Vì sao chứng khoán Hàn Quốc tăng bứt phá 30%?

Vì sao chứng khoán Hàn Quốc tăng bứt phá 30%?

Hàn Quốc đã tạo nên bước đột phá ngoạn mục nhờ kỳ vọng vào việc tân Tổng thống sẽ thúc đẩy các cải cách thân thiện với cổ đông, đưa thị trường chứng khoán nước này trở thành điểm sáng không chỉ của châu Á mà còn trên phạm vi toàn cầu.

Diễn biến chỉ số chứng khoán châu Á năm nay




Nguồn: FactSet

Hàn Quốc vừa trải qua một loạt biến động lớn, vào tháng 12, Tổng thống nước này từng tìm cách ban bố thiết quân luật, dẫn đến một giai đoạn bất ổn chính trị kéo dài và đỉnh điểm là việc ông bị luận tội, phế truất. Ngay sau đó, cuộc chiến thương mại do Tổng thống Trump khởi xướng đã trực tiếp tác động đến nền kinh tế xuất khẩu của Hàn Quốc, đặc biệt là các ngành ô tô và điện tử.

Thị trường chứng khoán Seoul, nơi nhà đầu tư trong nước chiếm ưu thế, đã chao đảo dưới sức ép của những biến động chính trị cả trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, chỉ trong vài tháng gần đây, tình hình đã thay đổi rõ rệt. Thị trường chứng khoán Hàn Quốc vươn lên trở thành thị trường có thành tích tốt nhất châu Á, bỏ xa các đối thủ trong nửa đầu năm 2025. Chỉ số Kospi, đại diện cho các tập đoàn công nghiệp lâu đời cũng như các start-up công nghệ đã tăng 30% kể từ đầu năm, vượt qua nhiều chỉ số lớn khác trên thế giới.

Tại Mỹ, chỉ số S&P 500 dù đã tăng hơn 20% so với mức đáy hồi tháng 4, nhưng tính từ đầu năm đến nay chỉ đạt mức tăng 6%.

Theo các nhà phân tích, động lực chính giúp thị trường Hàn Quốc bứt phá là nhờ sự trở lại của một chính phủ thống nhất, cam kết sẽ thực hiện các cải cách có lợi cho nhà đầu tư. Nhiều người gọi đây là “hiệu ứng Lee Jae Myung”, lấy theo tên vị Tổng thống vừa đắc cử tháng trước.

“Thị trường Hàn Quốc phản ứng mạnh mẽ vì đã có Tổng thống mới sau tuyên bố thiết quân luật”, ông Tom Ramage, chuyên gia phân tích chính sách kinh tế tại Viện Kinh tế Hàn Quốc tại Mỹ (một tổ chức do chính phủ Hàn Quốc hậu thuẫn), nhận định. “Người dân thực sự mong đợi một sự ổn định nào đó”.

Năm ngoái, thị trường chứng khoán Hàn Quốc lao dốc khi dòng tiền đầu tư chuyển hướng mạnh mẽ sang Đài Loan, nơi nổi bật nhờ ngành sản xuất bán dẫn công nghệ cao. Bên cạnh đó, sự kiện thất bại trong nỗ lực chiếm quyền kiểm soát tại Quốc hội Hàn Quốc không chỉ khiến giới đầu tư thêm hoang mang mà còn làm tiêu tan hy vọng về những cải cách nhằm giải quyết tình trạng định giá doanh nghiệp thấp kéo dài suốt nhiều năm.

Trong nhiều thập kỷ, thị trường chứng khoán Hàn Quốc luôn bị ám ảnh bởi cái gọi là “chiết khấu Hàn Quốc”. Các doanh nghiệp tại đây thường bị giao dịch ở mức giá thấp hơn đáng kể so với giá trị sổ sách, thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp cùng ngành ở các thị trường khác. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc quyền lợi của cổ đông còn yếu, trong bối cảnh nền kinh tế bị các tập đoàn chaebol như Samsung, LG, Hyundai vốn nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ của các gia đình sáng lập chi phối.

Lợi suất chứng khoán không phải lúc nào cũng trở thành chủ đề nóng trong các kỳ bầu cử. Tuy nhiên, tại Hàn Quốc, khoảng 2/3 chỉ số Kospi thuộc sở hữu của nhà đầu tư trong nước, và theo Goldman Sachs, khoảng 1/3 nhà đầu tư cá nhân trực tiếp nắm giữ cổ phiếu. Đầu tư chứng khoán cũng được xem là kênh tích lũy tài sản lành mạnh hơn bất động sản, vốn đã tăng giá quá nóng tại các khu vực nổi tiếng ở Seoul, khiến nhiều người trẻ gần như tuyệt vọng với giấc mơ sở hữu nhà.

Các chuyên gia cho rằng, sự phục hồi mạnh mẽ của chứng khoán Hàn Quốc trong thời gian gần đây chủ yếu đến từ việc đất nước này đã có một chính phủ thống nhất, với cam kết thực hiện các cải cách có lợi cho nhà đầu tư. Ảnh: Ahn Young-Joon/Associated Press

Ông Ramage nhận định: “Việc làm cho thị trường chứng khoán trở nên hấp dẫn hơn với cổ đông, đồng thời khuyến khích đầu tư dài hạn, sẽ giúp điều tiết các hoạt động đầu cơ và mở ra thêm một con đường để người dân Hàn Quốc tích lũy tài sản”.

Trước đó, Đảng Quyền Lực Nhân Dân bảo thủ của cựu Tổng thống Yoon Suk Yeol từng nỗ lực giải quyết vấn đề chiết khấu Hàn Quốc bằng các chính sách lấy cảm hứng từ những thay đổi đã giúp thị trường chứng khoán Nhật Bản bứt phá. Tuy nhiên, các biện pháp này chủ yếu mang tính tự nguyện nên không tạo được niềm tin nơi nhà đầu tư.

Thêm vào đó, các cải cách của ông Yoon cũng không đủ sức thuyết phục một nhóm tư vấn có ảnh hưởng để tái phân loại Hàn Quốc thành thị trường phát triển thay vì thị trường mới nổi, điều có thể giúp quốc gia này thu hút thêm hàng chục tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài.

Ông Lee bước vào chiến dịch tranh cử với lời hứa mạnh mẽ sẽ giải quyết triệt để tình trạng cổ phiếu Hàn Quốc bị định giá thấp, thậm chí đặt mục tiêu gần như nhân đôi chỉ số Kospi. Ông chủ trương sửa đổi các quy định tài chính, buộc đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp phải đặt lợi ích của toàn bộ cổ đông lên hàng đầu, đồng thời đề xuất điều chỉnh chính sách thuế để khuyến khích doanh nghiệp tăng chi trả cổ tức cho nhà đầu tư.

Khác với người tiền nhiệm Yoon, Đảng Dân chủ của ông Lee hiện đang nắm thế đa số tại Quốc hội, tạo điều kiện thuận lợi để hiện thực hóa các cam kết cải cách. Ngay sau cuộc bầu cử, làn sóng quan tâm từ các quỹ đầu tư quốc tế đổ dồn về Seoul, dòng vốn ngoại chảy mạnh vào thị trường với kỳ vọng thời điểm cải tổ đã thực sự chín muồi.

Ông Herald van der Linde, Giám đốc chiến lược cổ phiếu châu Á của HSBC, nhận định: “Không chỉ giới đầu tư trong nước mà cả các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang rất hào hứng. Các yếu tố thuận lợi đều đã hội tụ”.

Bên cạnh kỳ vọng cải cách, thị trường chứng khoán Hàn Quốc còn được hỗ trợ bởi nhiều động lực khác. Dù tăng trưởng kinh tế năm nay dự báo ở mức thấp và đồng won mạnh lên gây áp lực lên xuất khẩu, ngành sản xuất trong nước vẫn cho thấy dấu hiệu phục hồi. Các doanh nghiệp Hàn Quốc hiện đang sản xuất nhiều mặt hàng chiến lược được thị trường quốc tế săn đón như lò phản ứng hạt nhân nhỏ, tàu chở hàng và hệ thống vũ khí.

Tuy nhiên, bức tranh tổng thể vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Xuất khẩu Hàn Quốc tiếp tục chịu sức ép lớn từ thuế quan của Mỹ, và nguy cơ đối mặt với các đợt áp thuế mới vẫn hiện hữu.

Các cải cách tài chính mà ông Lee đề xuất hiện tại chủ yếu vẫn dừng ở mức cam kết, với những giải pháp dễ thực hiện đang được Quốc hội xem xét. Về lâu dài, nhà đầu tư kỳ vọng vào những thay đổi căn bản hơn trong cấu trúc các tập đoàn chaebol, đặc biệt là việc tháo gỡ các mối liên kết phức tạp giữa các công ty vốn là nguyên nhân dẫn đến xung đột lợi ích giữa ban lãnh đạo và cổ đông.

Ông van der Linde nhận định: “Nếu thực sự tháo gỡ được các khoản sở hữu chéo này, định giá doanh nghiệp sẽ tăng lên đáng kể, qua đó cải thiện mạnh mẽ lợi nhuận. Tuy nhiên, đây là một quá trình không hề đơn giản và có thể sẽ kéo dài nhiều năm”.

Quốc An (Theo NYTimes)

FILI

– 09:40 07/07/2025


Các Sàn forex Uy Tín:

Icmarkets

Exness

Source link

Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.