ECB hạ lãi suất lần thứ 7, cảnh báo triển vọng đã xấu đi nhiều vì thuế quan Trump

ECB hạ lãi suất lần thứ 7, cảnh báo triển vọng đã xấu đi nhiều vì thuế quan Trump

Trong bối cảnh lo ngại về căng thẳng thương mại toàn cầu đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã quyết định hạ lãi suất lần thứ 7 kể từ tháng 6 năm ngoái, nhằm bảo vệ nền kinh tế khu vực trước nguy cơ suy thoái.

Theo thông báo mới nhất, ECB đã giảm lãi suất 0.25 điểm phần trăm, xuống còn 2.25%, đúng như dự đoán của hầu hết các nhà phân tích được Bloomberg thăm dò. Điều đáng chú ý là các nhà hoạch định chính sách đã loại bỏ từ “hạn chế” (restrictive) khi nói về lập trường chính sách tiền tệ, tín hiệu cho thấy một sự thay đổi đáng kể trong cách nhìn nhận về tình hình kinh tế hiện tại.

“Rủi ro suy giảm đối với tăng trưởng kinh tế đã gia tăng”, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cảnh báo trong cuộc họp báo tại Frankfurt vào ngày 17/04. “Bước leo thang lớn trong căng thẳng thương mại toàn cầu và những bất ổn liên quan có thể sẽ làm giảm tăng trưởng khu vực đồng Euro bằng cách làm giảm xuất khẩu, đồng thời có thể kéo theo sự sụt giảm đầu tư và tiêu dùng. Tâm lý thị trường tài chính xấu đi có thể dẫn đến điều kiện tài chính thắt chặt hơn”.

Sau thông tin trên, trái phiếu Đức đã bớt giảm, với lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm giảm nhẹ xuống 2.5%. Trong khi đó, đồng Euro tiếp tục đà giảm trước đó, mất giá tới 0.6% so với đồng USD, xuống còn 1.336 USD.

Chỉ vài tuần trước, ECB còn đang cân nhắc việc tạm dừng chiến dịch nới lỏng tiền tệ của mình. Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi hoàn toàn sau khi Tổng thống Donald Trump bất ngờ thông báo áp đặt thuế quan lên các đối tác thương mại của Mỹ. Điều này đã khiến quan điểm trong nội bộ ECB nghiêng về hướng tiếp tục cắt giảm lãi suất.

Triển vọng về một đợt cắt giảm lãi suất khác trở nên khả thi hơn đối với các nhà hoạch định chính sách khi lạm phát ở châu Âu tiếp tục giảm, tiến gần hơn đến mục tiêu 2% của ECB. Xu hướng này được củng cố bởi giá năng lượng giảm và sự sụt giảm trong các chỉ số niềm tin kinh tế. Đáng chú ý, sự tăng giá bất ngờ của đồng Euro gần đây đã đưa đồng tiền chung lên mức đỉnh 3 năm so với đồng USD.

“Đồng Euro đã mạnh lên trong những tuần gần đây khi tâm lý nhà đầu tư ở châu Âu tỏ ra kiên cường hơn so với các nền kinh tế khác”, Lagarde nhận định.

Thị trường tài chính hiện dự báo sẽ có thêm 2 đợt giảm lãi suất nữa trước khi kết thúc năm nay, và có khoảng 40% khả năng sẽ có đợt cắt giảm thứ ba.

Cách diễn đạt mới trong tuyên bố của ECB cho thấy ngân hàng trung ương này hiện coi chính sách tiền tệ đang ở mức trung lập – tức không kích thích nhưng cũng không hạn chế hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu các nhà hoạch định chính sách có thấy cần thiết phải tiếp tục cắt giảm lãi suất xuống dưới ngưỡng này hay không.

Với lạm phát đã đang trên đà giảm, mối lo ngại lớn nhất hiện nay là thuế quan của Mỹ có thể dập tắt hy vọng về sự phục hồi trong nền kinh tế 20 quốc gia của khu vực đồng Euro (Eurozone).

Mặc dù Trump có một số dấu hiệu nhượng bộ, các sản phẩm của Liên minh châu Âu (EU) vẫn phải đối mặt với thuế quan đối ứng 10% trong 90 ngày, mà không có dấu hiệu chắc chắn về những gì sẽ xảy ra sau đó. Đồng thời, cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng leo thang – làm tăng nguy cơ một số hàng hóa của Trung Quốc có thể bị chuyển hướng sang thị trường châu Âu với giá rẻ.

Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang đối mặt với tình thế khó khăn hơn và có thể buộc phải giữ nguyên lãi suất cho đến khi tình hình trở nên rõ ràng hơn. Chủ tịch Fed Jerome Powell đã cảnh báo vào ngày 16/04 rằng một nền kinh tế suy yếu kết hợp với lạm phát cao có thể khiến các mục tiêu kép về ổn định giá cả và việc làm tối đa của họ xung đột với nhau.

Ngược lại, dữ liệu mới nhất từ khu vực đồng Euro cho thấy quá trình giảm lạm phát đang diễn ra đúng như dự kiến. Số liệu tháng 3 cho thấy giá cả chỉ tăng 2.2% so với cùng kỳ năm trước, trong khi thành phần dịch vụ – vốn được theo dõi sát sao – đã giảm từ 3.7% xuống 3.5%.

“Sự gián đoạn thương mại toàn cầu ngày càng gia tăng đang làm tăng thêm bất ổn đối với triển vọng lạm phát châu Âu”, bà Lagarde nhấn mạnh. “Giá năng lượng toàn cầu giảm cùng với sự tăng giá của đồng Euro có thể tạo thêm áp lực giảm đối với lạm phát. Điều này có thể bị đẩy mạnh hơn bởi nhu cầu thấp hơn đối với hàng xuất khẩu của Eurozone do thuế quan cao hơn và sự chuyển hướng xuất khẩu vào khu vực đồng Euro từ các quốc gia có dư thừa công suất sản xuất”.

Các nhà kinh tế học tham gia cuộc khảo sát của Bloomberg dự báo ECB sẽ tiếp tục hạ lãi suất vào tháng 6, sau đó lãi suất sẽ được giữ ổn định ở mức 2% ít nhất cho đến cuối năm sau.

Tuy nhiên, trong bối cảnh bất ổn hiện tại, các tổ chức tài chính lớn như Goldman Sachs, Deutsche Bank và Bank of America đang dự báo mức giảm lãi suất có thể sâu hơn nhiều.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FILI

– 20:54 17/04/2025


Các Sàn forex Uy Tín:

Icmarkets

Exness

Source link

Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.