Triển vọng kinh tế Việt Nam nửa cuối năm 2025: Điểm quan trọng đối với danh mục đầu tư

Triển vọng kinh tế Việt Nam nửa cuối năm 2025: Điểm quan trọng đối với danh mục đầu tư

Dragon Capital vừa công bố tóm lược những diễn biến về thương mại, cải cách, hạ tầng và thị trường trong nửa đầu năm 2025, giúp nhà đầu tư nắm bắt từ tổng quan đến cận cảnh, từ đó điều chỉnh tỷ trọng danh mục và sẵn sàng cho 6 tháng cuối năm.

1. Áp lực về thỏa thuận thương mại được kiểm soát

Việt Nam đã đạt được thỏa thuận thuế quan sơ bộ với Mỹ với tỷ lệ 20%, thấp hơn mức 30 – 55% dự kiến áp dụng cho các quốc gia khác. Mặc dù vẫn đang trong quá trình chờ đợi kết quả chính thức, thông tin này đã giúp loại bỏ rủi ro vĩ mô lớn cho nền kinh tế năm 2025 và giữ vững vị thế cạnh tranh của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tỷ lệ giá trị gia tăng nội địa với hàng trung chuyển gần như bằng không, vì vậy, mức thuế 40% dự kiến áp cho các mặt hàng này tác động không đáng kể đến GDP Việt Nam.

Theo đó, Việt Nam tiếp tục là trung tâm xuất khẩu đáng tin cậy trong bối cảnh bảo hộ thương mại gia tăng, giữ vững vị trí chiến lược trong bức tranh thương mại toàn cầu.

2. Ổn định vĩ mô được duy trì

GDP Việt Nam tăng trưởng 7.5% trong 6 tháng đầu năm, đạt mức cao nhất trong hơn một thập kỷ qua. Tăng trưởng tín dụng đạt 9.9%, mức tăng CPI dưới mục tiêu 3.3%. Tài khoản đối ngoại tiếp tục giữ vững dù chịu áp lực từ thỏa thuận thuế quan, vốn FDI giải ngân duy trì ổn định và các tác động đối với tài khoản vãng lai được kiểm soát. Vốn FDI đăng ký đạt 21.5 tỷ USD (tăng 32.6% so với cùng kỳ), mức cao nhất kể từ năm 2009. Vốn giải ngân thực tế tăng 8.1% lên 11.7 tỷ USD, dẫn đầu ở lĩnh vực sản xuất và bất động sản. Nhu cầu tiêu dùng nội địa và tỷ lệ tiết kiệm tiếp tục hỗ trợ việc hình thành nguồn vốn trong nước. Rủi ro dịch chuyển vốn FDI trọng yếu không cao, do lợi thế về chi phí và hạ tầng đang được cải thiện.

Trong nửa đầu năm 2025, nền tảng kinh tế Việt Nam vững vàng trước những cú sốc từ bên ngoài, nhờ đó hạn chế rủi ro về thoái vốn và bất ổn tỷ giá.

3. Tăng tốc cải cách thể chế

Năm 2025, cải cách pháp lý và hành chính được gia tăng mạnh mẽ, dẫn dắt bởi Nghị quyết 206 cho phép Chính phủ đẩy nhanh tiến độ của hơn 2,200 dự án đang đình trệ với số vốn trên 235 tỷ USD, tương đương khoảng 50% GDP cả nước. Cùng với đó, quá trình tinh gọn bộ máy quản lý hành chính đã và đang được triển khai đồng bộ từ cấp quốc gia đến các địa phương.

Khơi thông các dự án đang tắc nghẽn là động thái giúp tăng hiệu quả sử dụng vốn, duy trì tăng trưởng bền vững và củng cố niềm tin vào quản trị quốc gia.

4. Hoạch định tốt lộ trình chuyển mình của hạ tầng

Giải ngân đầu tư công đạt khoảng 10.5 tỷ USD trong 6 tháng vừa qua, mức cao nhất 5 năm. Dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam dài 1,541 km đang trong giai đoạn lập kế hoạch cuối cùng, chờ phê duyệt và lựa chọn nhà thầu. Khi tham chiếu Trung Quốc, các dự án tương tự đã đóng góp khoảng 900 tỷ USD vào GDP, đi cùng sự phát triển và nâng cao năng suất vùng miền. Dự kiến, dự án sẽ tạo ra hơn 200,000 việc làm và rút ngắn thời gian di chuyển Hà Nội – TP.HCM từ 30 giờ xuống còn dưới 6 giờ.

Dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam thể hiện quyết tâm hiện đại hóa hạ tầng, tạo nền tảng cho năng lực cạnh tranh và năng suất sản xuất trong dài hạn.

5. Chi phí logistics còn cao nhưng đang dần cải thiện

Chi phí logistics chiếm khoảng 18% GDP, cao hơn Nhật (8%) và Trung Quốc (14%). Các dự án đầu tư vào đường sắt, cảng, sân bay và đường bộ dự kiến giúp giảm đáng kể chi phí này, tăng sức cạnh tranh cho nhà sản xuất và xuất khẩu. Việc phát triển các vành đai đô thị quanh các trung tâm mới sẽ nâng cao hiệu quả và giảm chi phí vận chuyển cuối cùng.

Chi phí logistics thấp giúp cải thiện biên lợi nhuận doanh nghiệp và củng cố thế mạnh của Việt Nam so với các trung tâm sản xuất khác.

6. Doanh nghiệp tư nhân dẫn dắt

Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang dẫn đầu ở nhiều lĩnh vực chiến lược như đường sắt, blockchain, năng lượng sạch và sản xuất công nghệ cao, được giao phó các dự án quốc gia quan trọng. Điều này đánh dấu sự chuyển dịch sang nền kinh tế tư nhân, thể hiện rõ nét qua các thay đổi pháp lý như Nghị quyết 68, không hình sự hóa quan hệ kinh tế và khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư công.

Theo đó, khu vực kinh tế tư nhân với năng lực chuyên môn cao và khả năng thực thi ở quy mô lớn sẽ đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng bền vững, củng cố thị trường vốn sâu rộng hơn.

7. Tiến gần đến vị thế thị trường mới nổi (EM)

Việt Nam hiện đứng trước cơ hội được nâng hạng lên thị trường mới nổi bởi FTSE Russell, dự kiến vào tháng 9/2025, tiếp sau đó là MSCI trong vòng 18-24 tháng tiếp theo. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều thay đổi chính sách quan trọng, bao gồm việc bãi bỏ yêu cầu ký quỹ trước (pre-funding) và đơn giản hóa các quy định về tài khoản vốn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà đầu tư nước ngoài.

Nâng hạng thị trường tạo điều kiện thu hút dòng vốn ngoại lớn, cải thiện thanh khoản và giảm chi phí vốn, mang lại lợi ích cho các tổ chức phát hành và nhà đầu tư.

8. Tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp rõ nét

Theo Dragon Capital, dự báo lợi nhuận của nhóm 80 công ty hàng đầu tăng khoảng 14% năm 2025 và 18% năm 2026, được thúc đẩy nhờ ổn định vĩ mô và hiệu ứng cải cách giai đoạn đầu. Thanh khoản nội địa cải thiện, dòng vốn ngoại sẽ bắt đầu quay lại có tính chọn lọc, đảo chiều xu hướng bán ròng nhiều năm tại Việt Nam và các thị trường châu Á.

Lợi nhuận doanh nghiệp được cải thiện, đi cùng dòng vốn hỗ trợ tích cực sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng của cổ phiếu, đặc biệt với các doanh nghiệp sở hữu nền tảng vững mạnh và có sức hút với nhà đầu tư nước ngoài.

9. Định giá cổ phiếu: tiềm năng tăng trưởng kèm biến động

Định giá cổ phiếu Việt Nam vẫn ở mức thấp so với mức đỉnh lịch sử của Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc ở các giai đoạn tăng trưởng mạnh trước đó. Các thị trường này từng tăng từ 4 – 12 lần dù trải qua sự biến động đáng kể. Điều này cho thấy dư địa tăng trưởng của thị trường Việt Nam còn rất lớn, đặc biệt khi các đợt cải cách ban đầu cũng như dòng vốn đầu tư mạnh mẽ đã và đang tạo đà cho lợi nhuận của các doanh nghiệp bứt phá.

Tiềm năng tăng trưởng của thị trường Việt Nam là điều đã được dự báo trước. Do đó, nhà đầu tư cần chuẩn bị tâm lý và lên kế hoạch về quy mô đầu tư để đón đầu chu kỳ tăng trưởng mới.

10. Động lực ngành định hình kết quả danh mục đầu tư

Nền kinh tế Việt Nam đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ. Trong bối cảnh đó, chứng khoán sẽ là một trong những kênh đầu tư dẫn đầu về hiệu suất. Tăng trưởng lợi nhuận lan tỏa, mở ra cơ hội cho nhiều ngành, bao gồm:

  • Ngân hàng, bất động sản và sản xuất có liên quan xây dựng: sẽ hưởng lợi trực tiếp từ việc đẩy mạnh đầu tư công và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước;
  • Bán lẻ: tiếp tục duy trì đà tăng trưởng nhờ tiêu dùng nội địa gia tăng và sự phát triển của các hình thức thương mại hiện đại, giúp mở rộng thị phần;
  • Công nghệ và chuyển đổi số được xác định là ưu tiên quốc gia, hứa hẹn tiềm năng phát triển dài hạn và bền vững;
  • Ngành chứng khoán: đang ở vị thế thuận lợi để đón sóng tăng trưởng trước kỳ vọng nâng hạng thị trường.

Động lực tăng trưởng sẽ lan tỏa mạnh mẽ toàn ngành, nhưng kết quả sẽ phân hóa theo từng cổ phiếu. Những doanh nghiệp hoạt động tốt, tài chính vững mạnh và có lợi thế cạnh tranh sẽ là nhóm được hưởng lợi lớn nhất, đặc biệt khi tính minh bạch ngày càng quan trọng đối với nhà đầu tư toàn cầu.

Hàn Đông

FILI

– 08:27 19/07/2025


Các Sàn forex Uy Tín:

Icmarkets

Exness

Source link

Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.