AI cũng sẽ tăng cao.
“Trung Quốc đang cố gắng làm với AI những gì họ luôn làm: Nghiên cứu, sao chép, tối ưu hóa, và sau đó đẩy mọi người vào phá sản với giá thấp và quy mô khổng lồ”, Balaji Srinivasan nhận định trên mạng xã hội X.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FILI
– 10:17 26/03/2025
Các Sàn forex Uy Tín:
Icmarkets
Exness
Source link
Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.