[Longform] Bà Nguyễn Hoài Thu (VinaCapital): Nâng hạng chứng khoán có ý nghĩa quan trọng với nền kinh tế

Bà Nguyễn Hoài Thu (VinaCapital): Nâng hạng chứng khoán có ý nghĩa quan trọng với nền kinh tế

Trước những dự báo lạc quan nhưng cẩn trọng cho tăng trưởng kinh tế năm 2025, bà Nguyễn Hoài Thu – Tổng Giám đốc Khối Đầu tư chứng khoán, VinaCapital – cho rằng, chứng khoán là kênh đầu tư sẽ tăng trưởng vượt bậc về quy mô trong vài năm tới.

Nhìn lại năm 2024, theo bà, đâu là điểm sáng đáng chú ý nhất của nền kinh tế Việt Nam trong năm qua?

Bà Nguyễn Hoài Thu: Kết thúc năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước tiến rõ rệt. Tính chung cả năm, GDP tăng trưởng 7.1% so với năm trước, nằm trong nhóm các quốc gia tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới.

Nếu quay lại thời điểm vào cuối năm 2023 và đầu năm 2024 – khi nền kinh tế vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức và GDP cả năm 2023 chỉ tăng 5.1%, gần như không có ai nghĩ đến việc kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng được trên 7% trong năm 2024. Nhưng kết quả là nền kinh tế nước ta đã tăng trưởng vượt kỳ vọng, với tăng trưởng GDP liên tục quý sau cao hơn quý trước.

Sự vững vàng và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế được nhìn thấy rõ qua các động lực chính của tăng trưởng. Chẳng hạn như, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành chế biến, chế tạo tăng 9.6% trong năm 2024, cao nhất kể từ năm 2020. Cùng với sản xuất công nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu cũng là điểm sáng nổi bật của kinh tế Việt Nam năm 2024 với xuất khẩu tăng 14.3% và nhập khẩu tăng 16.7%. Xuất siêu năm 2024 đạt 24.8 tỷ USD. Đây là năm thứ 9 cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu liên tiếp, nhờ đó giảm bớt đáng kể áp lực của tỷ giá trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã giữ lãi suất cao và đồng USD duy trì vị thế mạnh trong một thời gian dài.

Những thành tựu của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024 không chỉ khẳng định sức mạnh nội tại của nền kinh tế mà còn cho thấy khả năng thích ứng và phát triển của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu thay đổi. Chúng tôi đã chia sẻ với các nhà đầu tư quốc tế rằng, Việt Nam sẽ tiếp tục kiên định với các chiến lược tăng trưởng dài hạn, đã đem lại thành công vượt bậc trong suốt 20 năm qua. Những chiến lược này bao gồm việc thu hút đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh hợp tác thương mại quốc tế, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng và công nghệ, góp phần củng cố nền tảng kinh tế vững mạnh.

Đâu sẽ là yếu tố tác động nhiều nhất lên tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2025?

Chúng tôi khá tin tưởng vào nội lực và các chính sách phát triển kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, cần nhìn nhận rằng, bối cảnh kinh tế và chính trị trên toàn cầu sẽ có nhiều biến động trong năm 2025, nhất là chính sách thương mại của Mỹ – thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với nhiệm kỳ mới của Tổng thống Donald Trump sẽ có nhiều thay đổi. Do đó, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng.

Hiện tại, VinaCapital đang dự báo GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 6.5% trong năm 2025, với kỳ vọng rằng động lực tăng trưởng sẽ chủ yếu từ các yếu tố trong nước, thay vì từ xuất khẩu như trong năm 2024.

Chính phủ đã đặt mục tiêu sẽ tăng cường đầu tư đáng kể cho cơ sở hạ tầng vào năm 2025. Điều này sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng cho nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế. Chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, chiếm khoảng 5% GDP của Việt Nam, dự kiến sẽ tăng 15% vào năm 2025, đóng góp gần 1% cho tăng trưởng GDP.

Tiêu dùng trong nước đã có phục hồi đáng kể trong những tháng gần đây. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý 4/2024 tăng 9.3% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất trong 4 quý của năm 2024. Chúng tôi cho rằng, tâm lý tiêu dùng sẽ tiếp tục cải thiện trong năm 2025, nhờ thu nhập và tiền lương của người lao động tăng lên sau khi tình hình kinh doanh của nhiều doanh nghiệp được cải thiện trong năm 2024 và một phần nhờ vào các biện pháp của Chính phủ để làm “tan băng” thị trường bất động sản.

Nhìn ra quốc tế, đâu sẽ là những yếu tố có thể tác động lên nền kinh tế Việt Nam?

Truyền thông trong nước và thế giới nói rất nhiều về tác động từ thuế quan của Tổng thống Trump áp lên hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ. Tác động lên Việt Nam là có. Tuy nhiên, chúng tôi thấy rằng, không cần quá lo lắng về những chính sách của Tổng thống Trump đối với Việt Nam. Việt Nam có vai trò quan trọng đối với các mục tiêu kinh tế và chính trị của Mỹ. Quan hệ ngoại giao giữa 2 nước cũng vừa được nâng cấp lên thành đối tác chiến lược toàn diện từ tháng 9/2023.

Mục tiêu của Tổng thống Trump là đưa sản xuất trở lại Mỹ, tạo thêm nhiều việc làm và giảm thâm hụt thương mại. Tuy nhiên, nếu nhìn vào những sản phẩm mà Mỹ nhập khẩu từ Việt Nam, có thể thấy là việc sản xuất các sản phẩm này ở Mỹ là không khả thi, do các vấn đề về chi phí đầu tư, nhân công, tay nghề lao động. Do đó, việc đánh thuế cao lên các sản phẩm từ Việt Nam, vừa không phải là mục tiêu về chính trị, vừa không giải quyết được bài toán kinh tế mà Tổng thống Trump mong muốn. Hơn nữa, niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ đều gia tăng sau khi ông Trump đắc cử. Vì vậy, nhu cầu đối với hàng hóa “Made in Vietnam” có thể vẫn duy trì mạnh trong những năm tới.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần phải có những bước đi để giảm thặng dư thương mại với Mỹ. Hiện tại, Việt Nam là quốc gia có thặng dư thương mại với Mỹ lớn thứ 3 trên thế giới, sau Trung Quốc và Mexico. Trong 11 tháng đầu năm 2024, thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ ước tính lên đến hơn 110 tỷ USD. Con số thặng dư này có thể giảm bớt trong tương lai, nhờ các hợp đồng mua khí hóa lỏng (LNG) từ Mỹ để sử dụng cho các nhà máy điện đang được xây dựng và các hợp đồng mua máy bay. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần phải lưu ý kiểm soát việc các doanh nghiệp Trung Quốc có thể sử dụng Việt Nam như một quốc gia trung chuyển hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ.

Thu hút FDI là điểm sáng năm 2024. Vậy trong thời gian tới, Việt Nam có lợi thế nào để tiếp tục duy trì dòng vốn này?

Trong thời gian tới, các chính sách thúc đẩy đầu tư, lực lượng lao động chất lượng cao và chi phí cạnh tranh của Việt Nam vẫn tiếp tục là lợi thế nổi bật. Về chất lượng, lao động Việt Nam không hề thua kém so với Trung Quốc, theo nhiều khảo sát của JETRO và các tổ chức khác, với mức lương nhân công nhà máy chỉ bằng khoảng một nửa so với Trung Quốc. Bên cạnh đó, vị trí địa lý của Việt Nam gần các chuỗi cung ứng lớn, đặc biệt là những chuỗi cung ứng sản phẩm công nghệ cao, cũng là một yếu tố quan trọng. Chính sách “ngoại giao cây tre” của Việt Nam đã giúp duy trì mối quan hệ tốt đẹp với tất cả các cường quốc trên thế giới, bao gồm cả Mỹ, từ đó khuyến khích dòng vốn FDI tiếp tục đổ vào Việt Nam.

Gần đây, có thể kể đến một số chính sách quan trọng trong việc thu hút đầu tư của Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao, cụ thể như Quyết định số 1018/QĐ-TTg ngày 21/9/2024 ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, hay Nghị định 182/2024/NĐ-CP quy định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư.

Theo bà, các chính sách vĩ mô năm 2025 sẽ tác động như thế nào với thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam?

Quốc hội giao Chính phủ mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 là 6.5-7%, phấn đấu 7-7.5%. Đây là mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng, trong bối cảnh kinh tế và chính trị toàn cầu có nhiều biến động.

Trong năm 2025, sẽ có nhiều bộ luật sửa đổi đi vào hiệu lực như Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Chứng khoán, Luật Điện lực… Hy vọng những quy định mới trong các luật này là những thay đổi hết sức kịp thời và cần thiết trong bối cảnh kinh tế hiện tại, nhằm thúc đẩy các hoạt động đầu tư và kinh doanh.

Các chính sách kinh tế của Việt Nam trong năm 2025 tập trung nhiều hơn vào nội lực của nền kinh tế, như: đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, tháo gỡ những vướng mắc cho thị trường bất động sản, khuyến khích các ngân hàng thương mại duy trì mức lãi suất thấp để hỗ trợ hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.

Đối với TTCK, quyết tâm nâng hạng mang ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước và các doanh nghiệp niêm yết. Nâng hạng sẽ giúp thu hút dòng vốn ngoại vào thị trường, đồng thời giảm bớt mức độ biến động, khắc phục tình trạng nhà đầu tư cá nhân chiếm hơn 90% giá trị giao dịch trên TTCK.

Năm 2025 là thời điểm đặc biệt quan trọng, khi dòng vốn quốc tế được dự báo sẽ tiếp tục rút khỏi thị trường Trung Quốc do căng thẳng về thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, và các nhà đầu tư tổ chức lớn đang tìm kiếm các TTCK tiềm năng khác, tiêu biểu như Việt Nam, để giải ngân.

Tỷ giá có được xem là rủi ro cho TTCK trong năm 2025?

Trong 2 tuần đầu năm 2025, TTCK Việt Nam đã gặp chút áp lực về tỷ giá do Cục Dự trữ Liên bang (Mỹ) vẫn duy trì mức lãi suất cao lâu hơn dự kiến và đồng USD vẫn có vị thế mạnh trên thị trường tiền tệ quốc tế.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, rủi ro đối với TTCK là không quá lớn, do mức định giá tương đối thấp của thị trường hiện tại. VinaCapital đang dự báo lợi nhuận cốt lõi (sau khi loại trừ các khoản thu nhập bất thường) của các doanh nghiệp niêm yết sẽ tăng trưởng khoảng 20% trong năm 2025. Với tăng trưởng như vậy, chỉ số P/E của VN-Index cho năm 2025 sẽ rơi về mức khoảng 10 lần. Đây là mức định giá rẻ, vô cùng hấp dẫn với các nhà đầu tư trong bối cảnh Chính phủ đang thúc đẩy kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tới và TTCK Việt Nam đang được FTSE Russell xem xét đánh giá để nâng hạng lên thị trường mới nổi.

Bà dự báo gì về hoạt động của khối ngoại nói chung và riêng các quỹ đầu tư ngoại trong năm 2025?

Trong năm 2024, do lãi suất tại thị trường Mỹ cao và đồng USD ở vị thế mạnh, các nhà đầu tư quốc tế đã bán ròng tại hầu hết các TTCK mới nổi và cận biên. Tại TTCK Việt Nam, khối ngoại đã bán ròng 3.7 tỷ USD trong năm 2024.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào kết quả hoạt động của các quỹ ngoại tại Việt Nam, chúng ta lại thấy một bức tranh khá tích cực. Trong năm 2024, bất chấp nhiều biến động, nhiều quỹ ngoại tại Việt Nam vẫn đạt được mức lợi nhuận trên dưới 15%, tính theo USD. Với các nhà đầu tư nước ngoài duy trì đầu tư vào TTCK Việt Nam, họ vẫn có được kết quả đầu tư khá tốt.

Trong năm 2025, chúng tôi cho rằng, TTCK Việt Nam có khả năng thu hút dòng tiền nước ngoài trở lại với triển vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi. Định giá cổ phiếu và dự báo tăng trưởng của các doanh nghiệp niêm yết đều đang ở mức hấp dẫn. Bên cạnh đó, áp lực về tỷ giá sẽ giảm bớt vào 6 tháng cuối năm, đồng thời các nhà đầu tư sẽ nhận ra rằng, chính sách thuế quan của Tổng thống Trump sẽ không gây ra nhiều tác động tiêu cực cho Việt Nam.

Bà nghĩ nhà đầu tư trên TTCK nên có chiến lược đầu tư như thế nào trong thời gian tới?

Các nhà đầu tư cần xác định đầu tư chứng khoán là một công việc đòi hỏi chuyên môn cao và tốn nhiều thời gian cho việc phân tích, tìm kiếm những cơ hội đầu tư tốt. Có một chiến lược đúng và tuân thủ kỷ luật đầu tư là các yếu tố quan trọng để có được kết quả đầu tư tích cực. Nhà đầu tư nên có tầm nhìn dài hạn, hiểu rõ mô hình kinh doanh và có khả năng dự báo được triển vọng của các doanh nghiệp mà mình đầu tư vào. Đồng thời, nên lựa chọn các doanh nghiệp có đội ngũ điều hành có năng lực và đáng tin cậy, và xác định được mức giá cổ phiếu trên thị trường là đắt hay rẻ so với triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp. Nên tránh các cổ phiếu không có nền tảng và những doanh nghiệp có thể là tốt nhưng đang được định giá đắt do sự hưng phấn thái quá trên thị trường.

Với các nhà đầu tư không có chuyên môn hay không đủ thời gian thì nên lựa chọn đầu tư vào quỹ mở từ một công ty quản lý quỹ chuyên nghiệp. Các quỹ mở ở Việt Nam đều có kết quả đầu tư tích cực trong những năm qua. Lấy ví dụ các quỹ mở cổ phiếu do VinaCapital quản lý đã đạt được mức lợi nhuận từ 22% đến 34% tùy từng quỹ với các chiến lược đầu tư khác nhau trong năm 2024, vượt xa mức tăng 12% của chỉ số VN-Index. Trong giai đoạn 5 năm, từ 2020-2024, các quỹ mở cổ phiếu của VinaCapital đã đạt được mức lợi nhuận kép trung bình hàng năm từ 16.3% đến 20.4%, so với mức tăng trưởng kép của VN-Index chỉ 5.7% trong cùng giai đoạn.

Trong năm qua, dường như chỉ có kênh vàng và tài sản số liên tục lập ra nhiều kỷ lục mới. Theo bà, trong năm 2025, kênh đầu tư nào có nhiều lợi thế hút vốn (tiền gửi, chứng khoán, vàng, bất động sản, tài sản số…)?

Tiền gửi vẫn là kênh đầu tư truyền thống và an toàn, rủi ro thấp. Vàng là phương tiện để cất trữ tài sản hơn là để đầu tư. Tiền số là loại tài sản mới, rủi ro cao mà rất ít người hiểu được bản chất.

Bất động sản vẫn luôn là lựa chọn yêu thích của đa số nhà đầu tư Việt Nam. Tuy nhiên, đầu tư bất động sản đòi hỏi một số vốn lớn và mặc dù thị trường đang ấm lên, các nhà đầu tư cần lưu ý việc giá bất động sản ở Việt Nam đang cao so với thu nhập trung bình của người dân. Tìm ra một bất động sản có khả năng sinh lời cao trong tương lai vào thời điểm hiện tại là điều không dễ dàng chút nào.

Xét về triển vọng dài hạn, mối tương quan giữa lợi nhuận kỳ vọng và rủi ro, tôi cho rằng chứng khoán là kênh đầu tư có tiềm năng lớn và có khả năng thu hút mối quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Cộng thêm yếu tố thanh khoản và dễ tiếp cận (mức đầu tư tối thiểu vào quỹ mở chỉ bằng một tô phở bình dân) thì đây là kênh chúng tôi dự báo sẽ tăng trưởng vượt bậc về quy mô trong vài năm tới, khi mức sống ở Việt Nam tăng lên, với GDP trên đầu người tiến sát mức 5,000 USD và nhu cầu hoạch định, đầu tư tài chính của người dân bùng nổ.

Xin cảm ơn bà.

Cát Lam

Thiết kế: Tuấn Trần

FILI

– 12:00 04/02/2025


Các Sàn forex Uy Tín:

Icmarkets

Exness

Source link

Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.