Căn hộ được rao bán với giá 40 tỉ đồng
Tòa nhà xuất hiện như thế nào?
Theo trang Russia Beyond, vì Khách sạn Ukraina là tòa nhà cuối cùng trong loạt tòa nhà cao tầng “Bảy chị em”, nên các kỹ sư và kiến trúc sư đã có thể tính đến tất cả các vấn đề về thiết kế trước đó. Tuy nhiên, ngay cả như vậy, họ đã phải dùng đến nhiều kỹ thuật khác nhau để đảm bảo rằng tòa nhà được xây dựng mà không phát sinh bất kỳ vấn đề nào sau đó.
Thực tế là khu vực xây dựng trước đây là ở ngoại ô Moscow, nơi chỉ có doanh trại quân đội và đầm lầy – nơi công trình sẽ xuất hiện. Bởi vậy, khi đào móng công trình, các hố đào ngay lập tức ngập đầy nước.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Xô Viết Joseph Stalin không quan tâm đến những khó khăn đó, ông chỉ muốn dự án đầy tham vọng của mình nhanh chóng trở thành hiện thực. Bên cạnh đó, ông tin rằng sự phát triển của một quận mới mẫu mực phải bắt đầu bằng một tòa nhà vĩ đại, chẳng hạn như một tòa nhà chọc trời.
Bản thiết kế của các kiến trúc sư Arkady Mordvinov, Vyacheslav Oltarzhevsky và Pavel Krasilnikov đã được lấy làm cơ sở. Hai người đầu tiên đã có nhiều kinh nghiệm và uy tín: Các công trình của Mordvinov bao gồm các tòa nhà trên Phố Tverskaya (đường phố chính của Moscow), đại lộ Leninsky và Komsomolsky, trong khi Oltarzhevsky đang chuẩn bị dự án đầu tiên của Triển lãm toàn Nga về thành tựu của nền kinh tế quốc dân (tuy nhiên, sau đó dự án đã bị hủy bỏ).
Phong cách kiến trúc Stalin
Theo trang Russia Beyond, Khách sạn Ukraina được xây dựng theo phong cách kiến trúc Stalin, cao 206 mét, bao gồm ngọn tháp trên đỉnh cao 73 mét. Oltarzhevsky – một trong những tác giả của dự án – nói rằng, đó là “một tượng đài cho sự hùng vĩ của thời đại Stalin”.
Điều này được thể hiện theo nghĩa đen trong mọi thứ: từ phong cách kiến trúc với sự đồ sộ và nhiều yếu tố trang trí, đến việc sử dụng các vật liệu xây dựng đắt tiền nhất như đá granit, đá cẩm thạch và gạch men.
Tên của khách sạn do Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Liên Xô Nikita Khrushchev đề xuất, nhân kỷ niệm 300 năm ngày thống nhất Nga và Ukraine, và việc đặt tên cho khách sạn uy tín nhất của thủ đô nhằm vinh danh CHXHCNXV Ucraina.
Các nghệ sĩ đã sống như thế nào trong Khách sạn Ukraina?
Theo trang Russia Beyond, không phải tất cả các khu vực của tòa nhà chọc trời đều là khách sạn: các khu bên cạnh được thiết kế làm khu chung cư (có 255 căn hộ). Tuy nhiên, chính khu khách sạn đã mang lại danh tiếng cho tòa nhà.
Vào thời điểm khai trương năm 1957, Khách sạn Ukraina là khách sạn lớn nhất châu Âu với 1.026 phòng. Ban đầu nó được xây dựng cho người nước ngoài. Bản thân tòa nhà chứa hầu hết mọi thứ mà du khách cần: văn phòng điện báo, ngân hàng và các cửa hàng. Trên tầng hai có một khu vườn mùa đông với đài phun nước; và ở tầng lửng của sảnh khách sạn, có một quán cà phê với tầm nhìn toàn cảnh thành phố.
Chỉ những vị khách cấp cao nhất của Liên Xô mới được ở trong Khách sạn Ukraina, và người dân bình thường gần như không thể mua được căn hộ trong tòa nhà danh giá này.
Một trong những khoảnh khắc nổi tiếng nhất trong lịch sử của Khách sạn Ukraina là khi các ban nhạc của Lễ hội Hòa bình Quốc tế Moscow năm 1989 lưu trú tại đó. Trong số khách mời có các ban nhạc rock và nghệ sĩ nổi tiếng như Bon Jovi, Cinderella, Mötley Crüe và Ozzy Osbourne.
Nhưng ấn tượng của họ về nơi lưu trú này không thoải mái như thoạt nhìn. Điều “xa xỉ” đối với người dân Liên Xô dường như hoàn toàn không gây ấn tượng với du khách phương Tây.
Ca sĩ Jon Bon Jovi thậm chí còn mô tả trải nghiệm này trong nhật ký của mình, khi lưu ý rằng, theo tiêu chuẩn của Mỹ, Khách sạn Ukraina bốn sao chỉ là một nhà nghỉ bình thường không có sao: “Tôi may mắn hơn hầu hết mọi người: có nước nóng trong phòng của mình. Tôi có một tấm rèm tắm ở đó và chỉ có vài ba con gián thân thiện chạy xung quanh. Nhưng, khi còn ở New York, chiếc đệm cũ kỹ của tôi sẽ bị coi là hoàn toàn không thể sử dụng được.”
Tòa nhà cao tầng cuối cùng trong loạt “Bảy chị em”
Theo trang Russia Beyond, căn cứ theo kế hoạch ban đầu của nhà lãnh đạo Xô Viết Stalin, Moscow sẽ có 8 chứ không phải 7 tòa nhà chọc trời. Có một tin đồn rằng, chính quyền thành phố không cho phép xây dựng tòa nhà thứ tám, vì Moscow được xây dựng trên 7 ngọn đồi.
Nhưng sự thật hoàn toàn khác. Dự án đầy tham vọng với quy mô lớn gồm 8 tòa nhà chọc trời – biểu tượng của thời đại Stalin – được chính Stalin cho là cần thiết. Và sau khi Khách sạn Ukraina được bắt đầu xây dựng ngay vào năm nhà lãnh đạo này qua đời, năm 1953, người ta không còn nhắc đến việc xây dựng tòa nhà thứ tám nữa.
Nikita Khrushchev – Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Liên Xô và là người kế nhiệm Stalin – không hài lòng với tham vọng kiến trúc của người tiền nhiệm và “tuyên chiến” với phong cách kiến trúc Stalin, đẩy nhanh kế hoạch thay thế chủ nghĩa tượng đài bằng chủ nghĩa chức năng trong kiến trúc, cũng như trong các lĩnh vực khác.
Kỷ nguyên hiện đại của Khách sạn Ukraina
Theo trang Russia Beyond, năm 1997, nỗ lực đầu tiên được thực hiện để thu hút các nhà đầu tư tư nhân vào việc bảo trì Khách sạn Ukraina. Chính quyền Moscow đã ký hợp đồng với một công ty Thụy Sĩ, nhưng sự hợp tác này chỉ giới hạn ở những sửa chữa nhỏ về mặt thẩm mỹ và vệ sinh mặt tiền tòa nhà.
Những thay đổi sâu rộng hơn đã được thực hiện khi nhà đầu tư bất động sản, tỷ phú God Nisanov mua lại tòa nhà với giá 59 triệu bảng Anh trong một cuộc đấu giá vào năm 2005.
Ngay sau khi mua lại, việc tu sửa tòa nhà đã được bắt đầu. Số phòng đã giảm gần một nửa (505 phòng). Nhưng diện mạo lịch sử của nhiều không gian công cộng và hành lang của tòa nhà vẫn được bảo tồn, bao gồm 1.200 bức tranh của các nghệ sĩ Liên Xô.
Khách sạn Ukraina chính thức trở thành một phần của chuỗi khách sạn Radisson, nhưng về mặt hình thức, chủ sở hữu quyết định giữ lại cái tên lịch sử này. Hiện tại, giá tối thiểu mỗi đêm trên trang web của khách sạn là 13.500 rúp (khoảng 3,6 triệu VNĐ). Và bây giờ bất kỳ ai cũng có thể vào tòa nhà nổi tiếng, với điều kiện là khách lưu trú tại khách sạn hoặc dùng bữa tại một trong các nhà hàng.
Một số căn hộ cũng được rao bán: giá trung bình của một căn hộ 3 phòng ngủ trong khu căn hộ là khoảng 152 triệu rúp (khoảng 40 tỷ VNĐ).
Các Sàn forex Uy Tín:
Icmarkets
Exness
IQOption
Deriv
Source link
Comments are closed.