Loạt doanh nghiệp đặt kế hoạch lợi nhuận giảm sâu, số lượng lao động ngày một “teo tóp”
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng dệt may của cả nước đạt hơn 7 tỷ USD trong quý 1, giảm gần 18% so với cùng kỳ năm trước. Số liệu tháng 4 được công bố mới đây tiếp tục thấy dấu hiệu chưa mấy tích cực, trị giá xuất khẩu chỉ đạt 2,5 tỷ USD, giảm gần 20% so với cùng kỳ năm trước.
Tăng trưởng kinh tế thế giới sụt giảm ảnh hưởng tới hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất, không ngoại trừ mặt hàng dệt may.
Thời gian tới, nhiều dự báo cho rằng các doanh nghiệp trong ngành vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn do sức mua từ các thị trường lớn như Mỹ, EU giảm mạnh, thậm chí nhiều doanh nghiệp vẫn chưa có đơn hàng cho các tháng còn lại trong quý 2.
“Cài số lùi” lợi nhuận 2023
Dự báo trước được những thách thức, hầu hết các doanh nghiệp dệt may đều lên kế hoạch đầy thận trọng cho năm 2023, không ít cái tên đặt mức tăng trưởng âm tới 2 con số.
Điển hình, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (mã: VGT) nhận định ngành dệt may sẽ đối diện nhiều thách thức từ cuộc xung đột Nga – Ukraina hay lạm phát cũng như tổng cầu giảm. Doanh nghiệp này đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 2023 giảm nửa so với cùng kỳ, còn vỏn vẹn 610 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh quý 1/2023 của doanh nghiệp này cũng cho thấy những khó khăn. Doanh thu đạt 4.456 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 118 tỷ đồng; lần lượt giảm 14% và 69% so với cùng kỳ. Sau quý đầu năm, VGT mới chỉ hoàn thành được 19% kế hoạch lợi nhuận.
Có phần thận trọng hơn, ĐHĐCĐ CTCP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex, GIL) thông qua mục tiêu doanh thu 2023 giảm hơn nửa còn 1.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt gần 104 tỷ đồng, giảm tới 71% so với cùng kỳ.
Quý đầu năm kinh doanh đã qua, song Gilimex vẫn phải đối diện nhiều sóng gió khi đơn hàng sụt giảm mạnh. BCTC hợp nhất quý 1/2023 cho biết, doanh thu giảm tới 89%, ghi nhận gần 157 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế thậm chí còn lỗ tới 39 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi 107 tỷ.
Mặt khác, CTCP May Sông Hồng (MSH) cũng lên kế hoạch tăng trưởng âm 2 chữ số. ĐHĐCĐ thường niên đã thống nhất mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2023 giảm 20% còn lại 350 tỷ đồng. Công ty cho biết, nhu cầu giảm, chuỗi cung ứng hàng may mặc toàn cầu đang chuyển dịch bất lợi, do đo, kế hoạch có phần khá khiêm tốn.
Tình hình sản xuất kinh doanh quý đầu năm đứng trước khó khăn về lượng đơn hàng sụt giảm và chi phí đầu vào tăng đã thể hiện trên các con số. Cụ thể, doanh thu giảm tới 51% còn 1.291 tỷ đồng và lợi nhuận giảm 67% còn 27 tỷ đồng.
Tương tự, Tổng CTCP Phong Phú (PPH) cũng đặt kế hoạch không mấy “khá khẩm” hơn với chỉ tiêu lãi sau thuế giảm tới 17% so với cùng kỳ, còn 397 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp dệt may khác là CTCP Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (TCM) cũng đặt mục tiêu tăng trưởng âm trong năm 2023. Dù vừa trải qua một năm kinh doanh đầy hưng phấn khi đạt đỉnh doanh thu và lợi nhuận cao kỷ lục, TCM vẫn đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế “đi lùi” 2% còn 274 tỷ đồng, dự kiến sẽ trình ĐHĐCĐ trong cuộc họp tháng 6 tới.
Ngược chiều với hầu hết các doanh nghiệp trong ngành khác, bộ đôi CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (TNG) cùng với Sợi Thế Kỷ (STK) lại đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận dương lần lượt 2% và 5% so với thực hiện 2022. Tuy vậy kết quả kinh doanh quý 1/2023 lại có phần trái chiều trong khi Sợi Thế Kỷ mới chỉ lãi vỏn vẹn 2 tỷ đồng, sụt giảm gần như hoàn toàn so với mức lãi 97 tỷ đồng quý 1/2022. TNG ghi nhận lãi tới 44 tỷ đồng, tăng trưởng 16% so với cùng kỳ.
CTCP Damsan (ADS) còn gây bất ngờ hơn khi đặt kế hoạch lãi trước thuế tăng trưởng 28% lên mức 110 tỷ đồng, đi ngược với hầu hết các doanh nghiệp cùng ngành khác.
‘Làn sóng’ cắt giảm nhân sự trong ngành dệt may
Đơn hàng dệt may có phần trầm lắng khiến tình hình kinh doanh các doanh nghiệp gặp khó. Trong bối cảnh nguồn thu co hẹp, không ít doanh nghiệp lựa chọn giải pháp cắt giảm nhân sự, con số thậm chí lên tới hơn nghìn lao động để tiết kiệm chi phí.
Trong đó, Garmex Saigon là một trong những doanh nghiệp mạnh tay cắt giảm nhiều nhân sự. Chỉ trong quý đầu năm 2023, số lượng nhân viên đã giảm mạnh 1.797 người. Thời điểm 31/3, số lượng nhân viên của GMC ghi nhận còn lại 185 người, chưa đầy 1/10 so với đầu năm. Ngoài ra, Gilimex và Sợi Thế Kỷ cũng cắt giảm nhẹ lần lượt 70 và 11 nhân sự trong quý 1/2023.
Không chỉ riêng trên sàn chứng khoán, doanh nghiệp “có tiếng” khác chuyên sản xuất, xuất khẩu giày thể thao là Pouyuen Việt Nam trực thuộc Tập đoàn Pou Chen Đài Loan (Trung Quốc) cũng liên tục mạnh tay cắt giảm lao động.
Ở lần giảm lao động sắp tới, công ty cho nghỉ việc 5.744 người có hợp đồng không xác định thời hạn, tương đương 10% tổng số 50.500 lao động. Công nhân sẽ nghỉ vào hai đợt, lần đầu vào ngày 24/6 với 4.519 người và lần tiếp theo vào 8/7 với 1.225 người. Đây được xem là đợt giảm lao động quy mô lớn nhất kể từ khi Pouyuen hoạt động ở TP HCM từ năm 1996.
Khó khăn chưa chấm dứt
Nhu cầu hàng may mặc tăng cao ngay sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát khiến các doanh nghiệp dệt may ồ ạt tuyển dụng lao động. Tuy nhiên, tình hình sản xuất hiện nay lại trở nên khá ảm đạm do thiếu hụt đơn hàng trầm trọng, thậm chí bị dừng đơn hàng đã khiến nhiều doanh nghiệp “ngậm ngùi” cắt giảm nhân sự.
Thêm vào đó, ngành dệt may trong nước vẫn phải đối diện nhiều khó khăn, thách thức khi phụ thuộc nhiều vào chi phí đầu vào, giá nhân công lao động và suy thoái kinh tế.
Tại thị trường nội địa, ngành dệt may chứng kiến sự tham gia của nhiều “đại gia” nước ngoài vào lĩnh vực thời trang. Từ các hãng bình dân đến các thương hiệu xa xỉ như: Zara, H&M, Uniqlo, Dior, LV,.. đều đang muốn sở hữu “miếng bánh” với gần 100 triệu dân.
Báo cáo cập nhật ngành dệt may mới đây của Chứng khoán KIS Việt Nam đánh giá quý 2/2023 vẫn sẽ là một quý khó khăn đối với ngành do phải đối mặt với thách thức không nhỏ từ sức mua các thị trường lớn như Mỹ, EU giảm mạnh.
Mức tồn kho tại các nhà bán lẻ lớn của nước ngoài như Nike và Adidas đã tăng lên kể từ nửa cuối năm 2022, cùng với việc tiêu thụ chậm dẫn đến đơn đặt hàng giảm. Tồn kho cao đó khó có thể giải quyết được trong quý 2 này và việc phục hồi đơn hàng khó xảy ra.
Đồng thời, KIS cho rằng việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng là một trở ngại đối với các công ty may mặc khi phải cạnh tranh với các nhà xuất khẩu hàng may mặc của chính nước này. Tuy nhiên, đây là một tín hiệu tốt cho các công ty sợi có thị phần xuất khẩu lớn tại Trung Quốc. Bên cạnh đó, theo VCOSA, giá bông nhập khẩu được dự báo giảm trong thời gian tới sẽ giúp cải thiện biên LN gộp của các công ty sợi trong quý 2.
Hiện tại, bài toán đặt ra cho các doanh nghiệp trong ngành là làm sao tối ưu hóa hoạt động sản xuất, nâng cao năng suất cũng như chất lượng sản phẩm và quan tâm bám sát khách hàng, thị trường để có các chính sách linh hoạt, kịp thời và phù hợp để có thể bước qua thời điểm khó khăn.
Các Sàn forex Uy Tín:
Icmarkets
Exness
IQOption
Deriv
Source link
Comments are closed.